Thứ Bảy, 05/05/2012 11:00

Giá cà phê cuối tuần: Cú nhảy bất ngờ

Suốt tuần, giá cà phê robusta kỳ hạn và nội địa lận đận cho đến ngày cuối tuần nhảy lên cái vèo. Giá tăng trong sự bất ngờ vì giá cà phê arabica Ice rất yếu, đồng thời vừa có tin tồn kho robusta giảm, cộng với dự báo xuất khẩu lượng robusta của nước ta tăng trong năm 2012 nhưng giá Liffe NYSE lại bị “vắt”.

Biểu đồ 1: Giá đóng cửa robusta NYSE Liffe trong tuần (tác giả tổng hợp)

Giá tăng nhờ hàng ra ít

Nếu như giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE suốt tuần chỉ lui cui dưới mức 2.000 đô la/tấn, thì đến ngày cuối tuần đã bung lên hẳn. Hôm qua, thứ Sáu 4-5-2012, giá trên sàn robusta giao dịch có khi đã vượt lên đến 2.020 đô la để rồi đóng cửa chốt mức 2.019 đô la/tấn, tăng 44 đô la/tấn cơ sở tháng 7-2012 nay đã trở thành tháng giao dịch chính (xin xem biểu đồ 1 phía trên).

Cả tuần, giá đì đà đì đạch trên sàn kỳ hạn đã kéo giá cà phê nhân xô trên thị trường nội địa chỉ còn sát 39.000 đồng/kg.

Vào phiên cuối tuần khuya hôm qua, một cú nhảy ngoạn mục trên sàn kỳ hạn kéo giá nội địa lên lại quanh mức 40.000 đồng/tấn sáng hôm nay thứ Bảy, 5-5.

Hôm nay, hiện tượng “vắt giá” (price squeezing) lại xảy ra. Giá kỳ hạn tháng 7 và 9 đồng ở mức 2.019 đô la/tấn trong khi giá tháng 11-2012 chỉ 2.011 đô la/tấn, 8 đô la ít hơn. Điều này chứng tỏ các tay chơi trên sàn kỳ hạn đang lo thiếu hàng giao cục bộ trong những ngày tới cho các tháng giao hàng gần. Song, tình hình có thể sẽ không căng như người ta tưởng. Đây cũng có thể là một chiêu “dụ” các con mồi vào mua chơi trên sàn hàng giấy.

Tuy rằng, vào ngày thứ Năm 3-5-2012, giá arabica Ice New York giảm xuống mức cùng cực với giá tháng 7-2012 giảm 6,95 cts chỉ còn 175,80 cts/lb (3.872 đô la/tấn) so với cách đây chừng 3 tháng, khi ấy còn 218,55 cts (4.813 đô la/tấn).

Tức chỉ trong vòng 3 tháng, giá arabica trên sàn Ice New York mất đến cả gần 950 đô la/tấn dù hàng arabica Brazil chưa ra rộ và lượng tồn kho arabica có xác nhận chất lượng của sàn này đang ở mức rất thấp. Đến sáng nay lượng này chỉ đếm được chừng 1,51 triệu bao (bao 60 kg).

Giá bung vẫn cứ lùng nhùng

Biểu đồ 2: Giá cách biệt giữa arabica và robusta trên 2 sàn Ice và Liffe NYSE (nguồn: NewEdge)

Nói vậy để thấy rằng giá kỳ hạn robusta đang có những dấu hiệu kỳ lạ. Ngay khi giá arabica Ice rớt sâu cả 150 đô la/tấn, giá robusta Liffe NYSE chỉ giảm 7 đô la/tấn. Đến cả như khuya hôm qua, giá kỳ hạn robusta tăng mạnh trong khi arabica Ice ngập trong màu đỏ chót của giá xuống với cuối cùng giảm 1,70 cts/lb.

Theo nhận định của một nhà phân tích thị trường tại TPHCM, giá robusta trên sàn London trong thời gian gần đây tỏ ra khá vững so với arabica Ice. Ông giải thích: “Không chỉ nhờ các nhà xuất khẩu từ Việt Nam ít đưa hàng lên bán trên sàn do người có hàng chưa chấp nhận bán giá thấp “tiền trao cháo múc” (outright) hiện nay, mà sàn này đang thoát ly kỹ thuật và đầu cơ để quy hướng về cung-cầu".

Có thể cũng chính vì vậy mà giá sàn robusta không chao đảo mấy vì đầu cơ lẳng lặng bỏ đi. Trong khi đó, mồi thơm đang chực chờ trên sàn arabica Ice với hàng Brazil chất lượng dễ hơn chuẩn bị được giao dịch trong vài tháng tới đây.

Ông tiếp: “Giá arabica chao đảo trước khi hy vọng nhận nguồn hàng giao dịch lớn từ Brazil. Cũng như trước đây, khi Liffe NYSE chuyển từ hợp đồng robusta từ 5 tấn với chất lượng khó khăn sang 10 tấn với chất lượng dễ hơn”.

Giá arabica giảm trong khi giá robusta tăng. Song, nếu đứng về phía người kinh doanh robusta, đây là điều chưa nên mừng vội. Vì, tác động tiêu cực trước mắt của hiện tượng này là giá robusta trở nên đắt hơn trong khi arabica rẻ hơn.

Điều này sẽ làm cho giá cách biệt (arbitrage) giữa 2 loại của 2 sàn kỳ hạn co lại bất lợi cho nhóm robusta trong khi hàng vụ mới Brazil sẽ ra rộ nay mai.

Nếu như trước đây, có lúc giá cách biệt này đến trên 150 cts/lb (3.300 đô la) thì nay chỉ quanh mức 83-85 cts/lb (1.850 đô la/tấn), tức giảm đến gần 1.450 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 2 phía trên).

Trong chiều hướng này, nếu giá cách biệt 2 loại của 2 sàn này có tiếp xuống còn chừng 60-70 cts, người mua sẽ quay lại với arabica vì rẻ và là dịp nâng cao chất lượng tách cà phê. Robusta là loại cà phê thường được dùng để pha trộn (blending) thêm với arabica, còn arabica lại quyết định mùi vị của nước uống cà phê.

Tồn kho giảm và dự báo xuất khẩu nhiều, giá cứ tăng

Giá cuối tuần cứ tăng vèo vèo cả kỳ hạn lẫn nội địa dù trong tuần có nhiều tin không mấy “thuận”. Tồn kho robusta được Liffe NYSE xác nhận chất lượng (certs) tính đến 30-4-2012 giảm thên 9.200 tấn, nay chỉ còn 172.530 tấn, tương đương với 2,876 triệu bao.

Như vậy, tồn kho certs đang chỉ còn ngang mức 43% so với 302.490 tấn hay 5,042 triệu bao của cách đây đúng một năm (xin xem biểu đồ 3 phía dưới).

Biểu đồ 3: Tồn kho robusta có xác nhận Liffe NYSE (certs) tiếp tục giảm (tác giả tổng hợp)

Mặt khác, theo Reuters, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lại tăng dự báo xuất khẩu cà phê cho niên vụ 2011-2012 lên 1,25 triệu tấn (20,83 triệu bao) thay vì trước đây 1,15 triệu tấn.

Cơ quan này cũng cho rằng kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta năm 2012 cũng sẽ giảm 3% chỉ còn 2,66 tỉ đô la Mỹ so với năm trước. Như vậy, liệu dự báo này có hàm ý giá xuất khẩu sẽ giảm trong các tháng còn lại trong năm nay chăng?

Nguyễn Quang Bình

tbktsg

Các tin tức khác

>   Hạt tiêu thắng đậm (04/05/2012)

>   Giá dừa nguyên liệu tiếp tục lao dốc (04/05/2012)

>   Cacao, cà phê tăng, đường thấp nhất trong gần một năm (03/05/2012)

>   Kiến nghị bỏ thuế xuất khẩu dừa (03/05/2012)

>   Lợi dụng trợ giá gạo để trục lợi (02/05/2012)

>   Gạo xuất khẩu tăng giá (02/05/2012)

>   Dự báo sản lượng cao su 2012 giảm (01/05/2012)

>   Yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về cho vay lĩnh vực cà phê (28/04/2012)

>   Rà soát, gỡ khó trong cho vay xuất khẩu cà phê (27/04/2012)

>   Giá cà phê, cacao giảm, đường hiệu chỉnh tăng (27/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật