Những CTCK may mắn thoát chết
Thay vì bị liệt vào dạng kiểm soát đặc biệt, nhiều CTCK vốn là điểm đen trên TTCK đã không có tên trong danh sách đen lần này của UBCK. Nguyên nhân được cho là do TTCK hồi phục mạnh mẽ nhưng cũng có không ít các ý kiến khác.
Thua lỗ vẫn thoát khỏi "danh sách đen"
Ngày 23/4, UBCK đã chính thức công bố danh sách các CTCK bị đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hay còn gọi là nhóm các CTCK yếu kém (nhóm 3) với tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế từ trên 50% vốn điều lệ.
Thông báo không cho biết đây là những CTCK đầu tiên bị kiểm soát đặc biệt hay là UBCK đã ra soát một lượt tất cả các CTCK (đã và chưa niêm yết).
Một điều hơi ngạc nhiên là danh sách những CTCK loại kiểm soát đặc biệt này quá ngắn với chỉ 6 cái tên bao gồm: Chứng khoán Cao Su, Vina, Hà Nội (HSSC), Trường Sơn (TSS), Đà Nẵng và Mê Kông và thiếu khá nhiều gương mặt thua lỗ khủng khiếp, kéo dài nhiều năm và thậm chí thiếu cả những CTCK một thời rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Khá nhiều cái tên đã trở nên quen thuộc với những kỷ lục buồn đã không có mặt trong danh sách này.
Trường hợp của CTCP Chứng khoán Tầm nhìn (HRS) và Chứng khoán VIT là những ví dụ khi hai công ty này đã có chuỗi thua lỗ 5 năm liên tiếp. Riêng HRS, lỗ tổng cộng tính từ 2007 đã lên tới 45,8 tỷ đồng và VCSH hiện chỉ còn hơn 14 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hai "người bạn" của Chứng khoán Vina là KIS và Chứng khoán Navibank đã không có trong danh sách tử thần cho dù cũng đã có 4 năm thua lỗ liên tục.
Không chỉ có thế, những cái tên từng bị bàn luận rầm rộ vì tình trạng mất thanh khoản như SME, TAS và rồi những CTCK gặp khó khăn tới mức phải rút nghiệp vụ cốt lõi là môi giới và gần như bặt vô âm tín trên TTCK như Gia Anh (Hamico), DDS... cũng không có trong danh sách.
Gần đây, một gương mặt cũng gây lo ngại trong giới đầu tư là SBS. Trong ba phiên vừa qua (kết thúc 24/4), giới đầu tư đã đồng loạt bán tháo cổ phiếu SBS sau khi CTCK này tiếp tục công bố khoản lỗ khổng lồ trong quý I/2012 sau khi đã lỗ khủng khiếp trong năm 2011.
Cụ thể, SBS cho biết trong quý I/2012 công ty này lỗ gần 660 tỷ, nâng lỗ lũy kế lên hơn 1.400 tỷ đồng - vượt cả mức vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng. Nếu xét theo VCSH thì sau đợt lỗ này SBS đã mất phần lớn số vốn riêng có của mình.
Trước đó, ông Nguyễn Hồ Nam, chủ tịch SBS cũng đã thừa nhận giữa năm 2011, SBS đi vào khủng hoảng và đối mặt với nguy cơ phá sản đến 60-70%. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho biết thêm, SBS sẽ không còn áp lực về trả lãi vay cũng như thanh khoản từ 1/4/2012.
Một số trường hợp lỗ khủng khác trong năm 2011 là VDS (-126 tỷ), HPC (-94,7 tỷ), TLS (-592 tỷ), ORS (-40,9 tỷ), AVS (-40,5 tỷ), APS (lỗ gần 92 tỷ đồng)... Mặc dù lỗ nặng trong năm qua, nhưng việc các công ty này không lọt vào danh sách đen thì cũng không có gì ngạc nhiên bởi... vẫn còn hơn đứt một số doanh nghiệp nói trên. Thậm chí nhiều cổ phiếu được săn lùng ráo riết trong vài tuần qua do nhà đầu tư kỳ vọng vào khoản hoàn nhập dự phòng lớn khi mà TTCK tăng liên tục kể từ đầu năm 2012.
Cổ phiếu tăng giá, quên chuyện thanh lọc?
Trong một đề xuất gần đây Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng quy mô TTCK nhỏ, trong khi số lượng CTCK hiện tại quá lớn, tới hơn 100 thành viên. UBCK nên xem xét cắt giảm xuống còn khoảng 25 đơn vị, để đảm bảo chất lượng và đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.
Khá nhiều chuyên gia, đến từ cả các cơ quan quản lý TTCK, cũng cho rằng số lượng CTCK cần cắt giảm mạnh, từ 30-70%.
Mặc dù chủ trương và đề xuất là vậy, nhưng nhiều khả năng việc cắt giảm số lượng không phải dễ dàng cho dù rất nhiều CTCK đã rút gọn gần như hết cỡ và nhiều công ty gần như đã không còn duy trì bất cứ hoạt động nào trên thị trường như không trụ sở, không website, không số điện thoại...
Theo lộ trình của Đề án Tái cấu trúc các CTCK được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt ngày 10/1/2012, trong năm 2012 UBCK sẽ triển khai thực hiện giai đoạn 1 của đề án theo Thông tư 226, tập trung chủ yếu vào việc xử ký các CTCK yếu kém thuộc nhóm 3 (nhóm kiểm soát đặc biệt).
Và theo UBCKNN, nếu để rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt 6 tháng liền, kèm với lỗ luỹ kế 50% vốn điều lệ, CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Tuy nhiên trước mắt, nhóm này có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục như tăng vốn điều lệ, cơ cấu lại danh mục đầu tư, các khoản vay nợ; yêu cầu soát xét về tình hình tài chính, đầu tư, công nợ; giảm chi phí hoạt động, đóng cửa một số chi nhánh, rút bớt nghiệp vụ kinh doanh; thực hiện hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể, phá sản.
Quý I/2013 UBCK sẽ báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện giai đoạn 1, và đến quý II/2013 sẽ triển khai giai đoạn 2.
Có thể thấy, sự phục hồi mạnh mẽ của TTCK kể từ đầu năm 2012 đến nay như là một liều thuốc hồi sinh cho nhiều CTCK sau một thời gian dài khó khăn. Một số CTCK đã báo cáo lãi trong quý I/2012 như BVS (lãi 10,4 tỷ), AGR (38,13 tỷ), BSI (28 tỷ), SHS (40 tỷ)...
Mặc dù vậy, những con số lãi đó chỉ là bề nổi. Nó không che giấu được một thực trạng là đa số các CTCK hiện vẫn đang làm ăn kém hiệu quả (đặc biệt CTCK nhỏ) với doanh thu đến từ dịch vụ môi giới là rất ít. Thống kê cho thấy, tốp 10 CTCK dẫn đầu thị phần môi giới chiếm khoảng 60%, số còn lại chia cho 95 CTCK khác.
Hơn thế, các khoản lỗ lũy kế khổng lồ trong các năm vừa qua đang khiến nhiều CTCK nhỏ cạn kiệt tiền mặt và đang hoạt động theo kiểm cầm chừng, giữ giấy phép là chính. Các vấn đề như làm ăn nhập nhèm, chiếm dụng tài sản của nhà đầu tư... vẫn còn tồn tại. Hiện tại, chưa có số liệu chính xác nhưng số lượng các CTCK tách biệt tiền gửi của nhà đầu tư vẫn rất ít, chỉ khoảng 20% trong tổng số.
Trong khi đó, theo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 27/2007 Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK mà UBCK đang lấy ý kiến các thành viên, các CTCK sẽ không được đầu tư BĐS; không được trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư quá 20% số cổ phiếu lưu hành của một tổ chức niêm yết hoặc 15% vốn của công ty chưa niêm yết.
Dự thảo cũng tăng điều kiện về tỷ lệ vốn góp tối thiểu của các cổ đông sáng lập. Trước đó, Thông tư 27 quy định tối thiểu 20% vốn điều lệ thực góp, còn trong dự thảo Thông tư mới quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông sáng lập phải tối thiểu 65% vốn điều lệ, trong đó các tổ chức là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức nước ngoài sở hữu tối thiểu 30% vốn điều lệ của công ty.
Về vay và cho vay, theo dự thảo, tổng nợ của CTCK không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu...
Tất cả những quy định nói trên, có thể nói, là những rào cản mới cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Thực tế cho thấy, số lượng CTCK tại Việt Nam đã quá nhiều so với bất cứ một TTCK nào. Trong khi đó, số lượng CTCK nhỏ và hoạt động kém hiệu quả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lại chiếm đại đa số. Với các định hướng khá rõ ràng hiện tại, thì tương lai của các doanh nghiệp này là rất đen tối. Sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt và việc sẽ có một loạt doanh nghiệp sẽ buộc phải dừng chân. Việc số lượng CTCK giảm mạnh xem ra chỉ là vấn đề về mặt thời gian và thái độ kiên quyết thực sự hay không của các cơ quan quản lý.
Mạnh Hà
diễn đàn kinh tế việt nam
|