Đến lượt S&P cảnh báo tín nhiệm TKV
Trong báo cáo mới nhất, hãng định mức tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) lên tiếng cảnh báo về khả năng cắt giảm điểm tín nhiệm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Tổ chức này cho rằng, tỷ suất lợi nhuận suy giảm cùng hoạt động vay nợ để đầu tư là những nhân tố có khả năng làm giảm độ khả tin của TKV.
Theo đánh giá của S&P, điểm tình trạng tín dụng độc lập của TKV hiện ở mức bb-. Mặc dù TKV là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhưng S&P cho rằng, khả năng tập đoàn này được Chính phủ hỗ trợ mạnh trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính là “thấp”, nên việc Việt Nam được S&P nâng triển vọng tín nhiệm mới đây không có tác động tích cực nào tới đánh giá tín nhiệm của TKV.
Đánh giá tín nhiệm mà S&P dành cho TKV phản ánh lượng vốn đầu tư cơ bản lớn mà tập đoàn này cần trong 12-18 tháng tới, những rủi ro từ giá trị tài sản lớn trong lĩnh vực khoáng sản và độ đa dạng thấp của khách hàng, hoạt động trong môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, và những rủi ro cao liên quan tới ngành công nghiệp than. Trong khi đó, những yếu tố hỗ trợ cho điểm tín nhiệm của TKV, theo S&P, bao gồm địa vị thống lĩnh thị trường, chi phí hoạt động thấp, và triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn tại Việt Nam.
Theo dự báo của S&P, tỷ suất lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của TKV sẽ suy yếu trong năm nay và năm tới, từ mức 22% trong năm 2011. Tỷ trọng doanh thu gia tăng từ bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với mức giá thấp hơn so với giá bán điện xuất khẩu sẽ làm giảm giá bán điện trung bình của TKV trong năm nay. Giá bán than rẻ hơn sẽ làm tình hình thêm khó khăn.
Ngoài ra, S&P dự báo, chi phí hoạt động của TKV sẽ tăng thêm do tỷ trọng gia tăng của than khai thác từ các mỏ trong lòng đất. Tổ chức này dự báo, lợi nhuận gộp từ bán than của TKV sẽ ở mức 22-25 USD/tấn trong năm 2012, từ mức 28-30 USD/tấn trong năm 2011.
Tỷ suất lợi nhuận suy giảm và chi phí đầu tư cơ bản lớn từ vay nợ có khả năng sẽ ảnh hưởng bất lợi tới điểm tín nhiệm của TKV trong 2 năm tới - S&P cho biết. Hiện TKV có kế hoạch chi 1,3-1,6 tỷ USD mỗi năm cho đầu tư cơ bản trong vòng 3 năm tới. Khoản tiền này có khả năng sẽ được đi vay một phần, xét tới việc TKV không có đủ dòng tiền từ bên ngoài chảy vào. S&P cho rằng, vì vậy tỷ suất nợ trên EBITDA của TKV sẽ tăng lên mức 3,5 lần trong năm 2012, với tỷ suất của dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thuần trên nợ là âm 20-22%. Trong năm 2011, tỷ suất nợ trên EBITDA của TKV là 2,9 lần.
Theo đánh giá của S&P, tình hình thanh khoản hiện nay của TKV là “thấp hơn mức đủ” (less than edequate). Ở thời điểm 31/12/2011, TKV có 7,4 nghìn tỷ đồng tiền mặt, so với số nợ ngắn hạn là 8,17 nghìn tỷ đồng. S&P cho rằng, trong 1-2 năm tới, TKV sẽ tiếp tục có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thuần ở mức âm do đầu tư cơ bản lớn.
Tình hình thanh khoản của TKV, theo S&P, phụ thuộc vào khả năng tiếp cận các nguồn vốn bên ngoài và độ linh hoạt về tài chính của tập đoàn này. S&P tin là TKV sẽ được tiếp cận đầy đủ với nguồn vốn bên ngoài nhờ địa vị doanh nghiệp nhà nước và vị trí thống lĩnh tại thị trường trong nước. Năm 2011, TKV đã được các ngân hàng đảm bảo cho vay vốn dự án số tiền khoảng 17 nghìn tỷ đồng.
Hiện triển vọng tín nhiệm mà S&P dành cho TKV là ‘tiêu cực’. Triển vọng này xuất phát từ áp lực đối với dòng tiền của TKV khi tập đoàn này tăng tỷ trọng bán điện trong nước theo giá do Chính phủ điều tiết. Trong khi đó, những đòi hỏi về đầu tư cơ bản sẽ buộc TKV phải phụ thuộc vào vay nợ nhiều hơn.
S&P cho biết sẽ hạ điểm tín nhiệm của TKV nếu tình hình tín dụng và thanh khoản của tập đoàn này xấu đi, thể hiện qua tỷ suất nợ so với EBITDA vượt 4 lần, hoặc có thể xảy ra khi giá bán than trong nước của TKV trung bình ở mức 50 USD/tấn và tập đoàn này bán 32 triệu tấn than tại thị trường trong nước. Ngoài ra,TKV cũng có thể bị hạ điểm tín nhiệm nếu Việt Nam bị hạ điểm tín nhiệm quốc gia.
Ngược lại, triển vọng tín nhiệm của TKV sẽ được nâng lên ‘ổn định’ nếu tập đoàn duy trì hoặc cải thiện được tình trạng tín dụng độc lập. Điều này đòi hỏi TKV cải thiện được tiền từ hoạt động kinh doanh thông qua nâng cao sản lượng khai thác, giảm chi phí hoặc tăng giá bán hàng ở thị trường nội địa. Ngoài ra, tỷ suất nợ trên EBITDA ở mức 3 lần cũng sẽ hỗ trợ cho việc nâng triển vọng tín nhiệm cho TKV. Đổi lại, để có tỷ suất nợ trên EBITDA như vậy, doanh số bán than của TKV cần vượt 55 triệu tấn, với lợi nhuận gộp bền vững trên mức 30 USD/tấn.
Trước S&P, hãng định mức tín nhiệm Moody’s Investors Service hồi cuối tháng 4 vừa qua đã hạ triển vọng tín nhiệm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) xuống ‘tiêu cực’ từ mức ‘ổn định’ trước đó, với lý do một phần liên quan tới lãi suất vay vốn ở mức cao.
An Huy
TBKTVN
|