Cần bơm tiền cho quỹ bảo lãnh tín dụng Gần bốn tháng với bốn đợt giảm lãi cho vay cùng nhiều gói tín dụng hỗ trợ lãi suất thấp, vẫn có ít DN tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Vấn đề không nằm ở việc hạ lãi suất hay hàng tồn kho cao mà là nền kinh tế đang thiếu tiền. Cần bơm 9 tỉ USD . Căn cứ vào đâu ông cho rằng nền kinh tế đang thiếu tiền, thưa tiến sĩ? + TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nguyên Tổng Giám đốc First Vietnamese American Bank: Hiện tại tổng dư nợ của nước ta tương đương 135.000 tỉ USD. Để nền kinh tế có thể phục hồi, cần tăng thêm 20%, nghĩa là cần bơm vào khoảng 27-28 tỉ USD. Trừ đi số doanh nghiệp (DN) có thể tự cứu và đang hoạt động tốt chiếm khoảng 2/3, còn lại 1/3 số DN cần khoảng 200.000 tỉ đồng, tương đương 9 tỉ USD. . Hiện nay DN than khó vay vốn, ngân hàng thì lại dư vốn nhưng lại không cho vay được vì đối tượng vay thiếu các điều kiện cần thiết. Làm cách nào để khai thông dòng vốn này? + Một kinh nghiệm ta có thể học tập từ Mỹ là họ đã áp dụng rất thành công mô hình bảo lãnh tín dụng, Small Business Administration - SBA, tạm gọi là cơ quan tài trợ cho tiểu thương của Mỹ. Các DN vừa và nhỏ của Mỹ với tài chính yếu kém nếu không được cơ quan này bảo lãnh sẽ bị các ngân hàng từ chối cho vay. Việt Nam cũng đã có các quỹ bảo lãnh tín dụng, một hình thức tương tự SBA. | Có quỹ bảo lãnh tín dụng dồi dào, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ảnh: HTD | . Nhưng vẫn có ít DN được quỹ này hỗ trợ, tại sao vậy? + Số lượng quỹ bảo lãnh tín dụng trong cả nước còn ít so với số lượng DN, đặc biệt còn nhiều DN chưa biết về quỹ này. Thông qua quỹ này, hệ thống ngân hàng có thể bơm vào nền kinh tế khoảng 200.000 tỉ đồng, tương đương 9 tỉ USD để giúp các DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn phải cần bỏ ra 1 tỉ USD để bảo lãnh cho gói 9 tỉ USD này. Số tiền này không phải để cho vay mà được sử dụng như tiền dự phòng trường hợp người đi vay không trả được nợ cho ngân hàng và ngân hàng đến đòi quỹ bảo lãnh bồi thường việc mất vốn. Vẫn kiểm soát được lạm phát . Số tiền này có thể lấy từ đâu, thưa ông? + Tính từ đầu năm đến nay, nguồn vốn huy động qua tiền gửi tăng khoảng 5%, trong khi đó tín dụng tăng trưởng âm. Vì thế chúng ta không nhất thiết phải lấy tiền từ Chính phủ. Số tiền 9 tỉ USD kia có thể được khai thông từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần bỏ ra 1 tỉ USD để bảo lãnh cho gói 9 tỉ USD này. . Nên sử dụng gói 9 tỉ USD này như thế nào? + Để các ngân hàng thương mại cung cấp 9 tỉ USD tín dụng cho các DN vừa và nhỏ và để được bảo lãnh bởi quỹ bảo lãnh tín dụng, Chính phủ phải thiết lập những chỉ tiêu và điều kiện cho vay đối với các DN. Những chỉ tiêu đó có thể bao gồm chỉ tiêu tài chính và phi tài chính liên quan đến vốn chủ sở hữu, tỉ lệ thanh khoản, doanh thu tối thiểu, số lao động và giới hạn cho một số ngành nghề. Chỉ có DN đáp ứng được các yêu cầu này mới có thể được vay. . Liệu việc bơm tiền có làm cho lạm phát tăng trở lại? + Việc bơm tiền vào nền kinh tế theo phương cách này dĩ nhiên có thể làm tăng lạm phát nhưng hiện tại chỉ số lạm phát đã xuống rất thấp và chúng ta có khả năng kiểm soát được. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước có nhiều công cụ của chính sách tiền tệ như lãi suất, thị trường mở, dự trữ bắt buộc… để điều chỉnh cung tiền và trung hòa dòng tiền rót vào nền kinh tế qua chương trình bảo lãnh tín dụng. . Xin cảm ơn ông. Thả nổi lãi suất cần đi kèm điều kiện Tại Việt Nam, việc điều hành lãi suất cơ bản thực hiện bằng quy định lãi suất của hai đầu cho vay và tiền gửi là bao nhiêu %, như vậy vẫn là biện pháp hành chính chứ không phải thị trường, có thể cần thiết trong lúc này để ổn định thị trường lãi suất và giúp các DN nhưng thật ra đã đi ngược lại với quy luật thị trường. Vào một thời điểm thích hợp, khi chúng ta nắm vững được việc kiểm soát lạm phát thì việc thả nổi lãi suất nên thực hiện, để lãi suất được điều tiết bởi cung - cầu của thị trường. Tuy vậy, người Mỹ có câu “Quá lớn để thất bại”, nghĩa là quá lớn thì không thể thất bại. Nhưng rồi Mỹ vẫn để cho các ngân hàng lớn phá sản như thường. Còn ở Việt Nam, có thể đổi câu nói trên thành “Quá nhỏ để thất bại” vì các cơ quan quản lý muốn bảo vệ ngân hàng, kể cả ngân hàng nhỏ và yếu kém, nhằm tránh tình trạng vỡ nợ hay tháo chạy dây chuyền nên cam kết không để cho một ngân hàng nào sụp đổ. Do đó, một số ngân hàng thanh khoản yếu cố chiều lòng khách hàng huy động cao thì cũng không sợ bị phá sản nếu hiệu quả làm ăn hay quản trị không tốt. Điều này làm méo mó quy luật thị trường và luật cung cầu. Bởi vậy, việc thả nổi lãi suất cần phải đi kèm với một điều kiện là để thị trường tự đào thải những thành phần yếu kém, có nghĩa là để ngân hàng phá sản nếu đến cuối cùng không còn cách nào cứu gỡ những ngân hàng đó. Tiến sĩ NGUYỄN TRÍ HIẾU | YÊN TRANG thực hiện pháp luật tphcm
|