CPI: Giảm lại lo Lần đầu tiên sau 39 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm. CPI tháng 6 giảm 0,26% so với tháng 5.2012. Sau 6 tháng (tức là tháng 6 năm nay so với cuối năm trước), CPI tăng 2,52%, thấp nhất so với tốc độ tăng CPI tương ứng của cùng kỳ trong 9 năm qua. Theo dự đoán của các chuyên gia, CPI sẽ còn tiếp tục giảm trong 3 tháng nữa và có thể đạt mức “đáy” vào tháng 9 tới (đạt khoảng trên dưới 5%). | Diễn biến trên là do đầu tư và tiêu dùng đã bị co lại. Cụ thể, đầu tư từ nguồn ngân sách tính theo giá thực tế thì tăng 4%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì giảm. Đầu tư ngoài nhà nước cũng tăng không cao, biểu hiện trên nhiều mặt như số doanh nghiệp lập mới giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng. Việc tiếp cận vốn vẫn khó khăn do lãi suất cao, điều kiện vay vốn chặt chẽ hơn do nợ xấu tăng và tâm lý chờ lãi suất giảm tiếp mới vay. Đó là lý do tăng trưởng tín dụng vẫn âm dù huy động tăng cao. Thị trường bất động sản chưa thoát đáy để vươn lên. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng vẫn thấp xa so với tốc độ tăng 2 chữ số liên tục từ 2001- 2010. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập và sức mua tăng chậm vì một bộ phận lao động mất và thiếu việc làm gia tăng, một bộ phận đã “thắt lưng buộc bụng” hoặc có tâm lý chờ giá giảm nữa mới mua. Một nguyên nhân quan trọng do lương thực được mùa lớn trong năm 2011; lúa đông xuân 2012 ở miền Nam đạt sản lượng cao, ở miền Bắc đang bước vào thu hoạch rộ; lúa hè thu ở miền Nam cũng đã bước vào thu hoạch; trong khi gạo xuất khẩu bị giảm về lượng, về giá và thị trường..., nên giá lương thực đã giảm 6 tháng liền - một hiện tượng hiếm thấy trong cùng kỳ nhiều năm qua. Đó là chưa kể, giá vàng giảm 7,51%, giá USD giảm 0,8% trong 6 tháng cũng góp phần ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát. Diễn biến CPI trong 6 tháng là tín hiệu khả quan để thực hiện mục tiêu của cả năm về kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định lòng tin vào đồng tiền quốc gia. Song “mặt trái của tấm huân chương”, hiệu ứng phụ của việc thắt chặt tiền tệ lại là sự suy giảm tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Biểu hiện tổng hợp của nó là tăng trưởng kinh tế bị sụt giảm so với năm trước và khó đạt mục tiêu đề ra; tồn kho sản phẩm, hàng hóa gia tăng, lao động thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng... Những lý do và biểu hiện trên khiến CPI giảm nhưng lại đáng lo. Đã đến lúc phải có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Trong các giải pháp mà Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đề ra, ngoài việc giãn, giảm thuế, cần đặc biệt quan tâm đến việc hạ lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp và hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Ngọc Minh THANH NIÊN
|