Lợi dụng trợ giá gạo để trục lợi
Chính phủ Thái Lan mua gạo với giá cao nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Thế nhưng, chính sách này đang bị phá hoại do quản lý lỏng lẻo cộng với nạn trục lợi của các nhà máy gạo đóng vai trò trung gian.
Theo chương trình mua gạo, Chính phủ Thái Lan trả tới 20.000 baht (650 USD)/tấn gạo thơm Hom Mali và 15.000 baht (488 USD)/tấn gạo trắng thường, cao hơn cả giá thị trường. Đây là một chính sách của chính phủ đương nhiệm nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
Các nhà máy gạo tham gia chương trình này sẽ thay mặt chính phủ mua và dự trữ số gạo đó. Nói cách khác, các nhà máy gạo đóng vai trò trung gian trong chương trình này. Lợi dụng chính sách mua gạo giá cao, nhiều nhà máy gạo đã tìm cách trục lợi dưới nhiều hình thức khác nhau.
Mặt trái của chính sách
Một nhà quản lý trong ngành gạo giấu tên cho biết tình trạng trục lợi đã diễn ra tại các nhà máy gạo với quy mô lớn. Các kiểu trục lợi diễn ra muôn hình vạn trạng vì sự quản lý lỏng lẻo và các quan chức tham nhũng.
Một trong những hình thức trục lợi là khai man số gạo có trong kho. Các nhà máy gạo tham gia chương trình đã bán gạo dự trữ cho các công ty xuất khẩu để kiếm lợi. Đến khi chính phủ yêu cầu xuất kho hay giao hàng, các nhà máy này lại chạy mua gạo từ nơi khác về để thế vào chỗ thiếu hụt.
Ngoài ra, các nhà máy còn mua gạo, đưa vào kho rồi “xoay vòng” chính số gạo đó để tiếp tục hưởng lợi từ đợt mua mới. Việc này có sự thông đồng của các quan chức dự trữ quốc gia và ngành thống kê, những người chịu trách nhiệm theo dõi số gạo đưa vào kho của chính phủ.
Tinh vi hơn, các nhà máy được ủy quyền dự trữ gạo Hom Mali chất lượng cao đã bán bớt loại gạo này rồi sau đó mua gạo kém chất lượng hơn trộn lẫn vào. Các loại gạo kém phẩm chất có thể được mua từ tỉnh Pathum Thani và Phitsanulok. Gạo tại những nơi này cũng có hạt dài như loại Hom Mali, chỉ có điều nó không có mùi thơm hoa nhài mà thôi. Nhà quản lý giấu tên trên cho biết chính vì điều này mà hiện gạo Pathum Thani đang thiếu hụt trên thị trường.
Việc giám sát kho dự trữ gạo của chính phủ và bắt các vụ gian dối là chuyện không dễ. Khi thanh tra đến, các nhà máy luôn trình ra gạo chất lượng cao nhưng mọi chuyện đâu lại vào đó khi thanh tra đi khỏi. Các nhà quản lý trong ngành gợi ý chính phủ nên hiện đại hóa hệ thống giám sát, bao gồm cả việc trang bị máy thử ADN của gạo để đảm bảo sự nguyên vẹn và chất lượng của kho dự trữ. Hiện các quan chức vẫn dựa trên phương pháp truyền thống để kiểm tra mẫu gạo mỗi lần xuất kho hay giao hàng là... nấu thử thành cơm.
Tác động đến xuất khẩu
Theo trưởng ban chính sách đối nội thuộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Mathee Supapongse, chính sách mua gạo giá cao của chính phủ đã đẩy giá gạo của Thái Lan cao hơn so với các đối thủ khác như Ấn Độ và Việt Nam. Ngoài ra, các đối thủ mới nổi như Myanmar hay Campuchia cũng là mối nguy cho vị thế của Thái Lan trên thị trường gạo thế giới. Từ tháng 2 đến tháng 3, giá gạo xuất khẩu của Thái đứng ở mức 549 USD/tấn, cao hơn so với mức 480 USD/tấn hồi giữa năm ngoái. Từ đó, xuất khẩu gạo của nước này trong tháng 3 giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Hồi tháng 2, xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm 27% so với cùng kỳ năm 2011. Ông Mathee cho rằng giá gạo xuất khẩu sẽ còn tăng cao hơn nữa khi chương trình mua gạo giá cao còn tiếp tục.
Tính cả quý 1, xuất khẩu gạo của Thái Lan đã giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 33 tỉ baht (hơn 1 tỉ USD). Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse cho biết xét về số lượng, xuất khẩu gạo quý đầu chỉ đạt 1,48 triệu tấn, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thái Lan sẽ xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay. Năm 2011, Thái Lan xuất khẩu 11 triệu tấn gạo, tăng so với mức năm 2010 (9 triệu tấn).
Trong khi đó Việt Nam và Ấn Độ đang đặt ra mục tiêu vượt Thái Lan để giành ngôi vị xuất khẩu gạo số 1 thế giới với khoảng 7 triệu tấn. Trong quý 1, Việt Nam đã xuất khẩu 4,2 triệu tấn gạo, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thật ra, theo ông Mathee, xuất khẩu gạo của Thái đã giảm từ tháng 9 năm ngoái vì lũ lụt. “Ban đầu, ảnh hưởng của chính sách mua gạo giá cao đến xuất khẩu không rõ rệt vì nguồn cung giảm sút sau trận lụt lịch sử” - ông Mathee nhận định. Nhưng sau đó, lượng gạo mua vào kho nhiều hơn, nhưng xuất khẩu lại giảm. Theo ông Mathee, sự giảm sút từ tháng 1 phản ánh việc chính sách mua giá cao đã đẩy giá gạo xuất khẩu tăng. “Rõ ràng chúng ta mất sự cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt là trong tháng 2 và 3” - ông nói.
Kinh tế Thái Lan đã có dấu hiệu tốt hơn trong quý 1 với việc sản xuất được khởi động trở lại sau đợt lũ lụt năm ngoái. Sự phục hồi của các ngành sản xuất nhìn chung đã giúp tăng xuất khẩu, trừ việc xuất khẩu lương thực là giảm sút.
Việt Phương (Theo Bangkok Post, The Nation)
tuổi trẻ
|