Đồng tiền chung châu Âu trong cuộc chiến sinh tồn
Đầu tháng 6, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Olli Rehn đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tan rã khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi thì công khai thừa nhận đồng tiền chung châu Âu đang vật vã trong cuộc chiến sinh tồn.
Thực chất, hai ý kiến này không mới, vì trước đó, nhiều quan chức cấp cao của châu Âu và không ít chuyên gia cùng có chung nhận định tương tự.
Đây không phải là những lời cảnh báo suông bởi vì kể từ cuối tháng 4/2012, tỷ giá giữa euro - đồng tiền chung của khu vực này, và các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới đã liên tục rơi tự do, trong khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn đang tiếp tục lan rộng.
Sự sinh tồn đang bị đe dọa
Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vào ngày 1/6 vừa qua, 1 euro chỉ đổi được 1,2322 USD, mức thấp nhất trong vòng ba năm qua; trong khi tỷ giá của đồng tiền này với đồng yen Nhật Bản cũng giảm còn 96,25 yen/EUR, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2000 và gần chạm tới mức thấp nhất từ trước tới nay.
Kể từ khi Eurozone được thành lập vào năm 1999, đồng euro đã có nhiều lần giảm giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác. Chẳng hạn, thời gian đầu mới đưa vào sử dụng, 1 euro có lúc chỉ đổi được 0,8252 USD và 89,30 yen (ngày 26/10/2000 ). Đây là các mức giá thấp nhất của đồng euro so với USD và yen kể từ khi đồng tiền này chính thức “trình làng.”
Điều đáng nói là tại những thời điểm đó, người ta không quá lo lắng cho sự sinh tồn của đồng euro. Song lần này, nỗi lo luôn hiện hữu. Mặc dù trong những phiên gần đây đồng euro đã bắt đầu tăng giá nhẹ so với USD, nhất là sau cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 vào ngày 5/6, nhưng những lo ngại như vậy vẫn không hề thuyên giảm.
Theo các chuyên gia phân tích, sự suy yếu của đồng euro trong thời gian qua chủ yếu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone, với tâm điểm là Hy Lạp, cùng với những bất ổn chính trị - xã hội tại khu vực này. Cùng với Ireland và Bồ Đào Nha, Hy Lạp đã phải xin cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vì không thể tự giải quyết khủng hoảng nợ.
Các khoản nợ chồng chất cùng với cuộc khủng hoảng chính trị gần đây đang tàn phá nền kinh tế Hy Lạp và khiến nhiều người lo ngại “xứ sở của các vị thần” sẽ sớm rời xa liên minh tiền tệ này. Nếu Hy Lạp bật khỏi Eurozone, có khả năng một số quốc gia khác đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công, như Bồ Đào Nha, cũng sẽ nối gót nước này. Và khi đó, sự hỗn loạn và khủng hoảng tài chính sẽ lan rộng trên toàn "lục địa già."
Khi giới đầu tư vẫn chưa hết lo ngại về nguy cơ Hy Lạp ra khỏi Eurozone, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha – nền kinh tế lớn thứ tư trong liên minh tiền tệ này và lớn thứ tám thế giới - lại tiếp tục khiến họ hoang mang hơn. Và sự hoang mang này ngày càng gia tăng khi những yếu kém ở khu vực Nam Âu đang tiếp tục lan đến các quốc gia thịnh vượng hơn như Đức và Pháp.
Dấu hiệu mới nhất của sự lây lan này đó là trong tháng 5/2012, chỉ số quản lý mua sắm (PMI) của hai nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua. Thậm chí, Ủy ban châu Âu (EC) còn đưa ra cảnh báo rằng, Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai trong Eurozone – có thể sẽ rơi vào khủng hoảng.
Trong bối cảnh đó, ngày 1/6, Chủ tịch ECB Draghi đã lên tiếng cảnh báo rằng cơ chế xây dựng đồng tiền chung châu Âu hiện nay là không bền vững và khu vực này cần xây dựng quan hệ chính trị và tài chính vững chắc hơn nữa. Ông Draghi cũng hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu nhanh chóng có quan điểm rõ ràng về đồng tiền chung, nếu không sẽ khó mà tránh khỏi nguy cơ thảm họa.
"Virus" nợ công đang biến đổi
Trong lúc căn bệnh nợ công tại châu Âu vẫn chưa thuyên giảm, những lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng của các nước thuộc Eurozone có vẻ cứ lớn dần lên. Mà một trong những nước khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng này có thể là Tây Ban Nha. Hệ thống ngân hàng nước này đang gặp cơn ác mộng.
Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố ngày 21/5, ngành ngân hàng Tây Ban Nha trong tài khóa 2012-2013 sẽ bị thua lỗ 260 tỷ euro và cần được rót thêm đến 60 tỷ euro vốn để tránh bị vỡ nợ. Hơn 8% các khoản tín dụng ngân hàng Tây Ban Nha đã cấp bị coi là nợ xấu, một mức cao kỷ lục. Điều đáng lo ngại hơn là có tới 60% nợ khó đòi đang mắc kẹt trong thị trường bất động sản (cách đây không lâu lắm, thị trường bất động sản Tây Ban Nha bùng nổ, hơn cả Đức và Pháp, nhưng hiện nay có không dưới 1 triệu căn hộ không có người ở).
