Thứ Tư, 27/06/2012 06:27

Cước taxi lên rồi, không chịu xuống?

Có một nghịch lý đang xảy ra đối với giá cước taxi hiện nay là khi giá xăng, dầu trong nước tăng, các hãng taxi đều đồng loạt tăng giá cước với mức tăng khá cao, nhưng khi xăng, dầu giảm các hãng lại chỉ giảm giá cước ở mức rất thấp, hoặc đứng im!

Đến nay chỉ có một vài hãng taxi giảm giá chiếu lệ. Ảnh minh họa

Xăng tăng 1, cước taxi tăng 4 lần!

Tính từ đầu năm 2012 tới nay, giá xăng dầu trong nước tăng 2 lần với mức tăng 3.000 đồng/lít và giảm 4 lần với mức giảm tổng cộng là 2.600 đồng/lít. Tương ứng với việc tăng, giảm giá xăng, dầu; giá cước các hãng taxi điều chỉnh tăng một lần từ 500 - 1.500 đồng/km (tùy hãng) và giảm một lần 200 - 1.000 đồng/km (tùy hãng).

Cụ thể, đối với hãng taxi Vinasun sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lần đầu tiên vào ngày 7-3 lên 2.100 đồng/lít, một tuần sau, ngày 13-3, hãng taxi Vinasun ra thông báo về việc điều chỉnh giá cước taxi: Do tình hình giá nhiên liệu tăng đột biến trên thị trường, ngoài ra các loại chi phí khác liên quan đến hoạt động kinh doanh taxi cũng đều tăng, để cân đối công ty điều chỉnh giá cước taxi Vinasun kể từ ngày 14-3 tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/km. Tiếp đó, giá xăng, dầu điều chỉnh giảm 3 lần vào các ngày 9-5, 23-5, 7-6 với mức giảm tổng cộng 1.900 đồng/lít nhưng hãng Vinasun chỉ giảm giá cước 500 đồng/km vào ngày 12-6.

Đối với hãng taxi Mai Linh, sau khi giá xăng, dầu điều chỉnh tăng vào ngày 7-3, sau đó một tuần, ngày 12-3, hãng tăng khoảng 1.000 đồng/km. Sau đó, khi giá xăng dầu điều chỉnh giảm ở mức 1.900 đồng/lít thì hãng đã điều chỉnh giảm giá cước 200 - 1.000 đồng/km.

Từ mức điều chỉnh tăng, giảm giá cước taxi trên cho thấy, việc tăng, giảm giá cước của Vinasun hiện nay vẫn chưa tương xứng với việc tăng, giảm giá xăng, dầu. Theo tính toán của các tài xế taxi, một chiếc xe Innova 7 chỗ ngồi, quãng đường 100km sẽ tiêu thụ khoảng 12 lít xăng. Như vậy, nếu tính thời điểm giá xăng dầu tăng 3.000 đồng/lít thì phần giá xăng tăng thêm sẽ khoảng 36.000 đồng/xe cho quãng đường 100km. Trong khi đó, nếu tính giá cước được điều chỉnh tăng lên 1.500 đồng/km (chọn mức cao nhất) thì doanh thu từ tiền cước tăng lên 150.000 đồng/xe cho 100km.

Như vậy, cước taxi đã tăng lên gấp 4 lần so với mức tăng xăng dầu! Ngược lại, hiện nay khi giá xăng, dầu giảm 1.900 đồng/lít, giá cước taxi giảm 500 đồng/km là không tương xứng. Bởi lẽ, nếu tính theo cách trên thì mỗi xe chạy 100km, giá xăng giảm còn 22.800 đồng, còn cước taxi vẫn chỉ giảm 50.000 đồng, tức là giảm chưa được 1/4 so với mức tăng giá.

Không giảm vì đầu vào cao?

Sau đợt giá xăng dầu điều chỉnh giảm 3 lần liên tiếp với mức giảm 1.900 đồng/lít, trao đổi với PV Báo SGGP về khả năng giảm giá cước taxi của các hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn TPHCM, ông Phan Thái Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội taxi TPHCM cho biết, sau khi giá xăng dầu điều chỉnh giảm, một số đơn vị trong hiệp hội đã tiến hành điều chỉnh giảm giá cước taxi sau đợt giá xăng dầu giảm lần thứ 3 vào ngày 7-6.

Riêng sau đợt giảm giá xăng dầu lần thứ 4 vào ngày 21-6, các hãng taxi có tiến hành điều chỉnh giá cước hay không sẽ do các doanh nghiệp tự tính toán cân đối hoạt động sản xuất kinh doanh để tiến hành điều chỉnh giá cước vì hoạt động kinh doanh taxi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tiền lương cơ bản, lãi vay ngân hàng, mua sắm thiết bị phụ tùng...

Ngoài ra, do việc điều chỉnh giá cước taxi phải lập trình lại toàn bộ đồng hồ tính cước nên cần thời gian. Do đó, không thể giảm giá cước ngay tức thì khi giá xăng dầu điều chỉnh. Nếu các hãng có tiến hành điều chỉnh giảm giá cước cũng phải mất 1 - 2 tuần sau khi giá xăng dầu giảm mới thực hiện.

Với tình hình hoạt động hiện nay, khi giá xăng dầu giảm chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tiến hành điều chỉnh giảm giá cước. Vì nếu không giảm giá cước, các hãng sẽ không thu hút được hành khách đi xe. Còn ông Lê Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc hãng taxi Sài Gòn Hoàng Long cho biết, đến cuối tuần này đơn vị mới tổ chức họp bàn để xem xét tình hình chung và các đơn vị xung quanh để quyết định việc có giảm giá cước hay không. Trong khi đó, hãng taxi Phương Trang cũng cho biết, đến nay hãng vẫn chưa có quyết định về điều chỉnh giảm giá cước.

Rõ ràng, thông điệp trên cho thấy, sẽ không có chuyện giá cước taxi giảm giá đồng bộ (hoặc bằng) tiến trình tăng hoặc hạ giá xăng dầu của Chính phủ.

TPHCM có tổng cộng hơn 12.600 chiếc xe taxi của 28 doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, trong đó có 19 đơn vị là công ty, 2 doanh nghiệp tư nhân và 7 hợp tác xã (số liệu thống kê của Sở GTVT TPHCM tính đến đầu năm 2012), trong đó Vinasun là hãng taxi đứng đầu với hơn 4.000 chiếc xe chiếm khoảng 35% về số lượng xe taxi hoạt động tại TPHCM và chiếm trên 45% thị phần tại TPHCM (báo cáo thường niên Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam năm 2011 Vinasun Corp), có mặt mọi hang cùng, ngõ hẻm, bến tàu, bến xe, sân bay, chung cư, bệnh viện…

Trong khi người đi xe taxi chắc chắn phần lớn không phải là người giàu, taxi cũng là một dạng phương tiện vận tải công cộng, do đó Vinasun chiếm thị phần lớn như thế, chắc chắn việc tăng giảm giá cước sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của đại bộ phận người dân.

Khi “anh cả” Vinasun không giảm giá cước thì làm sao những hãng “đàn em” khác chấp nhận giảm giá? Như thế, người đi xe taxi vô tình hoặc phải cắn răng trả giá cước cao hết sức phi lý. Nếu viện dẫn việc không tăng giá do đầu vào cao lại càng không thuyết phục, bởi tại sao hãng taxi không tăng cước trước khi giá xăng dầu chưa tăng, mà chỉ tăng giá cước sau khi xăng dầu tăng giá? Đó là những vấn đề cần được những người có trách nhiệm trong công tác quản lý vận tải công cộng làm rõ.

Giang Đình - Lương Thiện

sggp

Các tin tức khác

>   Lợi nhuận ở đâu? (27/06/2012)

>   Tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL tăng nhưng còn khó khăn (26/06/2012)

>   Tổng thống Obama phê chuẩn bán vệ tinh cho VN (26/06/2012)

>   Ngành vật liệu xây dựng “kêu cứu” (26/06/2012)

>   Kinh doanh thực phẩm sạch: Nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm (26/06/2012)

>   Ngành vật liệu xây dựng: Chờ khách “sộp” đầu tư công (26/06/2012)

>   Dệt may 'khát' đơn hàng xuất khẩu (26/06/2012)

>   “Tôi là người may mắn vì có tài sản để bán” (26/06/2012)

>   Dịch vụ logistics góp 12 tỷ USD mỗi năm, vẫn bị chê (26/06/2012)

>   Xuất khẩu nông-lâm-thủy sản ước đạt hơn 13,6 tỷ USD (25/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật