Lừa cả… cò nhà đất
Một băng nhóm dùng thủ đoạn rất tinh vi để bẫy các cò nhà đất. Chỉ riêng ở Cần Thơ đã có 5 nạn nhân bị lừa gần 2 tỉ đồng
|
Nguyễn Quang Truyền (trái) và Lê Văn Thanh |
Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 trong 6 đối tượng chuyên lừa đảo các cò nhà đất, gồm: Tăng Hữu Tường (SN 1982), Đặng Văn Út Bé (SN 1983), Nguyễn Văn Hưng (SN 1972), cùng ngụ tại TP Cần Thơ; Lê Văn Thanh (SN 1980), ngụ huyện Phụng Hiệp - Hậu Giang và Phạm Thị Út Hà (SN 1978), ngụ huyện Hòa Bình - Bạc Liêu. Người còn lại đang bị truy nã là Nguyễn Quang Truyền (SN 1965, anh vợ của Thanh), ngụ huyện Châu Thành - Hậu Giang.
Kết luận ban đầu của cơ quan điều tra cho biết để lừa đảo trót lọt, Nguyễn Quang Truyền đã “đạo diễn” cho đồng bọn thực hiện một kịch bản rất công phu. Theo đó, Tăng Hữu Tường và Lê Văn Thanh tìm cách liên lạc với cò tại các dịch vụ môi giới nhà đất, bảo mình có mối “sộp” muốn mua bất động sản. Khi cò nhận lời, dẫn đi xem nhà đất, Thanh và Tường đều tìm cách chê bai rằng không thích hợp.
Theo kịch bản đã được vạch trước, Tường, Thanh dẫn cò đến một quán cà phê đã hẹn sẵn với Đặng Văn Út Bé (cũng từng là cò nhà đất). Tại đây, Bé giả vờ lần đầu mới gặp Tường và Thanh, làm quen rồi hỏi cần gì. Tường, Thanh cho biết đang tìm mua nhà đất cho vợ bé của một “đại gia” ở TPHCM, Bé nhận lời giúp đỡ.
Tiếp đó, Bé dẫn Thanh, Tường và cò đến gặp “chủ đất” là Nguyễn Văn Hưng để bàn tính chuyện giao dịch. Sau khi xem qua vị trí nhà đất mà Hưng chỉ, Thanh và Tường gật đầu đồng ý rồi thỏa thuận giá cả. Để tạo lòng tin cho nạn nhân (cò), Tường gọi điện thoại và mở loa để “đại gia” Truyền nói chuyện với “chủ đất”.
Vài hôm sau, Truyền (có khi là Phạm Thị Út Hà, “vợ bé” của “đại gia”) ăn mặc lịch sự, đi xe hơi đắt tiền đến gặp các bên để bàn chuyện sang nhượng nhà đất. Lúc này, Tường, Thanh và Bé sắp đặt cho “chủ đất” vắng mặt để mọi người tự giải quyết. Sau đó, “đại gia” viện lý do công việc quá bận rộn, không thể chờ Hưng về nên đưa 100 triệu đồng cho Tường ở lại làm thủ tục đặt cọc với “chủ đất”.
|
Tăng Hữu Tường (trái) và Đặng Văn Út Bé |
Hôm sau, Tường, Thanh và cò nhà đất đến gặp Hưng để làm thủ tục đặt cọc. Hưng tiếp tục “diễn” rằng sổ đỏ đang cầm ở ngân hàng với giá trên 100 triệu đồng nên yêu cầu người mua phải đặt cọc cao hơn để lấy giấy tờ ra. Lúc này, Tường lại gọi điện thoại cho “đại gia” thông báo vụ việc. Truyền bảo rằng đang “đi công tác xa” hoặc viện lý do là ngày cuối tuần, không thể ra ngân hàng chuyển thêm tiền.
Nhằm tạo lòng tin cho nạn nhân, Tường lại mở loa điện thoại để “đại gia” phân trần: “Bà vợ lớn của anh quậy quá, chú mày (Tường) phải tìm cách đặt cọc giùm anh để bà vợ bé về dưới lánh nạn càng sớm càng tốt”. Lúc này, Tường bàn với cò rằng Truyền là người giàu có ở TPHCM, thuyết phục cùng nhau nâng giá nhà đất lên để chia chênh lệch. Khi cò nhận lời, Tường bảo nạn nhân hùn thêm phần cọc còn lại để làm giấy tay với “chủ đất”. Khi giao dịch xong, Hưng có trách nhiệm chi lại phần chênh lệch này cho cò. Thấy có lợi, cò liền về nhà vét tiền hoặc cầm cố tài sản để hùn vào.
Thế nhưng, khi đặt cọc xong, băng nhóm của Truyền chia nhau số tiền lừa đảo và tắt máy điện thoại hoặc gần đến ngày hết hạn đặt cọc nêu trong giấy tay sẽ gọi cho cò thông báo rằng vị trí nhà đất nằm trong quy hoạch nên “đại gia” không chịu mua. Lúc này, cò mới vỡ lẽ mình bị lừa...
Thủ đoạn rất tinh vi
Một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cho biết: “Qua quá trình điều tra theo đơn tố cáo của các bị hại, chúng tôi nhận thấy thủ đoạn của băng nhóm này rất tinh vi. Nếu chỉ một người tố cáo thì chúng tôi không thể áp dụng biện pháp hình sự được vì đó thuộc về tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, chỉ tính riêng địa bàn TP Cần Thơ thì băng nhóm này đã lừa đảo được 5 người với số tiền gần 2 tỉ đồng”. |
Phạm Công
người lao động
|