Nhịp đập Thị trường 21/06
Dòng tiền thận trọng, thị trường tiếp tục giảm
Đà giảm của các chỉ số tiếp tục nới rộng vào phiên giao dịch buổi chiều khi lượng bán ra gia tăng ở hầu khắp các mã. Khá nhiều mã chịu áp lực giảm sàn. Lực bán mạnh cũng giúp thanh khoản thị trường có phần cải thiện so với phiên trước.
Sắc xanh của một vài bluechips như VIC, CTG, GAS, VCB… không đủ sức nâng đỡ toàn thị trường khi nhiều trụ cột khác lại chìm dưới mốc tham chiếu như BVH, VNM, HAG, DPM, PVF… thậm chí giảm kịch sàn như OGC, CII… làm cho VN-Index nới rộng biên độ giảm so với buổi sáng, tuy vậy, ngưỡng 430 điểm tạm thời vẫn được giữ vững.
Cụ thể, VN-Index đã mất 1.75 điểm, tức 0.4% so với tham chiếu xuống 431.14 điểm. Thị trường ghi nhận gần 150 mã giảm giá, với khoảng 20 mã giảm kịch sàn. Còn lại 72 mã tăng, gồm 14 mã kịch trần.
Tiêu biểu là VKP vẫn tăng giá đến 12.5% dù ngày hủy niêm yết 25/06 đang gần kề. Một vài mã tăng trần khá vững chắc từ đầu phiên như TAC, AGF, PTC, GSP…
Đáng chú ý là mã DLG có phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp, nhưng lực mua vào phiên này khá sôi động với hơn 3 triệu đơn vị, thậm chí có lúc giá cổ phiếu tăng kịch trần với dư bán được vét sạch trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư.
Một loạt bluechip cũng như đầu cơ giảm giá như STB, ITA, OGC, PVF, VSH, CSM, HQC, VNE, SAM, HSG… ít nhiều cũng thu hút lực cầu quay trở lại. Thanh khoản cải thiện đôi chút với gần 44 triệu đơn vị, tương đương 687 tỷ đồng, trong đó khoảng 6.78 triệu đơn vị đến từ giao dịch thỏa thuận, trị giá 153.78 tỷ đồng.
Khối ngoại đặc biệt gom mạnh các mã cổ phiếu MBB, REE, VCB, EIB… đều là những mã ngân hàng.
Trên sàn Hà Nội, lệnh bán gia tăng ở các mã chủ chốt như PVX, SCR, KLS, VCG, SHB, PVS, SHS… tổng cộng 125 mã giảm làm cho HNX-Index nới rộng biên độ tăng lên 0.46 điểm, tức 0.62% đóng cửa tại 73.9 điểm.
Giao dịch cũng nhích nhẹ so với phiên trước, đạt 25.26 triệu đơn vị, tương đương 273.65 tỷ đồng.
Phiên này, BVS giữ sắc xanh khá tốt đến hết phiên trong khi nhiều mã thuộc ngành chứng khoán đều giảm. Mã SHN bứt phá tăng trần thành công vào cuối phiên. Cổ phiếu V11 giảm kịch sàn sau khi đơn vị kiểm toán của công ty này nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. AGC tiếp tục bị bán tháo do ảnh hưởng bởi thông tin hủy niêm yết.
13h30: Kịch tính DLG
Cổ phiếu DLG có sự đảo chiều ngoạn mục vào buổi chiều từ mức giá sàn nhảy vọt tăng trần với lượng dư bán được vét sạch. Khối lượng giao dịch đạt trên 3 triệu đơn vị. Trong khi đó, diễn biến ở cả hai sàn vẫn không có nhiều thay đổi.
Được biết, cổ phiếu DLG đã có 6 phiên giảm sàn liên tiếp tính từ 13/06 đến nay. Nhiều nhà đầu tư ví DLG như một ASM thứ hai tại HOSE.
Tuy nhiên, đà tăng của DLG chỉ duy trì trong vài phút, bên bán tiếp tục cung hàng khiến giá cổ phiếu này nhanh chóng đảo chiều giảm sàn từ sau 13h30
Một vài mã chủ chốt tiếp tục là điểm tựa cho VN-Index không giảm dưới mốc 430 điểm như GAS, VCB, HAG…
Những cổ phiếu khác như AGF, TAC, GSP tiếp tục giữ mức giá trần từ đầu buổi sáng đến thời điểm này tuy nhiên lượng giao dịch khá nhỏ giọt.
NĐT giữ chặt tiền, thị trường lình xình quanh tham chiếu
Suốt phiên giao dịch buổi sáng, thị trường vẫn quanh quẩn ở các mốc 430 điểm đối với VN-Index và 74 điểm với HNX-Index. Giao dịch lình xình khiến nhiều nhà đầu tư chán nản.
Thanh khoản có sự cải thiện tại HOSE nhưng vẫn không đáng là bao, trong khi HNX tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Theo đó, có 28.4 triệu đơn vị chuyển nhượng tại HOSE, tương đương 457.41 tỷ đồng và HNX có 13 triệu đơn vị, trị giá 148.86 tỷ đồng.
