Thứ Ba, 12/06/2012 08:56

Thương mại Việt - Trung, bao giờ mới ngang sức?

LTS: Trong quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc, dường như Việt Nam luôn ở thế bị động, lép vế. Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng rất nhanh dẫn đến nhập siêu ngày càng lớn. Ở chiều xuất khẩu thì lúc họ ồ ạt mua giá cao, lúc không mua dẫn đến ứ đọng hàng hoá. Câu chuyện cứ thế kéo dài hàng chục năm, đòi hỏi phía Việt Nam cần có chiến lược dài hạn cả ở cấp Nhà nước và doanh nghiệp.

Kỳ 1: Xuất khẩu tăng, chưa thể mừng

Theo số liệu thống kê, trong năm tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu từ các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ước đạt 5 tỉ USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong lúc đó nhập khẩu từ Trung Quốc tuy tăng thấp (12,9%) nhưng con số tuyệt đối là 10,3 tỉ USD. Như vậy, nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 5,3 tỉ USD.

Khó thoát thế nhập siêu

Nhìn xa hơn, nhập siêu từ Trung Quốc giai đoạn 2001 – 2011 đã tăng khoảng 100 lần, từ mức 185 triệu USD lên 19,1 tỉ USD.

Có thể nói, Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội tự do hoá thương mại so phía Trung Quốc. Ngày 1.1.2010, hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã chính thức có hiệu lực, thì nhập siêu từ Trung Quốc trong năm này đạt 12,6 tỉ USD, tăng 1,1 tỉ USD so năm 2009. Năm 2011, con số này tiếp tục tăng lên 13,5 tỉ USD.

Sự chênh lệch cán cân thương mại Việt Nam – Trung Quốc còn do hàng Trung Quốc lọt qua hàng rào cửa khẩu phía Việt Nam quá dễ dàng, còn hàng Việt Nam vào Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ, theo nhận xét của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Theo tiến sĩ Đinh Văn Thành, viện trưởng viện Nghiên cứu thương mại, bộ Công thương, Trung Quốc cung cấp đến hơn 60% nguyên liệu cho nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời Trung Quốc cũng là nước cung cấp những thiết bị, công nghệ rẻ tiền để Việt Nam gia tăng xuất khẩu trong thời gian qua. Do vậy, trước mắt, Việt Nam chưa thể giảm nhập khẩu từ Trung Quốc khi mà nền sản xuất trong nước chưa thể một sớm một chiều cung cấp sản phẩm thay thế.

Trong khi đó, ở chiều xuất khẩu, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu năm tháng đầu năm sang thị trường này vẫn là các nhóm hàng nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng nhiều nhất, với 35 – 40% tổng kim ngạch; tiếp đến là nhóm hàng khoáng sản, năng lượng chiếm 25%; còn nhóm hàng công nghiệp và chế biến chỉ chiếm 20%...

Còn nhiều tiềm năng thị trường

Trong các năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được thị trường tiêu thụ mới khi mang hàng sang bán ở Trung Quốc như Casumina, Kềm Nghĩa, Vinamit, Trung Nguyên…

Ghi nhận từ trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho thấy, mức gia tăng doanh số của các thương lái bán hàng Việt sang Trung Quốc khá tốt: trái cây sấy của công ty V đạt trên 400 tỉ đồng/năm; càphê bột của một công ty lớn Việt Nam đang đạt 1.000 tỉ đồng/năm; mì gói, bánh các loại đã có doanh số 3.500 tỉ đồng.

Theo BSA, với hơn 500 triệu dân phía Tây Nam của Trung Quốc, với việc Trung Quốc tăng thực thi cam kết ACFTA, với xu hướng người tiêu dùng Trung Quốc chuộng hàng ngoại nhập và sự ưu ái cho hàng nông sản Việt Nam… thì Trung Quốc là thị trường có tiềm năng tiêu thụ tốt hàng Việt Nam.

Ông Vi Tích Thần, tham tán thương mại tổng lãnh sự Trung Quốc tại Việt Nam, nói: “Trung Quốc cũng là thị trường lớn về tiêu dùng với các phân khúc tiêu dùng khác nhau và đa dạng”. Dẫn chứng cho sự đa dạng này, có thể thấy rõ trên thực tế là thương nhân Trung Quốc qua Việt Nam mua đủ thứ, từ trứng vịt, trứng muối, thịt gà, thịt heo cho đến dưa hấu, xoài, nhãn, thanh long, khoai lang...

Sự đa dạng này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nếu biết tìm đến đúng đối tượng khách hàng phù hợp với khả năng cung cấp của mình.

Rủi ro lớn và… lệ thuộc đối tác

Ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Vinamit kể, để bán hàng sang Trung Quốc, nếu không có kinh nghiệm thì việc tiến hành các thủ tục đăng ký quyền sở hữu thương hiệu, thủ tục nhập hàng vào siêu thị, mở văn phòng, thuê luật sư… khá phức tạp và tốn khá nhiều chi phí, cũng như làm đội giá bán lên cao. Cách đơn giản nhất là giao hàng cho đối tác tại cửa khẩu, mọi việc còn lại họ sẽ lo hết. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều chọn làm cách này, và họ phải phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác.

Theo ghi nhận từ hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, gần đây tình trạng doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tiểu ngạch bị các đối tác phân phối độc quyền (người Trung Quốc) qua biên mậu khống chế và đe doạ sẽ cắt đứt quan hệ nếu doanh nghiệp tìm đường xuất chính ngạch.

Buôn bán tiểu ngạch và sự lệ thuộc đối tác đã liên tục tạo những cú sốc cho thị trường Việt Nam mỗi khi phía Trung Quốc ngưng mua hoặc gây khó dễ: từ dưa hấu, dừa trái, khoai lang, cao su… và mới đây nhất là gạo.

Để thoát khỏi tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch, doanh nghiệp phải đầu tư lâu dài cho kế hoạch thâm nhập chính thức vào thị trường Trung Quốc. Theo tính toán của các doanh nghiệp có kinh nghiệm, chỉ tính riêng tiền thuế nhập khẩu, VAT, phí tiếp thị, chi phí đưa hàng vào siêu thị… giá bán lẻ sản phẩm đã tăng thêm ít nhất 50%. Chưa kể thời gian đầu phải rất vất vả mới tìm được nhà phân phối, nơi tiêu thụ… Đây vẫn là thách thức phía trước của các doanh nghiệp.

Bích Nga

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Ôtô trong nước tháng 5: Hết đường lùi? (12/06/2012)

>   VDB đề xuất gói hỗ trợ ngành sản xuất cá tra (12/06/2012)

>   Vasep dự báo thiếu hụt 40% nguyên liệu cá tra trong quí 3 (11/06/2012)

>   TP.HCM: Các hãng taxi đã bắt đầu giảm giá cước (11/06/2012)

>   IFC đầu tư tăng cường năng lực chế biến cà phê của Việt Nam (11/06/2012)

>   Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước vượt 6,8 tỷ USD (11/06/2012)

>   Jetstar Pacific Airlines xin miễn thuế nhập khẩu xăng (11/06/2012)

>   Những chiêu thức đòi nợ thời gian khó (11/06/2012)

>   Dệt may Việt Nam thiếu đơn hàng (10/06/2012)

>   Cước vận tải: lên rồi, xuống không được! (10/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật