G20 cam kết hỗ trợ kinh tế toàn cầu Các nhà lãnh đạo G20 cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm trong bối cảnh những bất ổn tài chính của châu Âu tiếp tục khiến niềm tin toàn cầu suy giảm. * BRICS sẽ tăng cường đóng góp cho IMF * IMF: Châu Âu phải chú trọng đến tăng trưởng Trong thông báo chung sau cuộc họp 2 ngày tại Mexico, các nhà lãnh đạo cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp hành động để đẩy mạnh đà phục hồi và xoa dịu những căng thẳng trên các thị trường tài chính”. Cuộc họp của G20 diễn ra trong lúc khủng hoảng tài chính châu Âu leo thang mạnh với những bất ổn kéo dài tại Hy Lạp và mối lo ngại ngày càng sâu sắc về Tây Ban Nha cũng như Ý. Các thành viên châu Âu của G20 cam kết thực hiện tất cả các biện pháp chính sách cần thiết để đảm bảo sự hội nhập và ổn định của liên minh đồng tiền chung châu Âu. Triển vọng bất ổn của Eurozone chính là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu giữa lúc giá dầu vẫn còn cao và tăng trưởng tại Trung Quốc suy yếu. Tại cuộc họp báo vào tối ngày thứ Ba, Tổng thống Barack Obama khuyến khích các nhà lãnh đạo châu Âu xác định rõ tầm nhìn dài dạn đối với đồng EUR đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực giải quyết mối lo ngại ngắn hạn về tình hình tài chính công. Ông nói: “Rõ ràng là tất cả các quốc gia đều nhận thấy chiến lược tăng trưởng tại châu Âu phải nhất quán với kế hoạch củng cố tài chính”. Tổng thống Obama cho biết thêm điều này cũng đúng với Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng các quan chức G20 cảm thấy phấn khởi trước các cuộc cải cách mà Liên minh châu Âu (EU) sắp thảo luận tại cuộc họp thượng đỉnh quan trọng vào tuần tới. Đặc biệt, ông đề cập tới việc thành lập liên minh ngân hàng và các kế hoạch sâu rộng hơn nhằm tập trung ngân sách Eurozone. Bên cạnh liên minh ngân hàng, các quan chức EU cũng đang xem xét kế hoạch nhằm gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng bằng cách thúc đẩy nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Một số nguồn tin cũng cho hay các nhà lãnh đạo châu Âu đang xem xét kế hoạch nhằm hạ thấp chi phí vay mượn đối với các quốc gia khó khăn của Eurozone bằng cách sử dụng các quỹ giải cứu để mua lại trái phiếu Chính phủ. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ của Ý và Pháp nhưng lại xuất hiện các thông tin trái chiều về quan điểm của Đức. Dù thông báo của G20 không đề cập đến hành động cụ thể nào nhưng cho rằng các nhà lãnh đạo sẽ thực hiện những biện pháp nhằm cải thiện chức năng của các thị trường vốn. Theo thông báo, các Chính phủ Eurozone cũng nỗ lực phá vỡ mối liên hệ ngược giữa các quốc gia và ngân hàng. Chẳng hạn tại Tây Ban Nha, Chính phủ đang nỗ lực tái cấp vốn cho các ngân hàng mất khả năng thanh toán nhưng đây lại là các ngân hàng mua nhiều trái phiếu Chính phủ nhất trong năm nay. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G20 tái cam kết duy trì đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, đẩy mạnh thương mại quốc tế và đẩy lùi các chính sách bảo hộ. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nền kinh tế thành viên cần phải có nhiều chính sách khác nhau nhưng đều đồng ý rằng các Chính phủ có nợ công thấp nên có các biện pháp kích thích. Tổng thống Mexico, Felipe Calderon, cho rằng: “Hôm nay, thế giới không những có kế hoạch hành động nhằm giải quyết các thách thức cấp bách nhất mà còn có một quan điểm dài hạn. Mục đích của kế hoạch là khối phục niềm tin và đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đồng thời cũng là con đường dẫn đến sự ổn định về tài chính”. Như dự báo, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo có thêm 12 quốc gia thành viên đồng ý gia tăng nguồn lực của quỹ. Các quốc gia phát triển như Nga, Ấn Độ và Brazil đồng ý cung cấp thêm 10 tỷ USD trong khi Trung Quốc cho biết sẽ cung cấp 43 tỷ USD. Như vậy, hiện tổng nguồn vốn của IMF là 456 tỷ USD, gần gấp đôi năng lực cho vay của tổ chức này. Phước Phạm (Vietstock) FFN
|