Thứ Năm, 24/05/2012 10:16

Rốt ráo xử lý nợ xấu

Tăng trưởng tín dụng âm đang gây khó khăn lớn cho nền kinh tế, vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là, phải xử lý nợ xấu để kích thích dư nợ.

Dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm dần và trần lãi suất cho vay vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp cho 4 đối tượng khách hàng (sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển nông thôn và công nghiệp phụ trợ), nhưng tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm nay tại nhiều ngân hàng vẫn ở mức âm.

Nguyên nhân là do, trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh mất khả năng trả nợ cũ, nên ngân hàng không thể tiếp tục trao vốn, bởi khách hàng không còn tài sản để thế chấp. Về phía ngân hàng, dù thừa tiền, nhưng cũng không dám đẩy mạnh cho vay, sợ rủi ro nợ xấu tăng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, việc các ngân hàng được giãn nợ cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN vừa qua là điều kiện tốt cho doanh nghiệp trong việc trả nợ vay. Tuy nhiên, bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nên họ phải đảm bảo lợi nhuận trong hoạt động. Do đó, để kỳ vọng vào việc giãn nợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp là rất hạn chế. “Vấn đề quan trọng hiện nay là giải quyết được nợ xấu và làm lành mạnh khả năng tài chính để doanh nghiệp có thể vay mới”, ông Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng, tín dụng đóng băng sẽ rất khó khăn cho nền kinh tế, nên cần thiết phải xử lý nợ xấu để kích thích dư nợ.

Để có thể giải quyết được nợ xấu, theo ông Nghĩa, có thể phát hành trái phiếu chính phủ. “Với nguồn vốn hạn hẹp cùng nguồn nhân lực hạn chế, nếu chỉ dùng Công ty Mua - Bán nợ Việt Nam (DATC) để xử lý nợ, thì rất khó giải quyết nợ xấu”, ông Nghĩa cho biết.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, có thể dùng chính NHNN để xử lý các khoản nợ xấu lớn và khi có thời cơ, NHNN có thể bán lại các khoản nợ này. Theo TS. Thành, đây cũng chính là cách mà Việt Nam đã làm thành công trong năm 2001 - 2002. Trên thực tế, nợ xấu của các ngân hàng hiện chủ yếu rơi vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, với năng lực tài chính hiện nay, ngân hàng chỉ có thể xử lý được các khoản nợ nội tại và rất khó mua nợ của ngân hàng khác.

Vì vậy, để giải quyết nợ xấu là không đơn giản. Thế nhưng, theo ông Nghĩa, nếu không xử lý được nợ xấu cho các ngân hàng thương mại, bản thân ngân hàng sẽ tự biến tấu và giải quyết nợ xấu bằng cách làm lại hợp đồng mới để cho doanh nghiệp vay. Điều này còn nguy hiểm hơn so với việc NHNN mua lại nợ xấu của ngân hàng.

Theo các chuyên gia, không cần thiết phải mở rộng đối tượng áp trần lãi suất cho vay, bởi 4 đối tượng được hưởng mức trần lãi suất 15%/năm hiện nay hầu như đã bao quát hết tất cả doanh nghiệp, trừ lĩnh vực tín dụng không khuyến khích. Và thực tế, lãi suất giảm cũng chưa hẳn kích thích được tín dụng, bởi ngân hàng ngại nợ xấu gia tăng khi khả năng trả nợ của doanh nghiệp sụt giảm. Hiện đã có ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống 14%/năm cho doanh nghiệp tốt, như Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nhưng lãnh đạo Ngân hàng này cho biết, khó có thể tìm được khách hàng tốt để cho vay trong bối cảnh hiện nay.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, bên cạnh nỗ lực đưa ra các giải pháp giảm dần lãi suất cho vay của NHNN, Chính phủ cần có thêm nhiều giải pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Lịch, để có thể kích thích tăng trưởng dư nợ, khơi thông dòng vốn tín dụng, bên cạnh việc giảm lãi suất, đòi hỏi phải giải quyết được vấn đề nợ xấu. “Khi nợ xấu được giải quyết, thì tăng trưởng tín dụng mới cải thiện. Nếu không, mục tiêu tăng trưởng 17% đối với tín dụng sẽ khó khả thi”, ông Lịch nói.

Theo kế hoạch, trong tháng 5 này, NHNN sẽ xử lý xong 9 ngân hàng yếu kém nằm trong diện kiểm soát đặc biệt bằng hình thức sáp nhập, hợp nhất… sau đó sẽ tiến hành xử lý nợ xấu. Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, dư nợ tín dụng sẽ được cải thiện khi nợ xấu được giải quyết, vì nợ xấu đang cản tín dụng tăng trưởng. Tỷ lệ nợ xấu, cũng như nợ nhóm 2 của các ngân hàng thương mại đã tăng mạnh tính đến cuối năm 2011 ở mức 3,3% tổng dư nợ, cao hơn so với mức 2,14% vào cuối năm 2010 là điều đáng quan tâm.

Thùy Vinh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Lỗ hổng chứng thư bảo lãnh ngân hàng (24/05/2012)

>   DN "có cửa" vay với lãi suất 0%/năm (24/05/2012)

>   Ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp suy kiệt vốn (24/05/2012)

>   IFC tài trợ khoản vay 5 triệu USD cho khách hàng nữ (24/05/2012)

>   Hình thành trung tâm chuyển mạch thẻ quốc gia vào cuối năm (23/05/2012)

>   Bỏ trần lãi suất phải cho phá sản ngân hàng yếu (23/05/2012)

>   Ngân hàng săn đón khách hàng cá nhân (23/05/2012)

>   Quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo khi tái cơ cấu (23/05/2012)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Xem xét lại lãi suất cơ bản (23/05/2012)

>   Tuần từ 14-18/05: Doanh số giao dịch bằng USD tăng mạnh (23/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật