Các ngân hàng bị ép mua nợ
Để đối phó vấn đề nợ công, nhà chức trách châu Âu và Hoa Kỳ đang ép buộc các ngân hàng thu mua nợ chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng này thậm chí có thể dẫn đến một bi kịch tồi tệ hơn đối với cuộc khủng hoảng nợ.
Theo phân tích của Citigroup, giới chức trách đang nới lỏng các quy định (trong đó có quy định về vốn) đối với ngân hàng để tạo ra một thị trường ổn định cho các loại trái phiếu chính phủ.
Điều này có thể giúp các chính phủ phát hành ngày càng nhiều nợ nhưng cũng là quả bom nổ chậm sẽ nổ tung một khi các chính phủ không còn khả năng thanh toán, để lại hàng tỷ EUR/USD nợ độc hại cho các ngân hàng.
Ước tính trong thời gian ngắn ngủi từ tháng 11-2011 đến tháng 3-2012, các ngân hàng Tây Ban Nha đã mua thêm lượng trái phiếu chính phủ trị giá 90 tỷ EUR trong lúc các đồng nghiệp Italia mua 86 tỷ EUR. Ngay cả ở Anh, mặc dù quốc gia này không bị ràng buộc trong khu vực đồng eur nên có thể áp dụng chính sách tiền tệ riêng biệt và tránh được cuộc khủng hoảng nợ nhưng các ngân hàng của họ cũng đã phải tăng giá trị lượng trái phiếu nắm giữ thêm 100 tỷ bảng trong vài năm qua.
Tương tự, ở Hoa Kỳ, tuy các ngân hàng được cho là nắm giữ “tương đối thấp” trái phiếu ngân khố nhưng kể từ năm 2008 giá trị mua vào cũng đã đạt khoảng 700 tỷ USD. Tính đến ngày 24-5-2012, hệ thống các ngân hàng của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nắm giữ tổng cộng 1.659 tỷ USD nợ chính phủ Hoa Kỳ, là một trong những chủ nợ lớn nhất của nền kinh tế số một thế giới.
Chiến lược gia của Citigroup Hans Lorenzen nhận xét: “Hãy đặt một câu hỏi đơn giản: Tại sao các ngân hàng thu mua nợ chính phủ khi mà lợi tức thấp và nhà đầu tư nước ngoài đang tháo lui? Là do các nhà làm luật đã sử dụng tới cây gậy và củ cà rốt”.
Thí dụ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện hoạt động tái cấp vốn dài hạn trong đó cung cấp bảo lãnh nợ. Hơn nữa, các ngân hàng châu Âu đã thoát gánh nặng kiểm tra sức ép trong năm nay, đây là một dấu hiệu gợi ý rằng nhà chức trách đang sẵn sàng “thông cảm” cho một chút thả lỏng trong hoạt động ngân hàng miễn là họ giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện.
Giới phân tích cho rằng một khi nguồn vốn dành cho nợ quốc gia trên các thị trường vẫn còn bị đe dọa và chưa có động thái rõ ràng nào trong việc củng cố tài chính thích hợp ở châu Âu thì sẽ có sự khuyến khích chính trị mạnh mẽ để buộc các ngân hàng mua nợ và thế là các ngân hàng sẽ tiếp tục mua nợ”.
Do đó, đối với những nhà đầu tư vào trái phiếu ngân hàng, chiến lược gia Lorenzen đưa ra lời khuyên: “Thay vì chăm chú vào những bằng cấp kinh tế, kế toán và tài chính, có lẽ nên học thêm cả khoa học chính trị”.
Việc ngân hàng bị ép mua trái phiếu chính phủ có thể giúp giữ lợi tức nội địa thấp nhưng đồng thời cũng gieo mầm mống cho một cuộc khủng hoảng lớn hơn, việc kích tăng nhu cầu mua trái phiếu có thể “mua” được một ít thời gian để các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách nghĩ ra giải pháp đối phó khủng hoảng nợ nhưng nếu tài khoản thời gian này không được sử dụng một cách thật cẩn trọng thì hậu quả rất tai hại.
Bách Sơn (Theo CNBC)
sài gòn đầu tư tài chính
|