Tây Ban Nha có thể xin gói giải cứu ngân hàng vào thứ Bảy
Các nguồn tin của Liên minh châu Âu (EU) và Đức cho hay Tây Ban Nha có thể thỉnh cầu EU cung cấp gói hỗ trợ dành cho hệ thống ngân hàng nước này vào cuối tuần nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn của các thị trường.
Nếu điều này xảy ra, Tây Ban Nha sẽ là quốc gia thứ tư và lớn nhất Eurozone yêu cầu được giải cứu kể từ khi khủng hoảng nợ bắt đầu.
* Fitch hạ 3 bậc tín nhiệm Tây Ban Nha xuống sát mức đầu cơ
* Tây Ban Nha dễ dàng vượt qua “phép thử” quan trọng
* Tây Ban Nha cảnh báo đóng băng tín dụng
Hai quan chức cấp cao EU cho biết các bộ trưởng tài chính của 17 quốc gia khu vực đồng tiền chung (Eurogroup) sẽ tổ chức một cuộc điện đàm vào ngày thứ Bảy để thảo luận về yêu cầu giải cứu của Tây Ban Nha dù chưa có con số cụ thể nào được đưa ra. Theo hai quan chức này, Eurogroup sẽ công bố thông báo sau khi cuộc họp kết thúc, có thể là vào trưa thứ Bảy.
Một quan chức cấp cao của Đức cho rằng: “Chính phủ Tây Ban Nha đã nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề”. Ông cho biết thêm phải đạt được thỏa thuận trước khi diễn ra cuộc bầu cử Hy Lạp vào ngày 17/06. Cuộc bầu cử này có thể khiến Athens rời Eurozone nếu các đảng phản đối điều khoản của gói giải cứu từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Hiện Chính phủ Tây Ban Nha chưa có nhận định chính thức về thông tin này. Trong khi đó, do tính nhạy cảm của vấn đề nên hai quan chức của EU và Đức giấu tên.
Dù Tây Ban Nha có thể trở thành nước thứ tư của Eurozone xin giải cứu sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha nhưng hai quan chức trên cho rằng gói hỗ trợ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ngân hàng và không loại Tây Ban Nha ra khỏi các thị trường tín dụng.
Hôm qua, Fitch hạ 3 bậc xếp hạng tín nhiệm Tây Ban Nha từ “A” xuống “BBB” – mức xếp hạng thấp nhất thuộc cấp độ đầu tư - với triển vọng tiêu cực do chi phí tái cấu trúc và tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng nước này.
Theo ước tính của Fitch, chi phí để khôi phục hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha ở vào khoảng 60 tỷ EUR hoặc có thể lên tới 100 tỷ EUR trong kịch bản “căng thẳng trầm trọng”. Đồng thời dự báo nước này sẽ tiếp tục chìm trong suy thoái cho tới cuối năm 2013.
Bên cạnh đó, báo cáo dự kiến được công bố vào ngày thứ Hai (11/06) của IMF cũng ước tính nhu cầu vốn của các ngân hàng Tây Ban Nha là 40 tỷ EUR. Tuy nhiên, các điều kiện thị trường đã giảm sút đáng kể từ khi số liệu này được thu thập.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) và Đức cùng đồng ý về nguyên tắc rằng Tây Ban Nha nên có thêm thời gian để hạ thấp thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần của EU là 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Các thị trường chứng khoán châu Âu và đồng EUR giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Sáu do mối lo ngại sâu sắc về Tây Ban Nha sau động thái hạ bậc tín nhiệm của Fitch.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|