Xuất khẩu cao su năm 2012 có thể đạt 930 ngàn tấn
|
Khối lượng xuất khẩu cao su năm 2012 có thể đạt hơn 930 ngàn tấn, tăng 14% so với năm ngoái. |
Giá cao su có xu hướng tăng do dự báo nhu cầu tiêu thụ cao su thế giới trong những tháng tới sẽ tăng.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, khối lượng cao su xuất khẩu tháng 4 ước đạt 45 ngàn tấn với trị giá 130 triệu USD, đưa khối lượng cao su xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên 258 ngàn tấn với trị giá 754 triệu đô la, tăng 30,4% về lượng nhưng lại giảm 12,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2011 do sự sụt giảm về giá xuất khẩu.
Cuối năm 2011, từ chỗ giao dịch cao su có lúc gần như “tê liệt”, chỉ còn ở mức khoảng 68 triệu đồng/tấn, nhiều công ty cao su có lượng tồn kho khá lớn do tiêu thụ khó khăn. Thế nhưng, sang quí 1/2012 và đến nay, tình hình sáng sủa hẳn lên, giá cao su dù vẫn còn ở mức thấp so cới cùng kỳ năm ngoái nhưng đã tăng mạnh trở lại.
Cụ thể, cao su chủng loại SVR 3L đạt 3.228 USD/tấn (65 triệu/tấn) vào tháng 1 và đạt 3.760 USD/tấn (75 triệu/tấn) vào tháng 4, tăng 16,5%, tức khoảng 10 triệu đồng/tấn so với đầu năm 2012.
Hiện nay, thương nhân Trung Quốc mua vào với số lượng lớn nên giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc lên tới 23.200 nhân dân tệ/tấn vào ngày 3/5 cho chủng loại SVR 3L (chưa bao gồm thuế).
Hiện nay, hàng ngày vẫn có khoảng từ 30 đến 40 pháp nhân có đủ điều kiện nhập khẩu của Trung Quốc vẫn đang săn lùng nhập khẩu cao su của Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái.
Dự báo vào tháng 5 và tháng 6, khi các khách hàng Thượng Hải, Thiên Tân, Liêu Ninh (Trung Quốc) quay trở lại để tiếp tục ký các hợp đồng nhập khẩu khi các công ty cao su trong nước bước vào mùa khai thác mới thì sản lượng giao dịch sẽ tăng lên trên 1.000 tấn/ngày thay vì chỉ 600 - 700 tấn/ngày như hiện nay.
Ông Đinh Vạn Tiến, Trưởng Ban Xuất nhập khẩu - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) khẳng định xuất khẩu cao su các tháng đầu năm 2012 sang Trung Quốc nói riêng, các thị trường khác nói chung đang khởi sắc khi nhu cầu và giá tăng khá mạnh.
Hiện nay, việc bán mủ cao su sang Trung Quốc tuy vẫn chiếm tỷ trọng hơn 60% tổng sản lượng, nhưng doanh nghiệp đã biết tìm ra nhiều phương thức giao dịch và xuất qua nhiều đường khác nhau chứ không chỉ phụ thuộc vào tiểu ngạch như trước.
Các nhà máy lớn có lợi thế vốn, công nghệ chế biến mủ đạt tiêu chuẩn quốc tế, thường chọn xuất chính ngạch đi các thị trường Mỹ, EU, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc. Nhiều nhà máy công nghiệp uy tín ở Trung Quốc cũng chọn con đường nhập cao su chính ngạch của một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam để có được loại hàng chất lượng tốt.
Bà Trần Thị Thuý Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, cũng cho rằng mặc dù xuất khẩu cao su bằng đường tiểu ngạch đang gặp khó, nhưng một tín hiệu đáng mừng đó là ngay trong những ngày đầu năm này, nhiều hội viên đã thông báo tìm được cách tiếp cận thị trường Trung Quốc bằng xuất chính ngạch.
Nghiên cứu xu thế biến động của chuỗi khối lượng theo tháng qua các năm gần đây, Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo khối lượng xuất khẩu cao su năm 2012 đạt hơn 930 ngàn tấn, tăng 14% so với năm ngoái.
Công Trí
chính phủ
|