Thứ Tư, 02/05/2012 16:00

Khởi kiện VMG: Phần thắng thuộc về nhóm cổ đông nhỏ

Vụ lùm xùm giữa một nhóm cổ đông CTCP Thương mại và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VMG) và ban lãnh đạo kéo dài gần 1 năm qua cuối cùng đã kết thúc bằng một phán quyết của tòa án sơ thẩm. Phần thắng thuộc về nhóm cổ đông nhỏ.

Theo đó, Toà sơ thẩm Tòa án Nhân dân Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 18/04/2012 đã ra quyết định hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lần 3 ngày 28/06/2011 của VMG để tiến hành Đại hội lại vì có nhiều vi phạm quy định của pháp luật.

Đồng thời, Tòa xử CTCP Thương mại và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VMG) chịu án phí 2 triệu đồng, và hoàn trả số tiền tạm ứng phí kinh doanh thương mại sơ thẩm 1 triệu đồng cho các nguyên đơn.

Tại phiên tòa này, Chủ tọa cho rằng, việc nguyên đơn yêu cầu ban lãnh đạo công ty hủy bỏ bản Nghị quyết số 01/2011/NQ/ĐHĐCĐ ngày 28/06/2011 của Đại hội đồng cổ đông công ty là đúng quy định bởi việc tổ chức Đại hội lần 1, 2 và 3 vào năm 2011 đều không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ Điều lệ công ty như cố tình triệu tập cổ đông không đầy đủ; giấy xác nhận tham dự Đại hội ngày 20/06/2011 của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) không hợp lệ do không ghi tổng số cổ phần sở hữu hiện tại.

Không những vậy, biên bản phiên họp Đại hội ngày 28/06/2011 không được cổ đông đồng ý thông qua, nhưng Chủ tịch Đại hội lúc đó là ông Nguyễn Quang Ninh và thư ký là ông Nguyễn Chấn Cường và bà Nguyễn Hải Hương Uyên đã tự ý sửa chữa biên bản cuộc họp và còn công bố trên website công ty vào ngày 01/07/2011.

Các vi phạm này cũng đã từng được UBCK thông báo tại Công văn số 2219/UBCK-QLPH ngày 20/7/2011. Trong đó, UBCK nhấn mạnh VMG “có dấu hiệu vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty về trình tự và thủ tục triệu tập ĐHĐCĐ. Nghị quyết ĐHĐCĐ số 01/2011/NQ-ĐHĐCĐ ngày 28/6/2011 không thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2010 và Kế hoạch kinh doanh năm 2011 có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Công ty… Vi phạm thường xuyên về công bố thông tin”.

Sở GDCK Hà Nội (HNX) ngay lập tức cũng đã quyết định đưa cổ phiếu VMG vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 26/07/2011 để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, bảo đảm tính minh bạch của thị trường, ngăn chặn việc lợi dụng biến động về giá cổ phiếu VMG.

Ngay sau khi cổ phiếu VMG bị tạm ngừng giao dịch, lãnh đạo VMG đã gửi văn bản đến UBCK và Sở HNX cho rằng rằng toàn bộ trình tự và thủ tục triệu tập ĐHĐCĐ là do các đơn vị tư vấn chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện. Trong hai lần tổ chức ĐHĐCĐ không thành là lúc VMG ký hợp đồng với CTCP Chứng khoán Bảo Minh (BMSC). Lần tổ chức thứ 3 do CTCP Chứng khoán SJC (SJCS) phụ trách. Lãnh đạo VMG khi đó từng khẳng định toàn bộ quá trình họp bầu Chủ tịch HĐQT, Trưởng BKS được thực hiện đúng trình tự và thủ tục theo quy định của pháp luật.

Cũng theo lãnh đạo VMG, các sai sót trên của VMG chỉ là vấn đề hành chính, không phải là vấn đề nghiêm trọng về quản trị hay sự thiếu minh bạch tài chính trong giao dịch. Tạm ngừng giao dịch bất ngờ đã gây hoang mang trong tâm lý nhà đầu tư, kéo dài tình trạng trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu và có thể khiến cổ phiếu VMG thêm mất giá, không đúng với giá trị thật của nó.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, cổ phiếu VMG vẫn chưa được giao dịch trở lại kể từ ngày 26/07.

Dù mạnh miệng tuyên bố mình không làm sai nhưng lãnh đạo VMG gồm ông Nguyễn Quang Ninh (cựu Chủ tịch HĐQT VMG) và đại diện ủy quyền của ông Ninh là bà Nguyễn Thị Tân Hoa là tân Chủ tịch HĐQT đã được bầu trong ĐHĐCĐ năm 2011 lần 3 với vai trò bị đơn dù đã được Tòa án triệu tập 2 lần nhưng vẫn vắng mặt không có lý do. Những người này còn không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án. Do vậy, phán quyết của phiên tòa ngày 18/04 vừa qua được ban hành trong hoàn cảnh các bị đơn đều vắng mặt.

Theo quy định, các đương sự này có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án để yêu cầu tòa án cấp trên xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Phiên họp ĐHĐCĐ lần 3 ngày 26/08/2011 của VMG có cổ đông tham dự đại diện hơn 46% cổ phần có quyền biểu. Hầu hết cổ đông biểu quyết không tán thành phần lớn các tờ trình của HĐQT như báo cáo kết quả kinh doanh 2010, kế hoạch kinh doanh 2011, tờ trình về việc trả lại căn nhà 54 Lý Thường Kiệt, TP. Vũng Tàu cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù HĐQT đã có giải trình tương đối chi tiết.

Ngay cả việc thay đổi điều lệ với việc bổ sung điều khoản: "Nếu cổ đông không gửi Phiếu lấy ý kiến về Công ty thì được xem như đồng ý với ý kiến của đa số cổ đông về các vấn đề cần lấy ý kiến" cũng bị cổ đông bác bỏ.

Nguyên do cổ đông phản kháng mạnh mẽ các tờ trình của HĐQT đến từ việc kết quả kinh doanh tồi tệ của công ty trong nhiều năm liên tục nhưng vẫn không bị phát hiện, ngay cả khi cổ phiếu VMG lên sàn (năm 2009) cũng được thông qua một các trót lọt dù trong đó vẫn còn rất nhiều điều nghi vấn. Không những vậy, cách điều hành thiếu minh bạch trong khi các thành viên HĐQT và ban điều hành liên tục thay đổi khiến cổ đông giận dữ.

Viết Vinh (Vietstock)

FINFONET

Các tin tức khác

>   BMC, KSB, KTB, NNC đều có lãi trong quý 1/2012 (02/05/2012)

>   D11: Lợi nhuận quý 1 chỉ bằng 4% so cùng kỳ năm 2011 (02/05/2012)

>   VKC: Lãi ròng quý 1/2012 chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, bằng 1/2 cùng kỳ (02/05/2012)

>   Ngày 9/5, Bianfishco sẽ hoạt động trở lại (02/05/2012)

>   KST: Quý 1 lỗ 4.6 tỷ, chi phí quản lý vượt cả doanh thu (02/05/2012)

>   GBS: Quý 1/2012 lãi sau thuế 1.4 tỷ đồng (02/05/2012)

>   KMR thông qua chỉ tiêu lãi sau thuế gấp 15 lần năm 2011 (02/05/2012)

>   HHL: Lỗ 4 tỷ đồng trong quý 1 do chi phí đầu vào tăng (02/05/2012)

>   TH1: Lãi ròng quý 1 tăng nhẹ 7% so cùng kỳ (02/05/2012)

>   HDO: Lãi ròng quý 1/2012 đạt 1.6 tỷ, giảm phân nửa cùng kỳ (02/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật