Quốc hội không ra Nghị quyết về đề án tái cơ cấu Quốc hội sẽ không thông qua một nghị quyết riêng để giám sát Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ. Thay vào đó, Quốc hội sẽ giám sát đề án này qua những lĩnh vực riêng biệt được xác định tái cơ cấu trong bản đề án. Đây là kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi tổng kết cuộc thảo luận về đề án của Quốc hội cả ngày 8-6. Trước đó, nhiều đại biểu đã cho rằng cần thêm thời gian để Chính phủ hoàn thiện đề án bị phê phán là còn nhiều ý sơ sài. Đại biểu Cao Sĩ Kiêm - Thái Bình nói: “Tôi đồng trình với chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề án này chưa thông qua và thành Nghị quyết ở kỳ họp này mà phải tiếp tục tham gia lấy ý kiến bổ sung ở nhiều phía, nhiều lĩnh vực để chúng ta hoàn tất và xây dựng một đề án có chất lượng và khả năng thực thi hơn”. Về phần mình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thanh minh rằng, bản đề án bao phủ quá nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong khi nguồn lực có hạn. Ông nói: “Chúng tôi chỉ có thời hạn là 60 ngày để làm đề án, cho nên không có đủ lực lượng để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn”. Vì lẽ đó, Bộ trưởng bày tỏ mong Quốc hội thông cảm, song vẫn cho rằng, Quôc hội càn có kết luật để thực hiện đề án. Mặc dù vậy, rất nhiều ý kiến đại biểu cho rằng Chính phủ cần xác định rõ chi phí để thực hiện đề án tái cơ cấu. Đaị biểu Cao Sĩ Kiêm - Thái Bình nói: Nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia thấy cần phải có (chi phí) nhưng trong bản báo cáo của Ban soạn thảo lý giải là không cần… tôi chưa hiểu lý giải nó ra làm sao”? Ông cho rằng, Chính phủ phải làm rõ nguồn tài chính để bù đắp lại khi xảy ra những vấn đề tổn thất, trong quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp, và ngân hàng. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa - TPHCM bổ sung thêm: “Tôi đề nghị phải làm rõ những khoản nguồn lực kinh phí mà chúng ta cần huy động cho toàn bộ quá trình tái cơ cấu là bao nhiêu. Trong đó, chính phủ cần đề nghị làm rõ để Quốc hội xem xét ngân sách của Nhà nước cần bỏ ra cho quá trình tái cơ cấu này là bao nhiêu”. Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Bình Dương nêu vấn đề cụ thể: “Tôi lấy ví dụ như khu vực kinh tế đã hình thành các khu cụm công nghiệp và tỷ lệ lấp đầy khá cao như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, nếu buộc phải tái cơ cấu do không đúng định hướng thì phí tổn không hề nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân sẽ làm như thế nào và nguồn kinh phí ở đâu”. Giải thích quan tâm của các vị đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, Thủ tướng có quyết định có Quỹ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước được cấp vốn từ các nguồn khác nhau, chẳng hạn qua công ty mua bán nợ của Bộ này, hay nguồn từ cổ đông chiến lược nước ngoài, hay vay nợ ODA từ các nhà tài trợ quốc tế. Chi phí để Việt Nam tái cơ cấu kinh tế gần đây đã được nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo. Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cảnh báo rằng, kinh nghiệm các nước trong khu vực sau khủng hoảng tài chính Châu Á cách đây hơn một thập kỷ cho thấy, cần chi phí từ 5-10% GDP để tái cơ cấu kinh tế. Họ bổ sung thêm rằng, Việt Nam sẽ phải chịu chi phí thậm chí cao hơn nếu chậm cải cách. Trong giải trình với Quốc hội ngày 7-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng lên tới gần 10% tổng dư nợ. Tổng dự nợ đó, theo các nhà kinh tế, lên đến 2.7 triệu tỉ đồng trong năm ngoái. Tư Hoàng TBKTSG
|