Tổng sản phẩm nội địa của thủ đô Hà Nội tăng 7,6% Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hà Nội Công Xuân Mùi cho biết, tổng sản phẩm nội địa của Thủ đô trong sáu tháng đầu năm 2012, dự kiến đạt hơn 40.972 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh nhất trong ba ngành kinh tế lớn của Thủ đô là ngành dịch vụ với mức tăng trưởng lên tới 8,5%, giá trị thực hiện đạt hơn 18.323 tỷ đồng, đóng góp 3,8% vào mức tăng chung. Ngành công nghiệp, xây dựng mặc dù có mức tăng thấp hơn một chút, 8,1% so cùng kỳ năm trước, song lại là ngành kinh tế dẫn đầu về giá trị thực hiện, ước đạt trên 20.338 tỷ đồng, đóng góp 4% vào mức tăng chung. Trong thời gian này, duy nhất có ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản là giảm 2,9% so cùng kỳ năm trước, do giá trị thực hiện chỉ đạt trên 2.310 tỷ đồng, vì vậy đã làm giảm 0,2% mức tăng chung của tổng sản phẩm nội địa Hà Nội. Theo phân tích của ông Công Xuân Mùi, nguyên nhân dẫn đến mức giảm của ngành nông lâm nghiệp và thủy sản là do sản xuất cây trồng vụ đông năm nay gặp nhiều khó khăn, thời tiết mưa rét, nồm ẩm kéo dài đã ảnh hưởng đến việc làm đất và gieo trồng. Diện tích cây đỗ tương - cây trồng chủ lực của vụ đông giảm mạnh do gặp mưa rét vào đầu quý bốn năm trước, vì vậy dù năng suất cây trồng vụ đông tăng so cùng kỳ, nhưng sản lượng thu hoạch lại giảm. Vụ xuân do thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa và hoa màu khá cao, nhưng do diện tích ngô và cây lấy củ có chất bột giảm nhiều nên sản lượng cũng giảm đáng kể. Không chỉ vậy, chăn nuôi lại gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng cao, giá bán sản phẩm có xu hướng giảm; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây tâm lý e ngại cho nông dân. Nhận xét về mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Thủ đô trong sáu tháng đầu năm nay, ông Công Xuân Mùi cho rằng mặc dù thấp hơn tốc độ tăng trưởng của sáu tháng đầu năm 2011 và thấp hơn kế hoạch đề ra nhưng mức tăng 7,6% so cùng kỳ năm trước của tổng sản phẩm trên địa bàn vẫn là một kết quả đáng khích lệ, nhất là xét trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục phải đối mặt với khá nhiều khó khăn; sản xuất kinh doanh đình trệ; tình hình thời tiết có nhiều bất lợi đến sản xuất nông nghiệp; kinh tế thế giới kém phát triển do cuộc khủng hoảng tài chính công ở khu vực đồng euro./. Anh Tùng vietnam+
|