Trong số các ngân hàng đang gặp khó khăn ở Tây Ban Nha, thời gian gần đây ngân hàng Bankia thu hút sự chú ý nhiều nhất của các nhà đầu tư. Bankia là ngân hàng lớn thứ tư ở Tây Ban Nha và kiểm soát đến 10% các hoạt động tài chính quốc gia. Theo ước tính, ngân hàng này hiện có khoảng 32 tỷ euro tài sản xấu.
Trong quá khứ, Chính phủ Tây Ban Nha đã từng bơm 4,465 tỷ euro để cứu ngân hàng này. Vào giữa tháng 5/2012, Chính phủ Tây Ban Nha đã chuyển đổi khoản vay cho Bankia thành cổ phiếu để tăng cường kiểm soát đối với ngân hàng này. Tuy nhiên, có vẻ như số tiền đó vẫn chỉ như "muối bỏ bể." Vào cuối tháng Năm, Bankia tiếp tục đề nghị Chính phủ bơm thêm 19 tỷ euro, lớn hơn nhiều so với dự kiến, để tránh nguy cơ sụp đổ.
Vấn đề hiện nay là Madrid vẫn chưa biết lấy khoản tiền đó ở đâu do không được ECB ủng hộ. Nguồn tiền hợp lôgic nhất để hỗ trợ Tây Ban Nha là tiền từ quỹ cứu trợ mới mang tên Cơ chế Ổn định châu Âu với số vốn lên tới 500 tỷ euro, dự kiến có hiệu lực từ tháng tới. IMF cũng có thể tham gia các nỗ lực cứu trợ như tổ chức này đã làm khi Hy Lạp, Ireland và Tây Ban Nha gặp khó khăn. Tuy nhiên, có vẻ như Tây Ban Nha vẫn muốn tự mình xử lý vấn đề của Bankia.
Không chỉ riêng Tây Ban Nha mà Cộng hòa Cyprus, một trong những thành viên nhỏ nhất của EU, cũng đang đau đầu để tìm nguồn vốn cứu trợ cho các ngân hàng của nước này. Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times ngày 4/6, ông Panicos Demetriades, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cyprus, nói rằng Cyprus sắp phải xin một gói cứu trợ của EU để đối phó với những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp lên hệ thống ngân hàng nước này. Ông Demetriades giải thích, do thời hạn tìm kiếm khoản vay trị giá ít nhất 1,8 tỷ euro để tái cấp vốn cho ngân hàng lớn thứ hai của nước này là Cyprus Popular Bank sẽ kết thúc vào cuối tháng 6/2012 nên khả năng cầu cứu một khoản cứu trợ từ EU ngày càng lớn hơn.
Các ngân hàng ở một số nước thành viên Eurozone khác cũng đang có vấn đề. Điều này thể hiện qua việc Moody’s đã cắt giảm hệ số định mức tín nhiệm của hàng loạt các ngân hàng của các nước trong khu vực này, từ Italy, Tây Ban Nha tới Áo và thậm chí cả ở Đức – nền kinh tế lớn nhất Eurozone.
Trong lúc bài toán về nguồn vốn chưa được giải, một số nước ở Eurozone đang phải đối mặt với hiện tượng các nhà đầu tư rút vốn để chuyển sang các nền kinh tế ổn định hơn. Điều này có thể làm suy yếu hệ thống ngân hàng, vốn đang gặp khó khăn của các nước trong liên minh tiền tệ này. Chẳng hạn, trong quý I/2012, luồng tiền bị rút ra khỏi Tây Ban Nha lên tới 97 tỷ euro, tương đương với 10% GDP nước này.
Cho đến nay, các vụ ngân hàng phá sản và người dân đổ xô đến ngân hàng rút tiền chưa xảy ra phổ biến ở Eurozone. Đó là nhờ ECB đã bơm các khoản vay lãi suất cực thấp trị giá 1.000 tỷ euro vào hệ thống ngân hàng từ tháng 12/2011. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hiện tượng đó sẽ không xảy ra ở Eurozone trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch ECB Draghi đã báo động với Nghị viện châu Âu về sự bất lực của ECB do “khoảng trống chính sách” hiện nay gây ra. Nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập một hệ thống xử lý và giám sát ngân hàng trên toàn châu Âu, ông Draghi khẳng định: "Chúng ta sẽ tránh được tình trạng rút tiền ồ ạt ra khỏi những ngân hàng vẫn có khả năng trả nợ. Tiền của người gửi tiền sẽ được bảo vệ nếu như chúng ta thiết lập quỹ bảo lãnh tiền gửi của Châu Âu."./.
Thanh Tùng
vietnam+
|