Các chỉ số thu hẹp mức giảm còn 0.73 điểm của VN-Index tạm dừng ở 432.16 điểm và HNX-Index giảm 0.19 điểm, lùi về 74.17 điểm.
Số lượng mã chứng khoán giảm chiếm tỷ trọng chủ yếu trên cả hai sàn.
Sau 11h00: DLG giảm sàn, giao dịch hàng triệu đơn vị
DLG bất ngờ có giao dịch sôi động với gần 3 triệu đơn vị, nhưng giá giảm kịch sàn. Cùng với đó là CII bị xả hàng mạnh khiến cổ phiếu rớt sàn và dư mua hoàn toàn trống.
Việc PTL nhiều lần trì hoãn trả cổ tức cũng khiến cổ phiếu này bị bán tháo. Giá của PTL rớt hết biên độ, xuống còn 5,300 đồng.
Lúc này trên thị trường, VN-Index đã giảm về sát 430 điểm. Thanh khoản mới đạt trên 26 triệu đơn vị, trị giá 430 tỷ đồng, bao gồm cả giao dịch thỏa thuận.
Thanh khoản của HNX đến 11h15 chỉ bằng ½ của HOSE, với khoảng 12 triệu đơn vị, tương đương 138 tỷ đồng.
Bế tắc dòng tiền
Thị trường bế tắc trong suốt 1 giờ từ khi mở cửa. Thanh khoản chỉ vỏn vẹn hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên độ giảm của các chỉ số đã thu hẹp đáng kể, đặc biệt HNX-Index bật tăng nhẹ.
Một số lệnh mua được treo với giá tham chiếu hoặc nhích nhẹ giúp cho thị trường khởi sắc về mặt điểm số và giá cả, trong khi lượng khớp lệnh vẫn ở mức rất thấp.
Khoảng 10h02, HNX-Index tăng nhẹ 0.09 điểm, lên 74.45 điểm như VND tăng 100 đồng, còn các bluechips khác quay về mốc tham chiếu. Toàn sàn lúc này chỉ có 100 mã tăng giảm, phần còn lại vẫn đứng yên.
Giao dịch gần 5.6 triệu đơn vị, tương đương 62.56 tỷ đồng, chỉ bằng giao dịch của vài phút mở cửa trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4.
KLS có giao dịch nhiều nhất với 538 ngàn đơn vị, tiếp theo là PVX, SCR, VND, HBB…
VN-Index vẫn giảm nhưng đã về sát mốc tham chiếu, với 0.17 điểm, tức giảm 0.04% giữ ở 432.72 điểm. Giao dịch khả quan hơn HNX, với gần 11 triệu đơn vị, tương đương 159 tỷ đồng.
Số mã tăng giảm bám sát nhau với 63/68 mã. Còn lại là 91 mã khớp lệnh ở mức tham chiếu, trong số này có nhiều bluechips như BVH, MSN, GAS, CTG, VNM, HAG… riêng DPM, SSI, VCB, SAM, ITA tăng nhẹ.
Mở cửa: Bluechips lại giảm, hai sàn cùng mất điểm
Chứng khoán trong nước lại đảo chiều giảm nhẹ ngay khi mở cửa phiên giao dịch 21/06 bất chấp thông tin về CPI ở hai thành phố lớn sụt giảm. Những thông tin khá mới về thị trường Mỹ cũng không tác động nhiều đến tâm lý nhà đầu tư. Xu hướng đi ngang vẫn tiếp diễn.
Giao dịch ở cả hai sàn đều ảm đạm với diễn biến quen thuộc, cả bán lẫn mua đều thận trọng, thanh khoản duy trì ở mức thấp.
Sau 15 phút mở cửa, HOSE có khoảng 1.3 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương đương 24 tỷ đồng. Khá nhiều mã trụ cột đảo chiều giảm giá như BVH, HAG, VNM, SSI. Chỉ có một số rất ít tăng giá như GAS, VCB, DPM, PXT. Phần còn lại giữ ở mức tham chiếu.
Toàn sàn chỉ có 36 mã tăng giá và 52 mã giảm giá. Còn lại đều ở mức tham chiếu hoặc chưa khớp lệnh. Theo đó, VN-Index mở cửa giảm 0.62 điểm, tức 0.14% xuống 432.27 điểm.
HNX-Index có lúc bật xanh nhưng nhanh chóng đảo chiều giảm nhẹ 0.07 điểm, tức 0.09% xuống 74.29 điểm. Các mã chủ chốt của sàn này đều giảm hoặc đứng mốc tham chiếu, ngoại trừ VND nhích nhẹ 100 đồng/cp.
Giao dịch ở mức rất thấp, với hơn 1 triệu đơn vị, tương đương 11.65 tỷ đồng. Toàn sàn chỉ có 21 mã giảm, 30 mã tăng và 349 mã đứng yên.
Cổ phiếu MKV vẫn tăng kịch trần sau khi công ty công bố việc xin ý kiến thay đổi phương án tăng vốn.
Viết Vinh (Vietstock)
FFN
|