Thứ Hai, 25/06/2012 10:01

Sự thật sau lợi nhuận “khủng” của ngân hàng

Việc ngân hàng hay công bố lợi nhuận “khủng” khiến cho không ít doanh nghiệp và người dân nóng mặt. Đặc biệt, mới đây chính NHNN “minh oan” cho hệ thống ngân hàng bằng cách khẳng định rằng chỉ có một vài ngân hàng lãi cao, còn lại bình quân lợi nhuận của ngân hàng khá thấp.

* NHNN: Lãi lớn ngành ngân hàng 2011 chỉ đến từ một số TCTD

Một lần nữa dư luận không “tâm phục” khi có nhiều ý kiến độc giả cho rằng giải thích của NHNN là không thuyết phục. Vậy đâu là sự thật đằng sau câu chuyện này?

Nóng mặt với lợi nhuận ngân hàng

Trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ đang trên bờ vực phá sản. Khảo sát của Tổng cục Thuế trên hơn 256,000 tờ khai của doanh nghiệp cho thấy 70% trong số này báo lỗ, với tổng số lỗ lên tới 40,000 tỷ đồng. Còn theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì có gần 30% doanh nghiệp “chết”.

Bất chấp sự khó khăn và ngắc ngoải của doanh nghiệp, lãi suất cho vay vẫn bị áp ở mức rất cao vượt xa trần lãi suất. Hầu hết các ngân hàng đều công bố mức lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn lợi nhuận sau thuế của Vietinbank (CTG) năm 2011 đạt 6,243 tỷ đồng, tăng 83.34% so với năm 2010. Mức tăng này vượt xa mức tăng của vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của ngân hàng này. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của CTG năm 2011 lên đến 25.29%, cao hơn nhiều so với những năm trước đó. Một ngân hàng đạt được lợi nhuận khủng khác là Eximbank (EIB) với lợi nhuận sau thuế năm 2011 đạt 3,038 tỷ đồng, tăng 67.34% so với năm 2010. ROE của EIB cũng lên tới 20.46%.

Không những lợi nhuận cao mà những con số thu nhập của nhân viên và lãnh đạo tại các ngân hàng cũng gây “sốc”. Theo số liệu báo cáo của 8 ngân hàng niêm yết, thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng năm 2011 tăng hơn 30% so với năm 2010. Một số ngân hàng có mức thu nhập trung bình rất cao như Vietinbank, Vietcombank (VCB) đều trên 20 triệu  đồng/tháng/người. Các ngân hàng nhóm dưới cũng có mức thu nhập trung bình 15-20 triệu đồng/tháng/người. Đặc biệt, lương của không ít CEO ngân hàng lên đến hàng triệu USD/năm, còn lương nhân sự cao cấp cũng hàng trăm nghìn USD.

Những con số lợi nhuận và thu nhập của ngân hàng “khủng” trên đã khiến cho không ít người “ganh tị”. Vì vậy, trong suốt thời gian qua ngân hàng luôn bị mang tiếng là “ăn trên ngồi trốc” doanh nghiệp; doanh nghiệp làm chỉ để nuôi ngân hàng… Và cũng không ít ý kiến cho rằng cần áp trần lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp. Một số ý kiến khác ôn hòa hơn kêu gọi ngân hàng giảm mạnh lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Mới đây NHNN vừa đưa ra một bài viết “thanh minh” rằng những ngân hàng lãi cao chỉ là cá biệt. Ngoài ra, NHNN cũng không quên lưu ý lợi nhuận mà ngân hàng công bố có thể không phải là thực vì chưa tính đủ những rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, bất chấp những giải thích này, dư luận một lần nữa lại “ném đá” và cho rằng giải thích của NHNN là không thỏa đáng.

