Muốn kéo cả toa, đầu tàu phải “khỏe”
Có thể ví nhân sự cấp cao như một đầu tàu, phải kéo cả đoàn tàu. Do đó, muốn chạy với tốc độ đủ nhanh, đáp ứng yêu cầu, những kỳ vọng của Ban lãnh đạo ngân hàng, thì phải có được những cán bộ quản lý, lãnh đạo giỏi. PGS.TS.Nguyễn Thị Mùi chia sẻ.
Bà nghĩ sao về việc các NHTM đang phải bỏ số tiền lớn thuê nhân sự cao cấp nước ngoài?
Khi nói tới chi phí nhân sự, không thể chỉ nhìn vào mức thù lao trả cho một số vị trí chủ chốt của ngân hàng, mà phải xét trong tổng quỹ lương mà ngân hàng đó phải chi trả. Có thể ví nhân sự cấp cao như một đầu tàu, phải kéo cả đoàn tàu. Do đó, muốn chạy với tốc độ đủ nhanh, đáp ứng yêu cầu, những kỳ vọng của Ban lãnh đạo ngân hàng, thì phải có được những cán bộ quản lý, lãnh đạo giỏi. Những người đó cần được trả mức thù lao thỏa đáng, cho dù họ là người Việt Nam hay các chuyên gia nước ngoài. Người lãnh đạo giỏi sẽ khiến cho cả bộ máy hoạt động nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn nhờ biết cách khai thác được tối đa tiềm năng và thế mạnh của cấp dưới và nhân viên. Như vậy, năng suất lao động sẽ cao hơn, lợi nhuận làm ra nhiều hơn và xét tổng thể sẽ tiết giảm chi phí.
Vậy bà có lời khuyên gì về vấn đề nhân sự đối với những ngân hàng đã, sẽ hợp nhất, sáp nhập?
Nhân sự là một trong những vấn đề lớn mà các ngân hàng khi hợp nhất, sáp nhập phải cân nhắc. Về lý thuyết, việc tiếp tục với chức vụ quản lý cấp trung, hay cao cấp, tiếp tục làm việc hay nghỉ việc của mỗi nhân viên khi sáp nhập, hợp nhất hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực làm việc của họ. Vì thế sau khi sáp nhập, sẽ có những vị trí thừa, nhưng cũng có vị trí thiếu. Các ngân hàng cần tính toán kỹ lưỡng, tạo cho người lao động có cơ hội tiếp tục làm việc hay đào tạo lại, để họ có khả năng chuyển sang vị trí mới làm việc hiệu quả hơn.
Trong quá trình sáp nhập, nhân sự cấp cao mới là bài toán khó. Có thể thấy rằng, từ cuối năm 2011 đến nay, nhân sự cấp cao của nhiều ngân hàng đã thay đổi. Những thay đổi này nhằm giúp ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất quản trị nội bộ tốt hơn; hoạt động hiệu quả hơn; cải thiện năng lực cạnh tranh… thì việc bố trí sắp xếp nhân sự cấp cao cần hướng tới lợi ích của ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất chứ không phải là cho mục đích các nhóm lợi ích mang tính cá nhân. Khi làm được việc này, việc cơ cấu lại nhân sự cấp dưới sẽ thuận.
Hệ thống ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu, trong đó nhân sự tiếp tục là bài toán nan giải. Theo bà giải pháp nào giúp các ngân hàng tái cơ cấu nguồn nhân lực hiệu quả?
Trong môi trường kinh doanh hiện nay của các ngân hàng ngày càng xuất hiện nhiều vị trí, công việc mới. Ví như, chức danh cán bộ “Quan hệ khách hàng” đang từng bước thay thế cho chức danh “Cán bộ tín dụng”. Do yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới khách hàng, ở nhiều NHTM xuất hiện thêm chức danh “nhân viên chăm sóc khách hàng”, bên cạnh chức danh truyền thống là giao dịch viên.
Nguồn nhân lực luôn là vấn đề khó khăn của mọi doanh nghiệp. Đối với các ngân hàng thì bài toán này càng trở nên nan giải hơn, bởi nhân tố chính tạo nên sự khác biệt giữa các ngân hàng; đồng thời tạo nên sự thay đổi của bản thân các ngân hàng chính là đội ngũ cán bộ, đặc biệt là các lãnh đạo cấp trung và cao. Vì thế, khi tái cấu trúc các ngân hàng cần xác định rõ từng vị trí, tính chất công việc, yêu cầu về trình độ chuyên môn của mỗi vị trí... Để tái cơ cấu nguồn nhân lực hiệu quả, theo tôi cần phải làm cho cán bộ, người lao động hiểu rõ lợi ích của tái cơ cấu ngân hàng, việc cần thiết phải sắp xếp lại, đào tạo nguồn nhân lực. Việc sắp xếp nhân lực cho đúng việc, đúng người để họ có điều kiện phát huy năng lực, sở trường và tính chuyên nghiệp trong công việc rất quan trọng. Ngoài ra, khi sắp xếp lại, các ngân hàng nên đào tạo và đào tạo lại đi đôi với việc “kèm cặp” để người lao động nhanh chóng làm quen với vị trí mới một cách chủ động sẽ giúp giảm rủi ro tác nghiệp. Các ngân hàng cũng nên thu hút trọng dụng các chuyên gia tài chính ngân hàng giỏi, có kinh nghiệm thực tiễn, có đạo đức nghề nghiệp trong nước cùng ngoài nước vào làm việc ở ngân hàng mình...
Xin cảm ơn bà!
Huyền Thanh
thời báo ngân hàng
|