Khi tài sản bảo đảm chạy… vô tư trên đường
Ẩn sau vẻ bề ngoài hào nhoáng của những chiếc xe mới toanh là vô số rủi ro đang rình rập các ngân hàng, khi mà tài sản đảm bảo chạy… ngoài đường.
Thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng mở rộng các sản phẩm tín dụng cho khách hàng cá nhân, trong đó có sản phẩm cho vay mua xe ô tô. Đa phần tài sản bảo đảm cho những khoản vay này chính là chiếc xe ô tô hình thành từ vốn vay. Ẩn sau vẻ bề ngoài hào nhoáng của những chiếc xe mới toanh là vô số rủi ro đang rình rập các ngân hàng, khi mà tài sản đảm bảo chạy… ngoài đường.
Trông chờ bảo hiểm, ngân hàng mất cả vốn lẫn lời
Khi một chiếc xe ô tô tham gia lưu thông, rủi ro tai nạn luôn rình rập và để quản lý được rủi ro khách quan đối với tài sản bảo đảm là phương tiện này, ngân hàng thường chỉ chấp nhận cho vay đến 60% giá trị chiếc xe và yêu cầu khách hàng phải mua đủ bảo hiểm vật chất cho xe, cùng với việc đăng ký ngân hàng là người thụ hưởng tiền bồi thường bảo hiểm.
Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra tại nhiều ngân hàng cho thấy, khi rủi ro xảy ra, tài sản bảo đảm gặp tai nạn bị suy giảm hoặc hoàn toàn mất giá trị, khách hàng không trả được nợ, ngân hàng trông chờ vào cơ hội cuối là thu hồi nợ từ tiền bồi thường bảo hiểm, thì bên bảo hiểm từ chối thanh toán tiền bồi thường, vì rất nhiều lý do cũng rất “khách quan”.
Có trường hợp, khách hàng không trả được nợ, khi ngân hàng tiến hành xử lý chiếc xe thì mới phát hiện xe bị tai nạn, giá trị xe còn rất ít. Liên hệ với hãng bảo hiểm thì bị từ chối bồi thường vì hợp đồng quy định phải báo cho hãng bảo hiểm trong vòng 5 ngày và đã quá thời hạn này. Trong khi đó, ngân hàng cũng không biết về tai nạn để kịp thời thông báo cho bảo hiểm.
Một ngân hàng khác cũng bị hãng bảo hiểm từ chối bồi thường vì xe ô tô gặp tai nạn quá hạn đăng kiểm, trong khi ngân hàng không có khả năng kiểm soát thủ tục đăng kiểm này và không thuộc phạm vi trách nhiệm. Khi tai nạn xảy ra trong khi lái xe có nồng độ cồn vượt mức cho phép, xe chạy quá tốc độ cho phép, xe chở quá tải, vận chuyển theo chất cháy, chất nổ trái phép, thì ngân hàng cũng không hy vọng nhận được bồi thường bảo hiểm.
Nguy cơ giả mạo giấy tờ
Khi nhận xe ô tô làm tài sản bảo đảm, ngân hàng thường áp dụng một hệ thống quy trình tương đối bài bản, từ việc thẩm định, định giá tài sản cho đến ký kết hợp đồng, công chứng (thậm chí ký hợp đồng tại phòng công chứng dù pháp luật không bắt buộc). Có ngân hàng còn thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm để đảm bảo chiếc xe không được mua bán, chuyển nhượng và quyền ưu tiên xử lý chiếc xe thu hồi nợ thuộc về ngân hàng.
Dẫu vậy, khi khách hàng cố ý sai phạm nghĩa vụ bảo đảm, thì ngân hàng vẫn có thể mất tài sản bảo đảm. Đó có thể là rủi ro “luộc xe” - trường hợp khách hàng không trả được nợ và thay thế các phụ tùng làm giảm giá trị của tài sản bảo đảm, dẫn đến ngân hàng mất vốn khi xử lý tài sản bảo đảm. Đó có thể là rủi ro do khách hàng cố ý dùng chiếc xe vào hành vi phạm tội như chở ma túy, hàng cấm…, dẫn đến tài sản bảo đảm của ngân hàng bị coi là phương tiện phạm tội và bị tịch thu.
Một trong những rủi ro điển hình, phổ biến là rủi ro do khách hàng làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe. Một ngân hàng cho công ty vay vốn mua xe ô tô, lấy chiếc xe làm tài sản bảo đảm (ngân hàng giữ giấy chứng nhận đăng ký xe), sau đó công ty này đến ngân hàng mượn giấy chứng nhận để làm thủ tục cho thuê. Về nguyên tắc, việc này có thể chấp nhận và ngân hàng đã cho mượn. Đến khi “con nợ” không trả được tiền, ngân hàng tìm xe để siết nợ thì mới biết bên vay tiền đã làm giả giấy chứng nhận rồi đem bán xe. Cụ thể, công ty này đã dùng cách scan rồi in màu và nộp trả ngân hàng giấy chứng nhận đăng ký xe giả. Sau vụ việc này, các ngân hàng mới biết, để phân biệt thật giả phải đưa giấy chứng nhận vào máy soi tiền, dùng tia cực tím phát hiện biểu tượng của ngành quản lý ở góc trái trên cùng của giấy đăng ký.
Ngoài ra, khi vấn đề quản lý sở hữu chưa rõ ràng và ngân hàng không quản chặt giấy tờ xe thì nguy cơ mất trắng khoản vay là rất lớn. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã gặp rủi ro như vậy khi cho khách hàng vay vốn để mua chiếc xe ô tô Ford Transit Diesel, tài sảm đảm bảo là chính chiếc xe này và thực hiện đầy đủ các thủ tục về tài sản đảm bảo. Quá hạn, khách hàng không trả nợ, VIB tìm kiếm chiếc xe và đến lúc đó mới biết chiếc xe đã được đem bán cho người khác. Việc mua bán có bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe, có xác nhận của UBND phường, nhưng không thực hiện việc sang tên. Nguyên nhân khách hàng có được giấy tờ xe là do đã tự ý lấy trước từ Cơ quan công an, rồi khai báo với Ngân hàng là mất giấy tờ.
Quá trình xử lý tài sản bảo đảm đã phát sinh tranh chấp giữa Ngân hàng và bên thứ ba mua xe. Bên mua nại ra rằng, Ngân hàng phải gánh chịu toàn bộ thiệt hại do không quản lý được bản chính giấy chứng nhận. Cơ quan công an đã đồng ý với quan điểm này và giao chiếc xe cho bên mua.
Theo Bộ luật Dân sự, giấy chứng nhận đăng ký xe không phải là một giấy tờ sở hữu tài sản. Do chiếc xe ô tô được xếp vào một dạng nguồn nguy hiểm cao độ nên cơ quan công an cần cấp loại giấy tờ này để quản lý, chứ không phải để xác nhận sở hữu. Từ sự việc trên có thể thấy, sự lẫn lộn về quản lý, sở hữu tài sản đã tạo cơ hội cho những khách hàng xấu khai thác các rủi ro chủ quan để gây thiệt hại mất vốn, mất tài sản bảo đảm cho ngân hàng.
Pháp luật có kẽ hở
Vụ việc nêu trên cho thấy, khi còn nhiều rối rắm trong công tác quản lý sở hữu phương tiện vận tải và khó phân định đúng sai trong áp dụng luật, thì cách bảo vệ mình tốt nhất là các ngân hàng nên quản lý chặt về giấy tờ tài sản.
Ngày 10/4/2012 vừa qua, Nghị định số 11 sửa đổi Nghị định số 163 năm 2006 về giao dịch bảo đảm đã bổ sung một quy định mới. Theo đó, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, bên thế chấp là người được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe.
Quy định trên thực chất đã đẩy các ngân hàng vào thế bí khi thừa nhận việc nhận tài sản bảo đảm là phương tiện vận tải. Bởi với cách quản lý về sở hữu tài sản phương tiện vận tải như hiện nay, với thực trạng phổ biến về mua bán trao tay dạng tài sản này và với cách xử lý của các cơ quan nhà nước liên quan khi rủi ro phát sinh như trong vụ việc đề cập nêu trên, thì không có gì đảm bảo cho ngân hàng với dạng tài sản bảo đảm này.
Về cơ bản, dạng tài sản bảo đảm phương tiện vận tải có một điểm đặc trưng là luôn chạy… vô tư trên đường. Khi tài sản bảo đảm di chuyển liên tục thì sự quản lý luôn khó khăn. Để quản lý rủi ro một cách hiệu quả đối với loại tài sản bảo đảm này, cần có quy định nhất quán, hợp lý của các cơ quan pháp luật liên quan. Đây là những đòi hỏi cụ thể cần phải được đáp ứng để đóng góp vào chất lượng dư nợ tín dụng nói riêng và sự nghiệp phát triển nói chung của ngành ngân hàng.
Luật sư Trần Minh Hải
đầu tư chứng khoán
|