Cục trồng trọt: Người dân đang quay lưng với cây điều
Thị trường giá cả không ổn định, năng suất thấp, kèm theo những chính sách hỗ trợ phát triển cây điều không được sự quan tâm của từng địa phương đang khiến người dân quay lưng lại với cây điều.
Đây là thông tin được Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra trong báo cáo tại hội nghị đánh giá thực trạng và bàn giải pháp thúc đẩy phát triển cây điều diễn ra ngày 24-4 tại tỉnh Bình Phước.
Theo Cục trồng trọt, trong năm năm qua đã có 77.340 héc ta cây điều tại Việt Nam đã bị chặt bỏ để trồng các loại cây khác. Nguyên nhân, do hiệu quả kinh tế từ sản xuất điều thấp, sâu bệnh phát triển nhiều, nông dân không có vốn đề đầu tư cho cây điều sau mỗi vụ thu hoạch…
Cục trồng trọt cho biết, trong tổng số 330.000 héc ta trồng điều của cả nước hiện nay có hơn 24% diện tích cây điều già cỗi (trên 20 năm). Theo khảo sát của ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp, Phân viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp phía Nam, 97-98% hộ dân có điều già cỗi sẽ chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như cây cao su, hồ tiêu…
Theo báo cáo Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, năm 2005 năng suất điều trung bình cả nước là 1,07 tấn/ héc ta nhưng nay giảm xuống còn 0,85 tấn/héc ta. Do đó, lợi nhuận mang về chỉ ở mức 21 triệu đồng/ héc ta/năm, trong khi nếu trồng cao su sẽ thu về 62 triệu đồng/héc ta/ năm. Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam xem đây là một tín hiệu xấu cho ngành điều trong những năm tới.
Báo cáo của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ cho biết, năng suất điều trung bình toàn vùng chỉ đạt 6,12 tạ/héc ta, bằng 72% do với năng suất trunh bình cả nước. Lợi nhuận thu về chỉ đạt 4 triệu đồng/héc ta/năm. Do đó, người dân chặt bỏ cây điều để trồng khoai mì (sắn) với lợi nhuận bình quân 30 triệu đồng/héc ta/năm
Tình hình cũng không khá hơn tại khu vực Tây Nguyên. Theo báo cáo của Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã có 20.000 héc ta trồng điều đã bị chặt bỏ để trồng cây khác. Đơn cử như tại binh đoàn 16 (Đắk Lắk) đã phá bỏ trên 6.000 héc ta điều kém hiệu quả để trồng keo làm nguyên liệu giấy cho các nhà máy sản xuất.
Do diện tích ngày càng giảm nên hàng loạt nhà máy chế biến hạt điều nhân xuất khẩu ở Tây Nguyên phải đóng cửa, ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Đắk Lắk có 9 cơ sở chế biến hạt điều xuất khẩu nhưng nay chỉ hoạt động cầm chừng với 30% công suất thiết kế.
Ngọc Hùng
TBKTSG
|