Giải “bài toán” nhà tái định cư ở Hà Nội và TPHCM
|
Người dân Hà Nội sẽ được lựa chọn căn hộ tái định cư phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình - Ảnh: baodatviet.vn |
Tại cả hai thành phố đã xuất hiện các mô hình nhà tái định cư bước đầu được cho là “lời giải” cho “bài toán khó” về nhà tái định cư cho người dân sau khi triển khai các dự án có thu hồi đất.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, thành phố cần khoảng 50.000 căn hộ và 10.000 lô đất tái định cư. Tuy nhiên, do không phải lo khâu tiêu thụ nên nhiều chủ đầu tư đã bỏ qua chất lượng xây lắp; việc bảo trì, bảo hành không được quan tâm, dẫn đến tình trạng nhà mới xây đã xuống cấp mà người dân không biết kêu ai và quản lý dịch vụ sau bàn giao thường tùy tiện.
Người dân được quyền chọn nhà phù hợp
Vì vậy, điểm mới nhất trong phát triển nhà tái định cư của Hà Nội là thực hiện phương châm người dân được quyền chọn nhà phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.
Cụ thể, nếu trước đây các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng một dự án cùng được đưa vào một tòa nhà tái định cư được ấn định thì nay họ được chọn một trong hàng vạn căn hộ thuộc 9 khu đô thị tái định cư quy mô lớn. Thậm chí nếu không muốn ở trong các khu đô thị tái định cư, người dân hoàn toàn có quyền từ chối quyền mua nhà tái định cư và chọn một căn nhà khác theo ý mình.
Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội, khẳng định, đến nay đã có 7/9 dự án xây dựng khu đô thị tái định cư được giao cho các chủ đầu tư và Sở Xây dựng đang khẩn trương báo cáo thành phố tiếp tục giao nốt 2 dự án còn lại để nhà đầu tư triển khai.
Việc quản lý vận hành các khu nhà tái định cư sẽ được giao trực tiếp cho doanh nghiệp chủ đầu tư dự án, gắn trách nhiệm chủ đầu tư trong cả xây lắp và vận hành. Theo kế hoạch, giai đoạn 2013-2015, Hà Nội sẽ có những căn hộ đầu tiên từ các khu đô thị này phục vụ người dân tái định cư.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang xúc tiến sửa đổi Quyết định 108 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo hướng nâng giá trị đền bù theo sát giá thị trường.
Mua lại căn hộ thương mại và đổi đất lấy nhà
Với gần 500 dự án chỉnh trang đô thị, TP Hồ Chí Minh dự kiến khoảng 83.000 hộ dân có nhu cầu tái định cư từ nay đến năm 2015.
Chỉ riêng dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, đã có hơn 10.000 hộ dân tại 5 phường gồm An Khánh, Bình Khánh, Bình An, Thủ Thiêm và An Lợi Đông phải di dời. Hiện chương trình xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư cho khu đô thị này đang được thực hiện, với mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2013.
Bên cạnh đó, từ giữa tháng 2/2012, chính quyền thành phố có chủ trương mua lại các căn hộ thương mại có diện tích từ 40 - 70m2/căn để bổ sung vào quỹ nhà tái định cư giữa lúc các dự án bất động sản đang bế tắc đầu ra.
Những người ủng hộ chủ trương nói trên cho rằng nếu thực hiện được điều này thì sẽ giúp bổ sung quỹ nhà tái định cư cho thành phố mà không phải mất nhiều thời gian xây dựng. Bởi để chuẩn bị một dự án tái định cư ít nhất phải mất vài năm.
Cùng thời điểm trên, TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng thực hiện chương trình xây dựng 11.000 căn hộ phục vụ tái định cư trên địa bàn khu Nam thành phố theo phương thức thực hiện kêu gọi đầu tư. Cụ thể, các công ty sẽ ứng vốn làm trước, sau đó bán lại phần quỹ nhà tái định cư cho các quận, huyện. Theo kế hoạch này thì sẽ có khoảng 30ha đất được dành để phát triển các khu tái định cư tại hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh.
Nói cách khác, phương thức phát triển căn hộ tái định cư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thông qua việc phối hợp với các công ty bất động sản là hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Chẳng hạn Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc - liên doanh giữa các công ty Tiến Phước, Trần Thái và Flemmington Investments Pte thuộc tập đoàn phát triển bất động sản Keppel Land (Singapore) - đang thực hiện dự án 1.844 căn hộ tái định cư tại khu đất 17,3ha tại phường An Phú - Bình Khánh, quận 2. Sau hơn 2 năm xây dựng, liên doanh này đã bàn giao cho thành phố hơn 1.100 căn hộ, 712 căn còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Đổi lại, liên doanh này được giao một khu đất đất rộng khoảng 30ha cũng tại phường An Phú để phát triển khu phức hợp căn hộ - trung tâm thương mại.
Tương tự, Công ty cổ phần Đức Khải cũng dự kiến bàn giao 470 căn hộ tái định cư thuộc dự án Era Town (quận 7) cho chính quyền thành phố vào cuối tháng 6 tới. Đây là dự án có quy mô khá lớn với hơn 3.000 căn hộ, tổng vốn đầu tư gần 4.680 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Đức Khải cũng đang làm một số dự án theo phương thức tương tự ở các quận khác của TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, phương thức đổi đất lấy căn hộ khá khả thi vì cả chính quyền và doanh nghiệp đều có lợi. Thành phố duyệt quy hoạch dự án, tính toán giá trị; còn doanh nghiệp bỏ tiền ra xây dựng dự án sau đó trả lại sản phẩm với giá trị tương đương cho thành phố. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tiết kiệm được thời gian và chi phí giải phóng mặt bằng.
Vũ Trọng
Chính phủ
|