Lừa đảo bất động sản: Hành vi từ sự thiếu minh bạch
Hàng rào vô hình về thủ tục được dựng lên đã khiến các nhà đầu tư thứ cấp và người tiêu dùng không thể trực tiếp tiếp xúc chủ dự án là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ lừa đảo bất động sản (BĐS) trị giá hàng trăm tỷ đồng.
“Đàn vịt giời” trị giá 42 tỷ đồng
Trước sự thèm muốn kiếm chênh lệch của các nhà đầu tư thứ cấp trong cơn sốt đất của năm 2010, Đặng Thị Kim Dung, mặc dù xuất thân là cán bộ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, lĩnh vực không liên quan đến BĐS, nhưng trước cơn sốt “sâu và rộng” như vậy, cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Để có thể kiếm được tiền từ cơn sốt BĐS, nhất định phải có tài sản để bán và phải tìm được người mua, vì thế, dù vốn liếng hoàn toàn không có gì ngoài bản Hợp đồng góp vốn số 112 ngày 3/6/2000 của Công ty cổ phần TASCO ký bán cho ông Vũ Quang Lâm (Bắc Linh Đàm, Hà Nội) 19 lô đất khu liền kề 22 thuộc Dự án Vân Canh và 1 phiếu thu số tiền 14 tỷ đồng của TASCO đối với ông Lâm. Vì người góp vốn không phải là Dung, người bán không phải là cơ quan của Dung, nên cách kiếm tiền duy nhất từ người tiêu dùng, không thể ngoài vai trò “môi giới cho các nhà đầu tư thứ cấp”.
Do không có quan hệ nào, nên Dung đã “chế tạo” lại văn bản trên từ bản photocopy trở thành bản chính (dấu đỏ) và việc “chế tạo” như tính toán, thật ra rất đơn giản. Dung thuê người chụp con dấu, chữ ký của cả hai bên bán và mua, sau đó sử dụng máy scan quét bản hợp đồng và sử dụng công nghệ máy tính chèn con dấu, chữ ký vào thành văn bản chính thức, sau khi sử dụng máy photocopy màu, văn bản chính thức có dấu đỏ, cuối cùng, Dung đã có trong tay văn bản gốc.
Có được trong tay bảo bối kiếm tiền đó, Dung đương nhiên trở thành “nhà đầu tư thứ cấp” và có thể đem bán thứ... không phải của mình.
Dung đem “mảnh đất trên giấy tờ” đó bán 2 lô cho 2 nạn nhân với số tiền 3,1 tỷ đồng và 10 lô trị giá 34 tỷ đồng cho một nạn nhân khác. Vậy là, với một bản hợp đồng giả, chỉ trong một thời gian ngắn, Dung đã kiếm được số tiền lên đến gần 40 tỷ đồng.
Trăm câu hỏi vì sao và…
Vậy thì, tại sao người mua lại có thể mắc lừa đơn giản như vậy, mặc dù họ biết chắc chắn rằng, Dung không phải là ông Lâm và trong các thương vụ, hoàn toàn không có bóng dáng của nhà đầu tư là Công ty TASCO. Hơn thế, chẳng một ai biết TASCO đã là chủ dự án chính thức của Dự án Vân Canh hay chưa, nếu là nhà đầu tư thứ cấp, thì liệu trên TASCO còn bao nhiêu nhà đầu tư nữa mới tới được chủ dự án chính thức?
Trong vụ lừa đảo cụ thể này, trước tiên, cần phải nói tới thủ đoạn tinh vi của Dung trong việc “chế tạo” các văn bản để tiến hành lừa đảo.
Người mua được tiếp xúc với các văn bản sau: Danh sách các cổ đông góp vốn và chứng nhận quyền sở hữu đất đai tại Dự án Vân Canh; Bản thông báo của Công ty TASCO về việc nộp tiền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các lô tại Dự án Vân Canh; Bản hợp đồng góp vốn số 112 mang tên Công ty TASCO ký hợp đồng với khách hàng (chưa ghi tên người góp vốn và chưa đóng dấu, ký tên; Bản photocopy Hợp đồng góp vốn của Công ty TASCO. Không những thế, người mua sẽ tuyệt đối tin tưởng về nhà đầu tư thứ cấp đã đóng tiền mua 19 lô đất tại khu 22 do họ tận mắt nhìn thấy phiếu thu đề ngày 2/7/2010 của Công ty TASCO đối với ông Lâm.
Quan trọng hơn, tất cả những giấy tờ cần thiết đều là bản chính (do Dung chế tạo dấu đỏ cho các văn bản).
Lý do thứ hai để tất cả các nạn nhân đều tin tưởng vào Dự án là, về bản chất, đây là dự án có thật và đúng là đang được triển khai xây dựng ngay kề bên Quốc lộ 32.
Lý do thứ ba, đó là những món tiền lớn thu được khi mua đi, bán lại các lô đất có nguồn gốc từ “nhà đầu tư” mang tên Đặng Thị Kim Dung. Theo cáo trạng của vụ án, đường đi của giá đất đã biến thiên theo chiều thẳng đứng từ người đầu tiên đến người bỏ tiền ra mua. Cụ thể, từ Dung tới người môi giới thứ nhất, giá của 1 m2 đất đã từ 22 triệu đồng tăng lên 27 triệu đồng/m2, sau đó qua người môi giới thứ hai là nhân viên của phòng giao dịch BĐS và một số chân rết khác, giá đất đã lên thành 43 triệu đồng/m2. Với số lợi nhuận kiếm được như vậy, ngoài những thủ đoạn tinh vi của Dung như đã nói ở trên, thì có lẽ việc tiến hành kiểm tra tính pháp lý của giấy tờ đã trở thành thừa.
… chỉ có một câu trả lời!
Tất cả những trò lừa đảo kể trên của Dung sẽ trở nên hoàn toàn vô tác dụng, nếu người mua tiếp cận được với chủ đầu tư. Theo một luật sư tham gia tranh tụng tại phiên xử vụ lừa đảo của Dung, tất cả các chứng cứ, bị cáo, hành vi, giấy tờ, thủ đoạn và Tòa xét xử là hoàn toàn chính xác, đúng người, đúng tội.
“Tuy nhiên, có một nguyên nhân nhưng không thể đem ra tuyên tại Tòa, đó là sự thiếu công khai minh bạch trong việc triển khai các dự án bđs”, vị luật sư này nói.
Nếu như, tại website của đơn vị nào đó, có thể là của Bộ Xây dựng, có thể là của Hiệp hội BĐS... có yêu cầu bắt buộc chủ dự án phải công khai các yếu tố của dự án mà họ được giao (vị trí, nguồn vốn…). Sau đó, chủ dự án lại yêu cầu các nhà đầu tư thứ cấp công khai tương tự phần mà họ đã đầu tư, thì chắc chắn rằng, Dung có tinh vi đến đâu, cũng chỉ có thể lừa được người mù chữ mà thôi.
Nếu được áp dụng, thì yếu tố công khai minh bạch, có thể ngăn chặn phần lớn các vụ lừa đảo diễn ra dồn dập gần đây, nhưng có hai lý do khiến không thể công khai minh bạch.
Một là, hiện chưa có văn bản nào quy định trách nhiệm của các bên tham gia dự án như đã nêu trên; hai là, với đường biến thiên của giá đất như đã thể hiện trong vụ này (giả thiết là vụ mua bán hợp pháp) thì sau một loạt động tác của tầng lớp môi giới, người góp vốn đầu tiên (nhà đầu tư thứ cấp) làm sao có thể kiếm được một món siêu lợi nhuận như vậy?
Nếu không công khai, minh bạch các dự án BĐS, chắc chắn, các vụ lừa đảo tương tự trong lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục diễn ra.
Huyền Thi
Đầu tư
|