Chứng khoán Tuần 11 - 15/06: Dùng dằng và phiên ’đánh thốc’ của khối ngoại Sự phân hoá vẫn tiếp tục diễn ra trong tuần giao dịch qua khi nhóm Mid Cap và Large Cap vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền. Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ vẫn tỏ ra e dè với các cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ. I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 11 - 15.06.2012 Giao dịch: Phiên tăng điểm mạnh cuối tuần đã giúp VN-Index tính tổng cộng cả tuần tăng nhẹ 0.04% và đang ở mức 433.09 điểm; trong khi HNX-Index giảm nhẹ 0.32% xuống 74.84 điểm. VS 100 giảm 1.09% đang ở 70.67 điểm và VN 30 gần như đứng yên khi giảm nhẹ 0.04% đứng tại 507.94 điểm. VS-Mid Cap tăng điểm mạnh nhất với mức tăng 0.68%, tiếp theo là VS-Large Cap tăng 0.16%; trong khi VS-Small Cap và VS-Micro Cap ngược chiều giảm lần lượt 0.96% và 1.16%. Bất chấp phiên cuối tuần tăng mạnh, thanh khoản thị trường sụt giảm đáng kể nếu tính chung cả tuần qua. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE giảm gần 11% so với tuần trước đó; khối lượng khớp lệnh trên HNX cũng giảm 15%. Ngoại trừ phiên cuối tuần, hầu hết các phiên giao dịch trong tuần qua đều cho thấy tâm lý của giới đầu tư chủ yếu là thận trọng và chờ đợi. Điều này được thể hiện qua sự sụt giảm liện tục của khối lượng giao dịch. Tâm lý thận trọng gia tăng trở lại trong tuần qua chủ yếu xuất phát từ: (1) Thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ để tạo động lực cho sự tăng trưởng. (2) Hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư (bán chứ không mua thêm) của các quỹ ETF đã có ảnh hưởng xấu đến giao dịch ở một số mã chủ chốt và tâm lý giới đầu tư bị ảnh hưởng theo. (3) Nỗ lực ”đánh lên” vẫn xuất hiện trong các phiên giảm điểm nhưng lại liên tục thất bại khiến bên mua nản lòng. (4) Những thông tin tốt xấu xen kẽ trên thị trường tài chính thế giới khiến tâm lý giới đầu tư bất an, đặc biệt khi đợt bầu cử ở Hy Lạp sắp diễn ra vào ngày 17/06 tới và khủng hoảng tại châu Âu có dấu hiệu lan rộng sang Tây Ban Nha và Ý. Thị trường đã bật tăng trở lại trong phiên cuối tuần,giao dịch diễn ra khá tích cực và khối lượng đã tăng trưởng trở lại. Việc bật tăng trở lại bắt nguồn từ (1) hoạt động bắt đáy gia tăng khi thị trường đã sụt giảm liện tục trong tuần và các chỉ số tiến sát về ngưỡng hỗ trợ mạnh, (2) việc cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETF đã vào giai đoạn cuối, và (3) thông tin tốt từ Hy Lap khi NHTW của các nền kinh tế lớn sẵn sàng bình ổn thị trường tài chính nếu kết quả cuộc bầu cử vào Chủ Nhật tới tại Hy Lạp khiến giao dịch trở nên hỗn độn – điều này dường như cũng thúc đẩy khối ngoại tăng cường mua vào trên thị trường. Sự phân hoá vẫn tiếp tục diễn ra trong tuần giao dịch qua khi nhóm Mid Cap và Large Cap vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền. Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ vẫn tỏ ra e dè với các cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ. Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại tiếp tục có tuần bán ròng mạnh trên HOSE, chủ yếu xuất phát từ động thái cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETF. Việc bán ròng của ETF tác động đáng kể đến tâm lý không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà cả khối ngoại ngoài ETF, khiến sự thận trọng đã tăng cao cho đến phiên cuối tuần. Phiên giao dịch cuối tuần, khối ngoại bán ròng 166.3 tỷ đồng trên HOSE, nhưng chủ yếu do ảnh hưởng bán ròng 245.4 tỷ đồng ở STB và 63.6 tỷ đồng ở REE (có thể do hoạt động bán ra của các quỹ ETF). Nếu loại trừ giao dịch ở hai mã này thì khối ngoại đã có phiên mua ròng khá mạnh gần 143 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 68.7 tỷ đồng, tập trung ở PVX với gần 37 tỷ đồng và VCG với 33 tỷ đồng. Tính tổng cộng, giá trị bán ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại lên đến 490.7 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất STB với gần 23.4 triệu cổ phiếu tương ứng với hơn 517.1 tỷ đồng; tiếp theo là REE với 71.9 tỷ đồng và VIC với gần 37.4 tỷ đồng. Trong khi đó, họ mua ròng mạnh nhất SJS với 55 tỷ đồng, CTG với gần 38.6 tỷ đồng và HAG với 30.8 tỷ đồng. Khối ngoại mở rộng mua ròng trên HNX với 142.2 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất VCG với 94.6 tỷ đồng và PVX với 86.1 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất VND với 37.6 tỷ đồng và TH1 với 4.9 tỷ đồng. Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm giảm chỉ còn 10/24 ngành. Trong đó nổi bật là Thực phẩm– Đồ uống tăng 2.42%, Khai khoáng tăng 2.20% trong tuần qua. Các ngành nóng như Ngân hàng, Bất động sản, Xây dựng, Chứng khoán đều mất điểm lần lượt 2.08%, 1.03%, 0.11% và 0.06%. Tăng điểm: Các cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trong tuần qua trên HOSE có: OGC tăng 9.23%, TNT tăng 9.09%, PTC tăng 12.04%. Trên HNX, các cổ phiếu gia tăng mạnh khá nhiều nhưng khối lượng giao dịch trao tay tương đối nhỏ. OGC tăng 9.23%, đi ngược với xu hướng thị trường các phiên trong tuần. Không có thông tin mới về tình hình hoạt động của OGC trong tuần qua; nhiều khả năng giá OGC tăng nối tiếp từ hoạt động bắt đáy cổ phiếu này khi cổ phiếu này đã liên tục giảm mạnh từ ngày 10/05 đến 05/06. OGC đặt kế hoạch tăng trưởng khá mạnh trong năm 2012 khi chỉ tiêu doanh thu là 4,000 tỷ đồng, tăng 136% so với 2011, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng 230%; cổ tức ở mức 12%. TNT tăng 9.09% trong tuần qua. Việc TNT tăng giá có thể đến từ việc HĐQT dự kiến trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 85 tỷ lên 300 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất của công ty. Trong đó gồm 850,000 cp được phát hành để trả cổ tức năm 2010 và 2011 theo tỷ lệ 10:1; phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ công nhân viên chủ chốt 150,000 cp và cho cán bộ công nhân viên 500,000 cp. Ngoài ra, 17 triệu cp sẽ được phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:2, và 3 triệu cp còn lại sẽ phát hành cho đối tác tiềm năng. PTC tăng 12.04%, khi mà thông tin về hoạt động của PTC không có điểm mới trong tuần qua. Nhiều khả năng giá PTC gia tăng bắt nguồn từ hoạt động bắt đáy cổ phiếu này đang diễn ra khá mạnh, sau khi giá PTC đã rớt liên tục từ đầu tháng 5 đến 05/06. Kết quả hoạt động quý 1 của PTC lỗ 3.6 tỷ đồng là nguyên nhân khiến PTC rớt mạnh trong giai đoạn này. Giảm điểm: STB giảm mạnh 14% và STL giảm 15.84% là những cổ phiếu đáng chú ý. STB giảm mạnh 14% trong tuần qua chủ yếu do hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ ETF diễn ra mạnh mẽ, mà STB nằm trong danh mục bị loại bỏ khỏi chỉ số. STL giảm mạnh 15.84%. Không có thông tin mới về hoạt động kinh doanh của STL trong tuần qua. Việc bán mạnh ở cổ phiếu này có thể xuất phá từ việc dòng tiền đầu cơ thận trọng hơn. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính quý 1/2012 đang cho thấy các dấu hiệu khó khăn về khả năng thanh toán ở STL. II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK FFN
|