Thứ Sáu, 08/06/2012 07:06

Ukraine, Ba Lan và con dao hai lưỡi Euro2012

Mùa giải Euro năm nay được tổ chức tại Ukraine và Ba Lan, hai quốc gia có nhiều điểm khác nhau về tình hình kinh tế cũng như chính trị. Tuy nhiên, tồn tại một nghi vấn chung cho cả hai quốc gia là liệu việc đăng cai mùa giải có thể mang lại những khoản hời hay họ lại giẫm phải vết xe đổ của Hy Lạp với Olympic Athens 2004?

Kinh tế Ukraine, Ba Lan: Bức tranh tương phản

Một câu hỏi được đặt ra đối với Ukraine là đã hai thập kỷ kể từ ngày độc lập nhưng tại sao quốc gia châu Âu này lại vẫn chìm trong một nền kinh tế trì trệ và một nền chính trị rối ren không kém. Sự trì trệ này không phải là do thảm họa thiên nhiên hay sự hạn chế nguồn lực mà có lẽ là do những chính sách yếu kém mà một chính phủ yếu kém đã theo đuổi.

Trái ngược với suy nghĩ của các chuyên gia kinh tế phương Tây, sự thất bại của nền kinh tế không phải hẳn là do sự sai lầm trong đường hướng tự do hóa thị trường mà bởi sự tập trung quá mức vào quyền lực chính trị. Để đảm bảo quyền con người và sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế thì việc hạn chế thứ quyền lực này phải được thực hiện một cách hệ thống và thực sự nghiêm túc.

Euro2012 sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực tới kinh tế 2 nước đồng chủ nhà?

Với những điểm tương đồng về lịch sử, GDP của Ba Lan đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua trong khi Ukraine vẫn chật vật ở mức sản lượng kỷ lục thời kỳ trước.

Sự phát triển kinh tế không chỉ phản ánh chất lượng cuộc sống mà còn được thể hiện qua những chỉ số. Tỷ lệ trẻ em tử vong của các nước Trung Âu trong 20 năm qua đã giảm mạnh. Riêng tại Ba Lan, tỷ lệ này cực thấp, giảm từ 17/10.000 xuống chỉ còn 7/10.000. Tuổi thọ trung bình tại các nước này cũng tăng từ 71 lên 78.

Tuy nhiên, tại Ukraine, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới năm tuổi giảm rất ít, từ 25/10.000 xuốn 24/10.000 trong khi tuổi thọ trung bình lại giảm từ 70 xuống còn 68.

Một vấn đề khác được nhắc tới là mức độ cởi mở của Ukraine trước quy luật phát triển của thế giới.

Dân chủ không phải là một liều thuốc hoàn hảo chữa được bách bệnh nhưng một chế độ phi dân chủ thường ít có thể mang lại những chính sách tích cực và hiệu quả. Những quy định bất thình lình và cứng nhắc đã tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh và kìm hãm nền kinh tế. Điều này đang diễn ra ở Ukraine.

Mối nguy khác nữa là tình trạng thuế má.

Người tiêu dùng sẽ bị đánh thuế cao nếu chi tiêu nhiều. Điều này có nghĩa chính sách này chỉ mang lại lợi ích cho một số ít những người nghèo khổ. Các doanh nghiệp bị đánh thuế rất nặng, không có điều kiện mở rộng kinh doanh và nền kinh tế đương nhiên vì thế mà không thể phát triển nổi.

Hơn nữa, chính sách bảo vệ quyền lợi doanh nhân không được áp dụng đồng bộ và công bằng.

Một số nhỏ các doanh nhân chính trị được ưu ái. Họ có thể chỉ phải trả mức thuế thấp trong khi các đối thủ của họ thì bị chính quyền chèn ép, gây khó khăn. Một nền kinh tế không có cạnh tranh lành mạnh, không có sự công bằng giữa những thành viên tham gia thì lợi ích chỉ rơi vào tay một số ít chứ không phải cả nền kinh tế.

Thử thách thực sự đối với quốc gia này là xây dựng một thị trường tự do, tư bản hóa một cách bài bản. Các công dân Ukraine hoàn toàn có thể sánh vai với các nước láng giềng Trung Âu nếu họ chịu thay đổi, còn ngược lại sẽ bị tụt lại phía sau nếu như vẫn còn tiếp tục tồn tại những chính sách lạc hậu cũ kỹ trước đó.

Thủ đô Warsaw (Ba Lan) nơi chứng kiến nhiều thay đổi kinh tế trọng đại của quốc gia này.

Tuy nhiên, những nhân tố chủ yếu mang lại thành công cho đất nước Ba Lan trong 20 năm qua lại nằm ở chính những gì mà Ukraine yếu kém.

Quyền lợi kinh doanh và chính trị được cân bằng, những quy định và chính sách được thực hiện một cách đồng bộ, tất cả thành phần trong nền kinh tế được bảo vệ quyền lợi một cách công bằng. Ba Lan tích cực khuyến khích một thị trường cạnh tranh bằng việc dỡ bỏ tình trạng độc quyền đồng thời mở cửa nền kinh tế.

Hơn nữa, Ba Lan được cho là điểm sáng của nền kinh tế châu Âu khi là một trong số rất ít các quốc gia tránh được tình trạng bùng nổ kinh tế thái quá hay tình trạng suy thoái và đặc biệt là khủng hoảng nợ mà các nước như Tây Ban Nhà, Ai Len, Mỹ, Anh...phải đau đầu để đối phó. Năm 2011, kinh tế nước này tăng trưởng 4% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Đây là một con số ấn tượng trong bối cảnh tình hình suy thoái hiện nay.

Tại Ukraine, cuộc bùng nổ kinh tế giai đoạn 2004-2007 đã kéo theo kết quả là giảm 15% GDP vào năm 2009- hậu quả trực tiếp của các chính sách trong nước.

Euro 2012: Con dao hai lưỡi?

Ba Lan hi vọng có thể sử dụng mùa giải để khuếch trương những thành công về kinh tế, chính trị mà họ đã đặt được trong những năm qua. Trong khi đó Ukraine lại đang nỗ lực tận dụng "cơ hội vàng" này để khôi phục tình trạng của mình khi mà cả tình hình kinh tế và chính trị đều lao dốc trong thời gian vừa qua. Kinh tế nước này năm 2009 tăng trưởng âm 15% , quan chức hàng đầu chính phủ thì liên tục bị đưa ra tòa vì tham nhũng...

Oleh Rybachuk - một cựu quan chức chính phủ cao cấp đã ví Euro 2012 như một con dao hai lưỡi đối với giới lãnh đạo Ukraine tỷ phú chính trị cuồng bóng đá, những người đóng vai trò lớn trong việc tổ chức 2012.

Ba Lan là một trong những câu chuyện thành công xuất sắc nhất tại châu Âu.

Đây là nước duy nhất trong khu vực không rơi vào suy thoái năm 2009 và đặt được tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Âu trong khi tình hình chính trị lại rất ổn định, một điểm sáng hiếm có trong giai đoạn hiện nay của thế giới.

Warsaw (thủ đô Ba Lan) vừa đầu tư khoảng 30 tỷ USD để xây sân vận động, sân bay và đường cao tốc.

Olympic Athens 2004 là bài học đau đớn cho Hy Lạp khi đầu tư quá nhiều cho một cuộc chơi không cân sức, góp phần gây vỡ nợ công quốc gia.

Với những thành quả đã đặt được thì không có lý gì mà Ba Lan không tận dụng cơ hội này để chứng mình sự chuyển mình nhanh chóng của quốc gia cộng sản một thời và đang nổi lên là một nước châu Âu theo đúng nghĩa, văn minh và phát triển.

Nếu mùa giải thành công, Ba Lan có thể khẳng định họ đã làm rất tốt những nhiệm vụ dài hạn và chông gai - điều lớn lao nhất mà đất nước này đã làm được trong lịch sử phát triển của mình.

Trong khi đó, theo một nguồn tin thì Ukraine chi khoảng 3,3 tỷ Euro vào hạ tầng cơ sở. Họ đã hoàn thành tất cả 4 sân vận động tại những thành phố tổ chức giải đấu, tân trang lại nhiều sân bay và xây dựng nhiều đường xá.

Ukraine đã tích cực, gấp rút hoàn thiện các công tác tổ chức để chào đón các du khách trên thế giới đến theo dõi mùa giải. Họ hi vọng sẽ làm cho thế giới bất ngờ với đất nước và con người Ukraine. "Tuy nhiên, Ukraine đã bỏ lỡ mất một cơ hội khổng lồ để quảng bá hình ảnh. Họ quá mải mê xem đó là một cơ hội để kiếm tiền, để kinh danh và để tăng cường quyền lực chính trị trong nước hay là những lý do nhỏ nhặn khác mà không coi đó là một cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước"- một chuyên gia phân tích cho biết.

Trong bối cảnh nền kinh tế khu vực cũng như toàn thế giới đang diễn biến rất bất ổn, suy thoái kinh tế đang trở thành một nỗi lo thường trực đối với bất cứ quốc gia nào thì khó có thể khẳng định Euro có thể trở thành một cơ hội vàng cho Ba Lan và Ukraine hay không.

Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng nợ đang làm đau đầu các quốc gia trong khu vực khi mà hàng loạt các giải pháp được thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả. Tại thời điểm mà các nước đặt tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu để giảm thâm hụt ngân sách thì việc chi ra hàng chục tỷ Euro lúc này dường như là một hành động mạo hiểm.

Bài học từ Hy Lạp với Olympic Athens 2012

Cùng nhìn lại một tiền lệ điển hình của sự thất bại khi mạo hiểm đăng cai tổ chức thế vận hội trong tình trạng..."rỗng túi" và phải nhận quả đắng. Đó là trường hợp Hy Lạp đăng cai Olympic Athens 2004.

Theo ước tính của hãng tin Huffingtonpost năm 2010, Olympic Athens 2004 đã ngốn của Hy Lạp khoảng 12 tỷ USD (theo tỷ giá hiện hành) - gấp đôi so với dự kiến ngân sách ban đầu. Tuy nhiên theo phỏng đoán của chuyên gia thì mức chi cho thế vận hội năm đó còn lớn hơn rất nhiều. Đó là còn chưa tính đến các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng phải gấp rút hoàn thành trong bối cảnh lạm phát leo thang. Chỉ riêng chi phí cho an ninh đã mất 1,2 tỷ USD.

Sáu năm sau, hơn một nửa các công trình phục vụ thế vận hội bị xếp xó hoặc có chăng thì cũng chỉ thỉnh thoảng mới động đến.

Vung tay quá trán để tổ chức một thế vận hội hoành tráng đã khiến cho Hy Lạp thua lỗ nặng bởi doanh thu không thể bù nổi khoản chi phí khổng lồ.

Khi mà cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ thì các nhà phân tích kinh tế đã có cái cớ để khẳng định, chính Olympic Athens 2004 là một trong những nhân tố đẩy lỗ hổng tài chính quốc gia lên cao trào. Thâm hụt ngân sách của nước này trong năm tài khoá 2004 ước lên tới 5,4%, tương đương với khoảng 8,6 tỷ USD. Và nó cũng chính là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng vỡ nợ của quốc gia châu Âu này.

Hung Ninh

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Fitch hạ 3 bậc tín nhiệm Tây Ban Nha xuống sát mức đầu cơ (08/06/2012)

>   Thủ tướng Đức Merkel quyết tâm củng cố Eurozone (07/06/2012)

>   Nga chính thức gia nhập WTO vào đầu tháng Tám (07/06/2012)

>   Tập đoàn Panasonic muốn thâu tóm Olympus (07/06/2012)

>   FED: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vừa phải (07/06/2012)

>   Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất 0.25% lần đầu từ năm 2008 (07/06/2012)

>   Tây Ban Nha dễ dàng vượt qua “phép thử” quan trọng (07/06/2012)

>   Các ngân hàng bị ép mua nợ (07/06/2012)

>   Đức và EU tìm cách cứu các ngân hàng Tây Ban Nha (07/06/2012)

>   Kinh tế của Hàn Quốc tăng trưởng 0,9% trong quý I (07/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật