Vietstock Daily 30/05: Cầu vẫn đang “tê cứng”
Với đà sụt giảm khối lượng như hiện tại thì triển vọng của thị trường quả là đáng ngại. Nếu giao dịch sôi động (chứ không phải èo uột như hôm nay) thì nhiều khả năng thị trường sẽ có những phiên đảo chiều mạnh.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY 30/05/2012
VN-Index đóng cửa giảm khá mạnh 0.93% xuống còn 431.44 điểm, HNX-Index giảm 0.4% xuống 75.3 điểm. VS 100 và VN 30 đều giảm điểm, lần lượt là 1.13% và 0.51%, đứng tại 71.14 điểm và 510.81 điểm.
VS-Large Cap đứng đầu danh sách giảm điểm với mức giảm 1.02%; tiếp theo là VS-Small Cap giảm 0.71%, VS-Micro Cap giảm 0.59% và VS-Mid Cap giảm 0.54%.
Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt 45.9 triệu đơn vị, giảm 28.56% so với phiên giao dịch đầu tuần. Trên HNX, tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 30.2 triệu đơn vị, giảm đến 42.17%. Đây là mức khối lượng giao dịch thấp nhất kể từ đầu tháng 3/2012 trở lại đây.
Khối ngoại thu hẹp lực mua ròng chỉ còn 5.5 tỷ đồng trên HOSE. Họ mua ròng mạnh nhất SBT với 8.4 tỷ đồng, MBB với 5.9 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất VCB với 12.2 tỷ đồng, DRC với 8.5 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng 4.8 tỷ đồng. Họ vẫn mua ròng mạnh nhất DBC với 4.3 tỷ đồng; trong khi các giao dịch còn lại không đáng kể.
Toàn thị trường có đến 19/24 nhóm ngành giảm điểm, trong đó đứng đầu danh sách là Bảo hiểm với mức giảm 3.25%. Các nhóm ngành Ngân hàng, Xây dựng, Bất động sản, Chứng khoán đều nằm trong nhóm giảm điểm với mức giảm lần lượt là 1.58%, 1.06%, 0.49% và 0.25%.
Khối lượng khớp lệnh sụt giảm mạnh cho thấy hoạt động mua vào chỉ dừng lại ở mức thăm dò. Chúng tôi cũng nhận thấy hầu hết lực cầu đều ở dưới mức tham chiếu, cho thấy sự e ngại cực độ của giới đầu tư.
Trên thực tế, nỗ lực bắt đáy đã xuất hiện 2 lần vào cả buổi sáng và buổi chiều, được khởi động từ một vài mã chỉ dấu trên HNX như VND, KLS, SHS, SCR… Tuy vậy, tín hiệu này dường như là chưa đủ mạnh để lôi kéo dòng tiền tham gia sâu vào thị trường.
Với đà sụt giảm khối lượng như hiện tại thì triển vọng của thị trường quả là đáng ngại. Chúng tôi đang kỳ vọng thanh khoản sẽ khởi sắc trở lại khi các chỉ số đang tiếp cận trở lại các ngưỡng hỗ trợ mạnh, để khẳng định rằng xu hướng tăng trưởng vẫn chưa bị đe dọa. Nếu tiếp tục giao dịch sôi động (chứ không phải èo uột như hôm nay) thì nhiều khả năng thị trường sẽ có những phiên đảo chiều mạnh.
Sáng ngày 29/5, giới đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – một hội nghị góp ý/tác động chính sách diễn ra trước Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam– đã lên tiếng về các định hướng chính sách liên quan đến TTCK.
Với những gì tường thuật trên báo chí, cơ quan quản lý có vẻ như sẽ đồng tình thực hiện: (1) Nới lỏng room cho khối ngoại (thậm chí lên đến mức 49%?), bao gồm cả ngân hàng, và không loại trừ khả năng sẽ có một loại cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư nước ngoài. (2) Xem xét lại biên độ dao động giá, và có thể áp dụng bổ sung tạm ngừng giao dịch đối với cổ phiếu biến động quá lớn từ đầu năm tới. Trước đây, biên độ dao động giá trên HNX có lúc lên đến +/-10%, nhưng được điều chỉnh giảm sau giai đoạn thị trường diễn biến xấu.
