Thứ Sáu, 08/06/2012 23:15

TPHCM: Nhiều doanh nghiệp FDI có nguy cơ ngừng hoạt động

Theo UBND TPHCM, gần 800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại thành phố đối mặt với nguy cơ giải thể, ngưng hoạt động vì không thể thực hiện đăng ký hoạt động lại do vướng các qui định về chuyển đổi, đăng ký lại giấy chứng nhận đầu tư.

Trong văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ngày 6-6, UBND thành phố cho biết trong năm 2012 sẽ có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động có hiệu quả phải ngừng hoạt động do chưa thực hiện một thủ tục hành chính là đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Đầu tư năm 2005.

“Tình hình rất cấp bách, UBND thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét quyết định bởi rất nhiều trường hợp thời gian hoạt động trên giấy phép đầu tư chỉ còn khoảng 1 tháng”, văn bản kiến nghị nêu.

Theo UBND thành phố, kể từ ngày 1-7-2011 (thời điểm hết hạn đăng ký lại theo quy định tại Điều 3 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19-6-2009, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 170 của Luật Doanh nghiệp năm 2005), thành phố đã không tiếp nhận các hồ sơ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lại.

Tuy nhiên, hiện có 3 doanh nghiệp liên tục gửi văn bản đề nghị xem xét thực hiện thủ tục đăng ký lại để được gia hạn thời gian hoạt động gồm Công ty Dệt Sài Gòn Joubo, Công ty SKF Việt Nam, Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam.

Theo UBND, đây là ba trường hợp cụ thể trong số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu đăng ký lại để được tiếp tục hoạt động nhưng chưa thể thực hiện được do quy định hiện hành.

Theo số liệu thống kê của UBND thành phố, tính đến hết ngày 30-6-2011, trên địa bàn thành phố có 784 doanh nghiệp (chiếm hơn 20% số lượng doanh nghiệp còn được phép hoạt động) hoạt động theo giấy phép đầu tư được cấp trước ngày 1-7-2006. Trong đó, số doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động do hết hạn giấy phép đầu tư trong năm 2012 là 27 doanh nghiệp, trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 là 174 doanh nghiệp.

Đa số các doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký lại tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất hàng hóa… là những ngành thu hút nhiều lao động và chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế của Thành phố.

UBND thành phố cho rằng việc đăng ký lại chỉ là một thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, nếu không đăng ký lại thì bắt buộc doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động khi giấy phép đầu tư hết hạn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thành lập trước thời điểm ngày 1-7-2006 mong muốn bổ sung ngành và gia hạn thời gian hoạt động là các doanh nghiệp phần lớn đang kinh doanh có hiệu quả. Các doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào dây chuyền máy móc, thiết bị công nghệ và cơ sở hạ tầng và dự định tiếp tục phát triển kinh doanh để có thể thu hồi vốn đã đầu tư, tạo thêm nhiều lợi nhuận.

“Việc gần 800 doanh nghiệp phải giải thể vì không thực hiện đăng ký lại trên địa bàn thành phố sẽ tác động lớn đến kinh tế-xã hội: Nhiều lao động mất việc làm, giảm thu cho ngân sách Nhà nước, gây mất độ ổn định cho nền kinh tế và ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư. Việc này cũng không phù hợp chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, có đóng góp tích cực cho xã hội của Chính phủ và TPHCM”, văn bản kiến nghị nêu.

Trước mắt, trong năm 2012, thành phố sẽ có ít nhất 27 doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động do đã hết hạn thời gian hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư mà không thể xin gia hạn. Các doanh nghiệp trên chấm dứt hoạt động đồng nghĩa với việc thành phố giảm thu hút 672 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư và 634 triệu đô la Mỹ vốn điều lệ. Đây là một con số không nhỏ và rất có ý nghĩa trong giai đoạn thành phố đang đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư và đang cần vốn đầu tư.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thực hiện đăng ký lại tiếp tục hoạt động, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép phương án 1 là gia hạn thời gian hoạt động bằng cách cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh nội dung thời gian hoạt động tại giấy phép đầu tư đã cấp cho doanh nghiệp.

Bằng cách trên, các doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục hoạt động trong phạm vi ngành nghề hoạt động đã được ghi trong giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, sẽ không được tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của giấy phép đầu tư quy định của pháp luật hiện hành cho đến khi có quy định mới của pháp luật.

Hoặc theo phương án 2, UBND thành phố kiến nghị nên xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư thành lập doanh nghiệp với tên mới cho nhà đầu tư của doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư chưa thực hiện đăng ký lại với nội dung hoạt động ngành nghề kinh doanh và mục tiêu hoạt động dự án vẫn giữ nguyên theo nội dung giấy phép đầu tư đã cấp cho doanh nghiệp.

Qua phân tích như trên và cân nhắc giữa hai phương án, UBND thành phố nhận thấy, phương án 1 là thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhưng chưa đúng quy định của Nghị định số 101/2006/NĐ-CP ngày 21-9-2006 của Chính phủ, mặc dù không trái với Luật Doanh nghiệp năm 2005. Phương án 2 phức tạp, có nhiều yếu tố rủi ro về pháp lý cho doanh nghiệp và không thuận lợi trong quản lý nhà nước.

UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký lại được gia hạn thời gian hoạt động theo phương án 1.

Tuy nhiên về lâu dài, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101/2006/NĐ-CP ngày 21-9-2006, cho phép doanh nghiệp chưa đăng ký lại được gia hạn thời gian hoạt động, trong khi chờ sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005; đề nghị Chính phủ xem xét và sửa đổi Nghị định này ngay trong năm 2012.

Ngoài ra, UBND thành phố còn kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005 để bãi bỏ thời hạn thực hiện thủ tục đăng ký lại của doanh nghiệp tại Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Văn Nam

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chính phủ phải báo cáo hằng năm về tái cơ cấu kinh tế (08/06/2012)

>   Đóng góp ý kiến xác đáng, có trách nhiệm vào Đề án tái cơ cấu kinh tế (08/06/2012)

>   "Cần phải có cơ chế tự kiểm soát tại các DNNN" (08/06/2012)

>   Đặt tập đoàn dưới sự giám sát đặc biệt của Quốc hội (08/06/2012)

>   6 tháng đầu năm kinh tế Hà Nội tăng trưởng 7,6% (08/06/2012)

>   'Chính phủ không cứu DN một cách tràn lan' (08/06/2012)

>   Có thể giải ngân 21.000 tỷ đồng mỗi tháng (08/06/2012)

>   Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: “Sửa lại ngôi nhà kinh tế” (08/06/2012)

>   Lạm phát giảm nhanh ảnh hưởng kinh tế (08/06/2012)

>   Cứu DN: Đừng để "lờn" thuốc (08/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật