Doanh nghiệp cần lãi suất “mềm” hơn
Không phải chờ đến vài tháng vì độ trễ chính sách như dự báo của một số chuyên gia kinh tế, sau 2 tuần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh hạ trần lãi suất huy động VND từ 13% xuống 12%/năm, lãi suất cho vay VND đã có dấu hiệu "hạ nhiệt". Từ NH nhỏ đến NH lớn đều triển khai các chương trình cho vay với lãi suất "mềm" hơn so với trước, song việc DN và người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn NH hay không vẫn là câu chuyện dài.
Lần giảm lãi suất trần huy động từ 14%/năm xuống 13%/năm (ngày 13-3), lãi suất cho vay giảm chậm, nhất là ở những NH cổ phần nhỏ. Ở thời điểm đó, lãi suất cho vay vẫn phổ biến ở mức 20-21%/năm đối với vay sản xuất kinh doanh (SXKD) và 23-25%/năm đối với vay phi sản xuất. Các NH đều lấy lý do cần có độ trễ chính sách, bởi NH đã phải huy động với lãi suất 14%/năm từ nhiều tháng trước. Sự chậm trễ trong việc giảm lãi suất của nhiều NH đã khiến không ít DN e ngại, vì trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn, DN không thể "gánh" nổi lãi suất cao như vậy.
|
Giao dịch với khách hàng tại Ngân hàng OceanBank. |
Lần này, với trần lãi suất giảm từ 13% xuống 12%, DN có vẻ "dễ thở" hơn. Ngay khi NHNN phát lệnh giảm lãi suất huy động VND, các NH đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất cho vay. Cùng với việc giảm lãi suất chung, NH còn đưa ra nhiều chương trình tín dụng hấp dẫn. BIDV cho vay ngắn hạn với lãi suất thấp nhất 14,5%/năm, bất động sản từ 16%/năm, các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất 13-14%/năm; tiêu dùng: 16,5-17,5%/năm; đầu tư và kinh doanh chứng khoán: 17-18%/năm. HDBank triển khai chương trình "Ưu đãi lãi suất cho vay xuất nhập khẩu" cho DN, với tổng hạn mức cho vay 1.000 tỷ đồng, lãi suất 16%/năm. SeABank dành gói tài trợ 1.000 tỷ đồng hỗ trợ các DN xuất, nhập khẩu với lãi suất cho vay giảm 2%/năm so với thông thường, giảm 50% phí chuyển tiền... Maritime Bank có gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho các DN vừa và nhỏ chế biến thủy, hải sản, SXKD phân bón, hóa chất… với lãi suất 16-18%/năm...
Không chỉ tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, nhiều NH cũng đã "rộng cửa" với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng. HDBank có chương trình "Ưu đãi lãi suất cho vay", với lãi suất giảm 2%/năm so với thông thường. BIDV đưa ra gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho vay mua nhà với lãi suất 16%/năm, thời gian vay tối đa 15 năm, mức cho vay cao nhất 85% giá trị căn nhà. SeABank dành 1.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua, xây, sửa chữa nhà ở với lãi suất cho vay giảm 3%/năm và miễn trả lãi 1 tháng đầu tiên của kỳ hạn vay.
Mặc dù NH ồ ạt triển khai chương trình ưu đãi, nhưng nhiều DN vẫn đắn đo với các khoản vay, bởi lẽ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước khó khăn, SXKD đình đốn, cầm chừng nên ngay cả khi lãi suất ngân hàng giảm, DN cũng không có nhu cầu vay vốn. Thêm vào đó, lãi suất thực tế chưa giảm mạnh để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn. Cho đến nay, mới chỉ có một số NH lớn cho vay với lãi suất "mềm" hơn, song cũng chỉ có những DN thuộc lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp, xuất nhập khẩu... có thể tiếp cận được, còn tại hầu hết ở các NHTM cổ phần nhỏ, lãi suất cho vay SXKD vẫn cao. Khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay là 6-8%/năm, nên lãi suất cho vay phổ biến ở mức 18-20%/năm. Các DN cũng cho rằng, NH không nên chỉ tập trung sự quan tâm vào những DN thuộc các ngành ưu tiên, mà nên dành vốn cả cho những DN SXKD thông thường. NH cũng nên tính toán lại mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Khoảng cách này chỉ nên dừng ở 3,5-4%/năm, tức là trần lãi suất cho vay ở mức 16%/năm thì DN mới có thể tiếp cận được nguồn vốn.
Với khách hàng cá nhân, "cửa" cho vay tiêu dùng đã rộng hơn, nhưng lãi suất giảm chưa đáng kể. NH giảm 2-3%/năm so với thông thường, nhưng lại không đưa ra mức thông thường cụ thể là bao nhiêu. Do vậy, tại hầu hết các NH, khách hàng cá nhân vẫn phải vay với lãi suất phổ biến là 18,5-20%/năm (trước đây là 21-23%/năm). Một khách hàng đang có khoản vay 4 tỷ đồng từ một NH ở Hà Nội phàn nàn, NH tăng lãi suất rất kịp với chính sách, nhưng giảm lại quá chậm. Phải vay từ mức 21,5%/năm, để có thể nhận được mức lãi suất 18,5%/năm như hiện nay, khách hàng này đã phải "gõ" các cửa của NH, từ trưởng phòng tín dụng, giám đốc chi nhánh cùng lá đơn kiến nghị NH, ngay cả khi trần lãi suất huy động đã được điều chỉnh lần thứ 2 trong hơn 1 tháng qua. Với lãi suất vay khoảng 20%/năm, cộng với khoản tiền trả góp hằng tháng, trong thời điểm giá các mặt hàng tiêu dùng cao như hiện nay không phải ai cũng dám vay tiền NH để mua nhà, mua xe...
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để DN và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn, NH cần đưa lãi suất cho vay về mức hợp lý hơn nữa.
Đức Anh
Hà Nội mới
|