Phân tích kỹ thuật: HNX-Index – Giằng co mạnh. Trong vòng 2 tuần gần đây, những cây nến xanh đỏ xen kẽ nhau xuất hiện liên tục trong quá trình đi ngang của chỉ số. Điều này cho thấy sự giằng co trên HNX là rất lớn.
Diễn biến trên phần nào phản ánh được tâm trạng lưỡng lự, phân vân của nhà đầu tư. Mặc dù đà tăng dài hạn đã được khẳng định với những breakpoint chiến lược nhưng việc thanh khoản rơi về mức thấp cũng như sự phá vỡ kênh giá ngắn hạn đã phần nào làm lung lay niềm tin của giới đầu tư.
Trong các phiên giao dịch tới, vùng 69 – 72 điểm (trùng với Fibonacci Retracement 38.2% trung hạn) nhiều khả năng sẽ được test lại. Nếu HNX-Index không phá vỡ vùng này thì có thể tạm yên tâm về xu hướng ngắn hạn.
Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng nếuHNX-Index tiếp tục test lại vùng 69 – 72 điểm thì việc bắt đáy là không quá rủi ro.
VN-Index – Directional Movement System vẫn chưa khả quan. ADX vẫn duy trì mức cao (trên 25) chứng tỏ xu hướng hiện tại vẫn đang mạnh. Tuy nhiên, hai đường +DI và –DI vẫn đang tiếp tục phân kỳ khá mạnh và khoảng cách giữa chúng còn khá xa nên khả năng cho tín hiệu mua trong tuần này không cao.
Chỉ báo MACD mặc dù chưa cho mua trở lại nhưng đã hãm bớt đà rơi. MACD Histogram thì vẫn tiếp tục đi lên. Tín hiệu này cho thấy phân kỳ giá lên (bullish divergence) ngày càng có nhiều khả năng hình thành.
Khối lượng cần đươc cải thiện trong những phiên sắp tới để tạo tín hiệu mua với đường SMA 20. Nếu tình trạng thanh khoản thấp này vẫn duy trì trong thời gian tới thì khả năng đà giảm mạnh quay trở lại là khá cao.
VIETSTOCK INDEX
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 29/05/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.25, tức số mã tăng giá bằng 0.25 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.33, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.33 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.15 lần và VS-U/D HNX bằng 0.01 lần.
VS-Arms VN ngày 29/05/2012 đạt giá trị 1.07 chứng tỏ cung cầu đang cân bằng trong phiên này. EMA 5 ngày của VS-Arms VN duy trì ở mức 1.47, đây là mức trung bình của chỉ số này. Nó cho thấy cung cầu vẫn cân bằng nếu xét trong 5 phiên gần đây nên khả năng tích lũy và đi ngang là khá lớn.
II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES, GIÁ VÀNG
Dow Jones: Thị trường nghỉ không giao dịch
Vàng: Sẽ test lại các MA quan trọng. Giá đã bắt đầu có dấu hiệu ngừng giảm và tăng nhẹ trở lại trong các phiên giao dịch gần đây. Sự xuất hiện của các mẫu hình nến như Hammer, Engulfing Bull... cũng như các tín hiệu mua của nhóm các chỉ số dao động (momentum) cho thấy động lực tăng trưởng đang cải thiện.
Hiện tại giá vàng vẫn đang ở gần đường trendline chống đỡ dài hạn (tương đương vùng 1,545 – 1,570 USD/oz). Đây là ngưỡng chống đỡ rất mạnh và chưa hề bị phá vỡ trong suốt 3 năm qua nên được giới phân tích đặt nhiều kỳ vọng sẽ trụ vững trong thời gian tới.
Nếu giá tiếp tục tăng trong vài phiên tới thì sẽ test lại các MA quan trọng.
III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 29/05/2012
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
|