Tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa: Bắt đầu từ đâu?
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã được Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, trước thực tế đa phần các doanh nghiệp tại các địa phương đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hầu như doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn, vậy những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên bắt đầu từ đâu?
|
Công nhân trong một DN nhỏ ở Đồng Nai. |
Cho dù phải thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng cũng phải mua nước mắm cho bữa ăn hàng ngày. Ấy vậy mà, trong thực tế, mặt hàng này cũng không tránh khỏi tình trạng sức tiêu thụ giảm sút.
Công ty cổ phần thủy sản 584 Nha Trang được xem là giữ được ổn định sản xuất trong số các doanh nghiệp chế biến nước mắm theo phương pháp truyền thống ở Khánh Hòa. Thế nhưng, từ cuối quý I đến giờ, sức tiêu thụ sản phẩm nước mắm của công ty có chậm lại.
Trong 29 thành viên của Hiệp hội nước mắm Nha Trang có đến 9 doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân không gì khác là sức tiêu thụ chậm, sản phẩm ứ đọng. Trong khi đó, các doanh nghiệp vốn đã bị sức ép do chi phí đầu vào khá cao.
Theo ông Đỗ Hữu Việt, Giám đốc công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, với nguồn tài chính yếu, nguồn nhân lực thiếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể marketting tốt được, cũng có nghĩa là không làm thương hiệu tốt được và hậu quả là tiêu thụ khó khăn. “Tôi cho đây là vòng luẩn quẩn, dẫn đến khó khăn của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay”, ông Việt kết luận.
Không chỉ ở lĩnh vực thủy sản, các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác ở tỉnh Khánh Hòa càng rơi vào tình cảnh khó khăn gay gắt hơn, nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng. Thậm chí có doanh nghiệp, tồn đọng đến gần một nửa sản phẩm. Sản phẩm ứ đọng, song lãi vay ngân hàng mà trước đây các doanh nghiệp vay để trang trải chi phí thì lại phát sinh sau mỗi tháng.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này hiện có không dưới 5.000 doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Bên cạnh khó khăn kéo dài từ nhiều năm nay trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong năm nay, khó khăn lại càng gia tăng với việc các doanh nghiệp không thể tìm ra giải pháp kích cầu.
Vì vậy, theo ông Mai Thanh Liêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa, giải pháp về đầu ra “vẫn là tối quan trọng”.
Với gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ thông qua, các doanh nghiệp hy vọng những khó khăn hiện tại sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, bên cạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, điều doanh nghiệp cần là các giải pháp kích cầu tiêu thụ sản phẩm, bởi nếu vay được vốn, tăng sản xuất nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ thì doanh nghiệp lại càng điêu đứng.
“Điều chỉnh cơ cấu kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước thì cũng phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nói cách khác hàng năm, tỉnh phải khám sức khỏe cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện sắp xếp ngành nghề, xác định quy mô phát triển ngành nghề”, ông Liêm nhấn mạnh.
Hiện tại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra giải pháp trước mắt, đó là tự lượng sức mình, chủ yếu sản xuất theo các đơn đặt hàng nhằm tránh tồn đọng hàng với lượng lớn. Tình trạng sản xuất cầm chừng này, theo dự báo sẽ chỉ có thể chấm dứt khi sức mua thị trường tăng trở lại.
Tấn Quýnh
VTV
|