Lãnh đạo châu Âu gấp rút chặn đứng khủng hoảng nợ Hy Lạp
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng trấn an giới đầu tư rằng họ đang tìm cách giữ Hy Lạp ở lại Eurozone nhằm chặn đứng các thiệt hại từ việc thoái lui đối với các quốc gia khó khăn khác.
* ECB ngừng cho vay với một số ngân hàng Hy Lạp
* Thế giới lo ngại nguy cơ Hy Lạp rút khỏi Eurozone
* Eurozone sắp chia tay Hy Lạp?
Nhận định khích lệ từ ECB và Đức...
Thông tin khích lệ đầu tiên đến từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi ECB khẳng định trên CNNMoney trong ngày thứ Tư rằng sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng Hy Lạp.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bày tỏ ủng hộ khi cho rằng: “Châu Âu vẫn phải thể hiện sự đoàn kết và giúp đỡ, đặc biệt là trong lĩnh vực tăng trưởng, thất nghiệp và phát triển”.
Những nhận định trên đã giúp xoa dịu nguy cơ khủng hoảng nợ lây lan khắp các thị trường châu Âu dù chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, mối nghi ngờ về khả năng thanh toán nợ nần và ở lại Eurozone của Hy Lạp vẫn còn rất cao.
Hôm 15/05, người dân Hy Lạp đã rút 800 tỷ EUR khỏi các ngân hàng nước này. Do đó, nguy cơ xảy ra sự hoảng loạn trong hệ thống ngân hàng đã gia tăng lo ngại về sự vỡ nợ của Hy Lạp và tâm lý lo sợ đã lan sang các thị trường trái phiếu Ý cũng như Tây Ban Nha. |
Ông Carl Weinberg, chuyên gia kinh tế trưởng của High Frequency Economics cho biết trong một báo cáo công bố hôm 16/05 rằng: “Với nhiều bất ổn xung quanh khả năng của Hy Lạp trong việc tuân thủ các điều khoản của hạn mức tín dụng mới nhất, các Chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể không đồng ý cấp thêm tiền cho nước này”. Ông cho biết thêm: “Chúng tôi vẫn còn lo lắng về nguy cơ vỡ nợ một phần vào bất cứ lúc nào mà không hề có lời cảnh báo trước”.
...nhưng việc hỗ trợ là có giới hạn
Tuy vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng lưu ý rằng việc hỗ trợ sẽ có giới hạn.
Mario Draghi, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liên tục khẳng định rằng ECB không giống như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ECB không thể đóng vai trò như “người cho vay cuối cùng” để cứu Hy Lạp hoặc bất kỳ quốc gia nào khác thoát khỏi thảm cảnh vỡ nợ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cảnh báo rằng việc áp dụng các biện pháp khắc nghiệt là không thể tránh được dù điều này có thể khiến người dân Hy Lạp phải vật lộn với “miếng cơm manh áo”. Bà nói: “Điều này thật cay đắng, rõ ràng là cần phải có sự hy sinh. Cần phải áp dụng các biện pháp cần thiết”.
Được biết, để đổi lấy gói giải cứu thứ hai, Hy Lạp phải chấp nhận áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm cắt giảm mạnh chi tiêu Chính phủ. Các cử tri Hy Lạp cũng đã phản đối các biện pháp khắc khổ này trong cuộc bầu cử hôm 06/05, khiến liên minh cầm quyền – vốn đã đồng ý với các điều khoản của gói giải cứu – không có đủ số phiếu cần thiết để thành lập Chính phủ mới.
Với việc nước này sẽ tổ chức bầu cử lần nữa vào ngày 17/06, lực lượng chống đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu có thể tiếp tục giành được số phiếu cao hơn dù khả năng thành lập liên minh cầm quyền của các đảng này vẫn còn chưa chắc chắn. Dù vậy, nỗi lo sợ lúc này là nếu đảng cầm quyền thuộc về phía phản đối các biện pháp khắc khổ thì có thể Hy Lạp sẽ không nhận được tiền giải cứu, hệ quả tất yếu là nước này sẽ vỡ nợ và rút khỏi Eurozone.
Trong khi đó, việc các nhà lãnh đạo châu Âu đồng ý giúp đỡ Hy Lạp mà không yêu cầu các biện pháp khắc nghiệt dường như là điều không thể vì các quốc gia khó khăn khác trong khu vực cũng sẽ có đòi hỏi tương tự.
Chi phí vay mượn của Hy Lạp đã giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở các mức cao kỷ lục với lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này dao động chỉ dưới mức 29%. Chi phí vay mượn của Ý và Tây Ban Nha cũng đang đứng ở mức cao với lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha đang đứng gần mức 6% và được xem là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên về việc nước này phải cần một gói giải cứu. Dù Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy bày tỏ sự ủng hộ đối với Hy Lạp nhưng ông cũng cho rằng: “Tất cả chúng tôi sẽ phải tuân thủ đúng theo các cam kết của mình”.
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|