Chủ Nhật, 27/05/2012 11:12

Khai thác khoáng sản ồ ạt sẽ không còn “của để dành”

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội (QH), Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, cho biết, tháng 8 tới, đoàn giám sát sẽ trình UBTVQH nhiều giải pháp mạnh nhằm chấn chỉnh hoạt động khoáng sản.

TS Võ Tuấn Nhân

- PV: Qua quá trình giám sát vừa qua, ông có nhận xét gì về thực trạng khai thác khoáng sản hiện nay?

Ông VÕ TUẤN NHÂN: Thực hiện kế hoạch giám sát của UBTVQH, đoàn giám sát của UBTVQH đã giám sát thực tế tại 12 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương với 28 điểm đại diện cho các loại khoáng sản khác nhau trong cả nước. Sắp đến, chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát tại một số địa phương, một số bộ ngành có liên quan. Sau đó sẽ báo cáo kết quả với UBTVQH vào tháng 8. Tuy nhiên, tôi cũng có thể nêu một số đánh giá ban đầu.

Nhìn chung, một số địa phương đã quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng đã có ý thức hơn trong việc tiết kiệm tài nguyên, một số đã áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, quan tâm đến bảo vệ môi trường và có trách nhiệm nhiều hơn với cộng đồng dân cư.

Mặt khác, cũng có thể thấy rằng dù số lượng văn bản trong lĩnh vực này được ban hành khá nhiều nhưng chất lượng còn thấp, nhiều khe hở khiến việc quản lý khoáng sản tại nhiều địa phương còn chưa tốt. Đặc biệt là việc cấp phép, khai thác khoáng sản ở một số địa phương diễn ra ồ ạt; nhiều nơi không theo quy hoạch, thiếu bền vững, công tác an toàn lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Một số vụ việc rất đáng tiếc xảy ra gần đây là minh chứng cụ thể cho nhận xét này. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu thẩm định đánh giá tác động môi trường thực hiện chưa nghiêm. Hiện tượng khai thác thổ phỉ, khai thác trộm vẫn diễn ra thường xuyên mà chưa có biện pháp khắc phục dứt điểm.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc khai thác khoáng sản hiện nay còn rất lãng phí tài nguyên và xét về mặt môi trường thì “lợi bất cập hại”. Ông có bình luận gì?

Ở đây cũng có một nguyên nhân khách quan là tài nguyên khoáng sản nước ta phong phú và đa dạng nhưng thường không tập trung, trữ lượng các loại khoáng sản chưa được đánh giá đầy đủ. Do vậy, việc quản lý và khai thác cũng gặp khó khăn. Nhưng đúng là giá trị sản xuất công nghiệp và đóng góp nguồn lực cho nền kinh tế đối với ngành khoáng sản còn thấp (trừ dầu khí), mức độ hủy hoại môi trường và đời sống công nhân làm trong ngành khai khoáng còn nhiều khó khăn. Rõ ràng là nếu khai thác khoáng sản ồ ạt thì sẽ không còn “của để dành” cho các thế hệ tương lai, thậm chí là những năm trước mắt.

- Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa qua lại đề nghị giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 0%, trong khi không lâu nữa Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với số lượng lớn để phục vụ sản xuất điện. Ông có bình luận gì trước nghịch lý này?

Trong bối cảnh giá than bán cho các doanh nghiệp trong nước thấp hơn giá xuất khẩu, đồng thời các doanh nghiệp trong nước nói chung đều đang gặp khó khăn thì việc xem xét miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, mức giảm thuế như thế nào thì QH, Chính phủ sẽ cân nhắc.

- Vừa qua đã có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều về hoạt động đấu thầu khai thác khoáng sản. Xin ông cho biết quan điểm của mình?

Việc đấu thầu khai thác khoáng sản đã được quy định trong Luật Khoáng sản 2010 và vừa qua Chính phủ đã có nghị định quy định chi tiết về vấn đề này. Trong đợt giám sát vừa qua cũng như một số hội nghị về khoáng sản và bảo vệ môi trường do đoàn giám sát tổ chức, các nhà khoa học, các nhà quản lý ở địa phương đánh giá rất cao việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, điều này sẽ tạo ra sự minh bạch và nguồn lực mới cho hoạt động kinh tế về khoáng sản.

Tôi cũng cho rằng, đấu giá quyền khai thác sẽ giúp các doanh nghiệp tự đổi mới công nghệ, phương thức quản lý để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm được nguyên liệu trước kia đã từng bỏ đi nhằm hướng tới phát triển ngành công nghiệp khai khoáng bền vững. Có thể hoàn thiện thêm quy trình đấu giá nhằm hạn chế tiêu cực.

- Từ thực tế tham gia giám sát, ông có kiến nghị gì với QH và Chính phủ liên quan đến hoạt động khoáng sản?

Đoàn giám sát sẽ đề xuất các nhóm giải pháp để chấn chỉnh việc sử dụng lãng phí, thất thoát tài nguyên, hiệu quả kinh tế kém và hủy hoại về môi trường. Những kiến nghị này sẽ được đoàn giám sát nghiên cứu và đề xuất một cách chi tiết với UBTVQH vào phiên họp tháng 8 năm nay. Lúc đó, UBTVQH có thể ban hành nghị quyết về vấn đề này và giao cho Chính phủ thực hiện các nội dung đẩy mạnh việc quản lý, khai thác khoáng sản một cách bền vững.

Anh Thư thực hiện

sggp

Các tin tức khác

>   Nhập khẩu tăng mạnh trở lại (27/05/2012)

>   Hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: cũ mà mới (26/05/2012)

>   Tập đoàn, tổng công ty đã “chống lãng phí” thế nào? (26/05/2012)

>   Số doanh nghiệp giải thể tiếp tục tăng cao (25/05/2012)

>   Doosan Vina xuất 4.000 tấn thiết bị công nghệ cao (25/05/2012)

>   Sản xuất công nghiệp cả nước 5 tháng tăng 4,2% (25/05/2012)

>   Bí bách: Doanh nhân 'lẩn' vào im lặng (25/05/2012)

>   Cán bộ, công chức mua tài sản lớn phải thanh toán qua tài khoản (25/05/2012)

>   Mỹ áp thuế phá giá với ống thép cácbon Việt Nam (25/05/2012)

>   Nhiều cảng “đói” hàng container (25/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật