Eurozone sắp chia tay Hy Lạp?
Ngày 16-5, các thị trường chứng khoán đồng loạt giảm điểm, đồng EUR xuống mức thấp nhất so với USD trong vòng 4 tháng qua sau khi có thông tin Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ phải rời eurozone và phải khẩn cấp tiến hành một cuộc bầu cử mới. Trong khi đó, kết quả cuộc gặp gỡ giữa Đức và Pháp vẫn không quyết định chọn tăng trưởng hay tiếp tục thắt lưng buộc bụng để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Người Hy Lạp đổ xô rút tiền
Do lo ngại đất nước vỡ nợ, ngày 16-5, người dân Hy Lạp tiếp tục đổ xô rút tiền khỏi các ngân hàng. Hãng tin Reuters dẫn lời của Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias cho biết chỉ trong ngày 14-5, người dân Hy Lạp đã rút 700 triệu EUR (gần 900 triệu USD) khỏi các ngân hàng địa phương. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos cho biết do lo ngại khủng hoảng kinh tế, 2 năm trở lại đây, người dân Hy Lạp đã gửi ít nhất 16 tỷ EUR (21 tỷ USD) vào các ngân hàng nước ngoài. Tổng thống Papoulias nhấn mạnh, hiện các ngân hàng của Hy Lạp đang rất yếu trong khi Hy Lạp đối mặt với khoản nợ 450 triệu EUR không thanh toán được trong ngày 15-5.
|
Người dân Hy Lạp xếp hàng chờ rút tiền từ các thùng ATM ở thủ đô Athens. |
Theo giới quan sát, để chuẩn bị cho tình huống tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng của Hy Lạp đột ngột bị chuyển sang đồng nội tệ drachma, chỉ qua một đêm, người gửi tiền ở các nước ngoài Hy Lạp cũng sẽ nhanh chóng rút tiền và chuyển sang nơi nào đó an toàn hơn, ví dụ như ở Đức.
Để chống lại tình trạng rút tiền ồ ạt từ các ngân hàng sau khi vỡ nợ, Hy Lạp sẽ phải đóng băng các tài khoản ngân hàng và thực thi các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn công dân nước này chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Tư vấn kinh tế và tài chính Fathom Consulting (Anh), người dân Hy Lạp nhiều khả năng sẽ kết luận rằng “nhét tiền dưới tấm đệm” an toàn hơn là gửi tiền ở ngân hàng, dẫn đến nhiều ngân hàng cạn tiền. Khả năng thanh khoản của ngân hàng Hy Lạp hiện hoàn toàn phụ thuộc vào ECB, do đó các ngân hàng này sẽ cạn kiệt tiền ngay sau khi nguồn tiền này bị ngừng lại. Hy Lạp sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thành lập các ngân hàng mới với sự can dự đáng kể của chính phủ.
Đức, Pháp quyết tâm duy trì eurozone
Tại cuộc hội đàm đầu tiên với Thủ tướng Đức Angela Merkel trên cương vị Tổng thống Pháp ngày 15-5, Tổng thống Francois Hollande cam kết đưa châu Âu trở lại quỹ đạo tăng trưởng và xem xét lại hiệp ước tài chính khắc nghiệt mà bà Merkel và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua hồi đầu năm nay.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, ông Hollande cho rằng châu Âu nên cân nhắc mọi giải pháp tiềm tàng có thể kích thích hoạt động kinh tế và tăng trưởng. Hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nền kinh tế đầu tàu của eurozone cũng đã thừa nhận những bất đồng về cách thức thúc đẩy tăng trưởng tại châu Âu, song hai bên cam kết hợp tác thực thi một cách tiếp cận chung để đạt được mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của khu vực. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định mong muốn duy trì eurozone và mong muốn Hy Lạp tiếp tục là thành viên của eurozone. Trước đó, trả lời phỏng vấn báo France24, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Legarde đã để ngỏ khả năng Hy Lạp phải rời khỏi eurozone khi cho rằng “Hy Lạp hoàn toàn có thể rời khỏi eurozone một cách có trật tự”. Thực tế, Pháp có thể mất 80 tỷ EUR nếu Hy Lạp ra đi.
Theo AFP, cuộc gặp của lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu được theo dõi sát sao vì trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống vừa qua, ông Hollande từng kịch liệt chỉ trích Thủ tướng Đức về chính sách “thắt lưng buộc bụng” hà khắc tại các nước sử dụng đồng EUR đang ngập sâu trong nợ nần. Mặc dù các nhà lãnh đạo eurozone cho biết đã chuẩn bị những kế hoạch chu đáo để ứng phó với sự ra đi của Hy Lạp nhưng họ vẫn không thể đảm bảo chắc chắn liệu các nước còn lại trong khối có thể sống sót sau sự kiện này.
Hạnh Chi
sài gòn giải phóng
|