Ngân hàng cố ý chậm giảm lãi suất cho vay?
Theo các doanh nghiệp, lãi suất vay trên hợp đồng cũ thì chưa đến hạn điều chỉnh, còn lãi suất vay mới thì đã có giảm, nhưng họ không có nhu cầu vay. Trong khi đó, lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân vẫn ở mức cao.
Ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc công ty Thép Việt, cho biết lãi suất cho vay đã hạ xuống. Một số đại lý đã vay được ở 17 – 18%/năm, mức lãi suất phổ biến dành cho những doanh nghiệp nhỏ, trong khi cách đây hai tuần họ phải vay với lãi suất 19 – 20%/năm.
Còn doanh nghiệp lớn đã được hưởng lãi suất 15%/năm, chẳng hạn như Thép Việt mới tất toán toàn bộ khoản nợ trước đang ở mức lãi suất 18 – 19%/năm, để được vay mới với lãi suất 15%/năm.
Chưa giảm lãi nợ cũ, chẳng ai vay nợ mới
Ông Diệp Thành Kiệt, giám đốc công ty cổ phần may thêu giày dép WEC Sài Gòn cho biết, những khoản nợ cũ trên hợp đồng ở mức 18 – 19%/năm thì chưa đến hạn điều chỉnh, còn mức lãi suất mới 15 – 16% năm, những doanh nghiệp cùng ngành nghề xung quanh ông chưa thấy ai vay. “Những khoản vay mới lãi suất 15% đến nay chưa có tác dụng đến doanh nghiệp, bởi họ không có nhu cầu vay khi mà không có đơn hàng, không có việc làm cho công nhân”, ông nói. Còn thời hạn điều chỉnh lãi suất trên hợp đồng các doanh nghiệp thông thường là ba tháng, dự kiến đến tháng 6 tới mới đến kỳ điều chỉnh.
Còn việc giãn nợ, theo ông Đỗ Duy Thái là không dễ, bởi các ngân hàng chủ yếu xem xét dòng tiền thực tế để quyết định cho từng khách hàng. Theo giám đốc phòng giao dịch một ngân hàng TMCP quy mô vừa, điều kiện cho các khoản vay mới ngày càng khắt khe hơn. Cụ thể, để vay mới bổ sung vốn lưu động với lãi suất 17%, doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất này sẽ cố định trong suốt thời gian vay (không quá sáu tháng), và không được trả trước hạn. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên vay với lãi suất tối đa 15%/năm, thì sẽ phải chịu thêm phí 1 – 2%.
Chị Hương Nhu, ngụ tại quận 7 muốn vay sửa nhà, được nhân viên tín dụng báo lãi suất vay cá nhân dao động trong khoảng 18,5 – 19%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cho vay được một số ngân hàng lớn áp dụng. Nhân viên tín dụng giải thích lãi suất khó có thể hạ hơn, bởi thực tế ngân hàng huy động tiền gửi với mức lãi suất cao hơn 1 – 2% so với mức trần huy động 12%/năm, buộc họ phải cho vay ra với giá cao hơn.
Bên cạnh đó, đa số hợp đồng cũ người vay cá nhân đều chịu cộng thêm một biên độ dao động trong 6 – 7%. Theo đó, trong hợp đồng tín dụng, lãi suất vay của khách hàng thường được tính theo trần lãi suất huy động là 12%, cộng với biên độ 6 – 7%, tổng cộng 18 – 19%/năm. Vì vậy, cho dù đến kỳ điều chỉnh, khách hàng vẫn phải chịu một mức lãi suất cao theo thoả thuận trong hợp đồng. Theo một số chuyên gia, biên độ 6 – 7% là quá cao, bởi chỉ cần biên độ 3,5 – 4%, ngân hàng đã có thể có lời.
“Độ trễ” bất hợp lý
Quý 1 vừa qua, trừ những ngân hàng đang trong tình trạng yếu kém, đa số ngân hàng đều lãi lớn, nguồn thu từ lãi (tín dụng) đóng góp và tăng trưởng mạnh. Theo đó, dù các tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm, nhưng các ngân hàng vẫn thu lãi đều đặn từ những hợp đồng cũ.
Các ngân hàng đều cho rằng, khi điều chỉnh lãi suất tiền gửi, cần một thời gian từ 3 – 6 tháng để trung hoà dòng tiền gửi lãi suất cao trước đó rồi mới có thể tiến hành giảm lãi suất cho vay.
Đúng là cần một khoảng thời gian để họ trung hoà dòng tiền, nhưng liệu 3 – 6 tháng có là quá dài? Bởi, cơ cấu tiền gửi của các ngân hàng trong năm qua phần lớn là trong thời hạn rất ngắn.
Chẳng hạn, trong cơ cấu tiền gửi huy động 2011 của một ngân hàng lớn, tiền gửi trong một tháng chiếm 67,5%, từ 1 – 3 tháng chiếm 20,7%, từ 3 – 6 tháng là 5,8%, 6 – 12 tháng là gần 2,2%, 1 – 5 năm là 5,9%.
Như vậy, tiền gửi đáo hạn trong ba tháng đã chiếm đến 88,2%, trong khi người vay phải chờ khoảng thời gian dài hơn là bất hợp lý.
Vĩnh Bình
sài gòn tiếp thị
|