Sự thật sau lợi nhuận khủng của ngân hàng

Để biết một doanh nghiệp có khả năng sinh lời cao hay thấp người ta sử dụng chỉ số suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) để đo lường. Trong một số trường hợp ROE có thể không hoàn toàn chính xác bởi phương pháp tính khấu hao hay cách ghi nhận doanh thu. Tuy vậy, trong đa số trường hợp ROE là thước đo chính xác phản ánh đúng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Như vậy để biết lợi nhuận ngân hàng cao hay thấp phải căn cứ vào chỉ số ROE của doanh nghiệp chứ không thể căn cứ vào con số tuyệt đối. Thống kê 8 ngân hàng niêm yết cho thấy  ROE bình quân (có trọng số) của các ngân hàng này năm 2010 là 18.83%, còn năm 2011 là 19.68%. So với trung bình của các doanh nghiệp niêm yết thỉ ROE của ngành ngân hàng chỉ ở mức trung bình. Cũng cần lưu ý là các ngân hàng niêm yết đều nằm trong nhóm ngân hàng tốt nhất hiện nay. Bình quân toàn bộ ngành ngân hàng Việt Nam thì còn số ROE thấp hơn nhiều. Chẳng hạn, theo tính toán của Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), ROE ngành ngân hàng lần lượt là 14.26% năm 2011, còn năm 2009 và 2010 chỉ ở mức 15% và 13%. Mức này thấp hơn cả lãi suất cho vay trên thị trường và cả trung bình các ngành khác.

Như vậy, bằng con số thực tế cho thấy hiệu quả hoạt động của ngân hàng Việt Nam không cao so với các ngành khác và cũng không cao so với ngành ngân hàng ở nhiều nền kinh tế. Như vậy, việc “thanh minh” của NHNN không phải là không thuyết phục.

Ngoài ra, hiện tại không ít ý kiến nghi ngờ về con số lợi nhuận thực tế của ngân hàng. Chính thống đốc NHNN cũng thừa nhận nợ xấu của ngân hàng hiện nay khoảng 6-10%, nhiều nghiên cứu độc lập khác cho thấy nợ xấu của ngân hàng Việt Nam có thể lớn hơn 10%. Những con số này cao hơn nhiều so với con số chính thức nợ xấu vào ngày 30/04/2012 là 4.04%.

Sự chênh lệch lớn về nợ xấu trên cho thấy chắc chắn là các ngân hàng chưa báo cáo đầy đủ về tình trạng nợ xấu. Do vậy, nếu trích lập nợ xấu một cách đầy đủ thì có thể rất nhiều ngân hàng bị lỗ. Điển hình như trường hợp Habubank (HBB) tuy được xếp vào Nhóm 3, nhưng trong báo cáo đặc biệt của NHNN cho biết nếu đánh giá theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế thì HBB phải trích lập dự phòng hơn 4,000 tỷ đồng, và mất gần hết vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, trên báo cáo tài chính kiểm toán 2011 và báo cáo quý 1/2012, HBB vẫn có lãi. Một câu hỏi đặt ra là HBB thuộc nhóm 3 đã như vậy thì 7 ngân hàng được xếp vào Nhóm 4 và kể cả những ngân hàng Nhóm 1, 2 sẽ ra sao?

Như vậy, việc các ngân hàng lợi nhuận “khủng” cũng chỉ là con số “báo cáo”. Thực tế các ngân hàng đang đứng trước rủi ro rất lớn. Đây cũng là lý do giải thích tại sao tăng trưởng tín dụng thấp và doanh nghiệp lại khó tiếp cận vốn. Việc cho rằng ngân hàng đang “ăn trên ngồi trốc” doanh nghiệp; kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất chia sẻ lợi nhuận dường như không công bằng đối với ngân hàng.

Huỳnh Bá (Vietstock)

Ffn

Các tin tức khác

>   Chứng khoán APEC sẽ sáp nhập với CTCK khác (25/06/2012)

>   SRC: Thẩm định lại dự án dời nhà máy cao su khỏi đất vàng (24/06/2012)

>   Ngành gạch ốp lát với cuộc chiến sinh tồn (24/06/2012)

>   ASIAGF: Thay đổi N.A.V từ 14/06 đến 21/06 (23/06/2012)

>   STT: Báo cáo thường niên năm 2011 (23/06/2012)

>   LCG: Lựa chọn đơn vị kiểm toán năm 2012 (23/06/2012)

>   MBS: Thay đổi địa chỉ website (23/06/2012)

>   ASIAGF có bước qua “lời nguyền” chiết khấu? (23/06/2012)

>   SJS “đặt cược” làm mới Dự án Nam An Khánh (22/06/2012)

>   AAA thanh toán gốc lãi trái phiếu chuyển đổi cho Beira Limited (22/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật