Mua bán nợ: Ngân hàng và doanh nghiệp đều... kẹt !
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực mua bán nợ ngân hàng ở thị trường quốc tế, từng làm việc và hỗ trợ NHNN mua bán nợ nước ngoài, tham gia xây dựng Ban phát triển thị trường vốn - tiền thân của UBCK NN, chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi đã có cuộc trao đổi nhanh với DĐDN xung quanh vấn đề mua bán nợ.
- “Mua bán nợ xấu DN” đang là cụm từ “hot” trên thị trường tài chính VN hiện nay. Nhưng hoạt động này có thể được các NH và DN chủ động triển khai ra sao, thì bức tranh nhìn thấy được dường như lại đang rất mờ nhạt. Ông có thể nói gì về điều này?
Nói một cách ngắn gọn, cho đến nay vẫn chưa chính thức có một thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh, đúng nghĩa và hiệu quả tại VN. Đó là điều rất đáng tiếc.
- Ông có thể cho biết rõ hơn đâu là những hạn chế của thị trường này, khiến các tổ chức mua bán nợ không thực sự hoạt động mạnh mẽ, rõ nét, có hiệu quả?
Trước tiên và trước đây là do cơ chế và quy chế của NHNN, nhưng trong thời gian vài năm trở lại đây thì nguyên nhân lại đến từ bản thân các định chế tài chính (cổ đông lớn và người điều hành) chưa chủ động tiếp cận lĩnh vực này. Kế tiếp là do sự thiếu hiểu biết về nghiệp vụ và kỹ năng của các định chế tài chính trong lĩnh vực này. Có thể đâu đó có tâm lý mua bán nợ là nghiệp vụ thấp kém – và đây cũng có lẽ là điểm nghẽn lớn của việc hình thành phát triển thị trường nợ của VN.
- Theo đánh giá của ông, DN, các định chế tài chính, các Cty quản lý quỹ... có thể sử dụng hình thức giao dịch mua bán nợ với các hình thức như thế nào, để bên thì tránh nguy cơ đổ vỡ, phá sản, bên có thể tận dụng cơ hội mua được những tài sản tốt giá rẻ, trong thời điểm hiện nay?
Vì VN chưa có thị trường mua bán nợ chính thức trong nước và chưa có sự liên thông với thị trường mua bán nợ quốc tế, nên DN đang bị nợ và có nợ xấu tự họ không thể tự đi mua lại nợ của chính họ hoặc bán nợ của người khác đang nợ họ; Và điều này cũng như thế với các ngân hàng và định chế tài chính khác. Vì vậy, DN và ngân hàng VN luôn ở trong những vị thế yếu và bất lợi, thường xuyên bị mắc kẹt và hẳn nhiên để dẫn đến nguy cơ đổ vỡ và phá sản.
- Vậy, có cách nào để DN tiếp cận các tổ chức mua nợ quốc tế? Và có cách nào để thu hút các tổ chức mua bán nợ quốc tế vào thị trường VN hay không, thưa ông?
Thị trường nợ và mua bán nợ quốc tế vẫn đang hoạt động với VN nhưng rất giới hạn. Một vài DN và ngân hàng VN gần đây có tham gia mua lại nợ của Vinashin và trái phiếu Chính phủ phát hành trtên thị trường quốc tế, nhưng ở quy mô nhỏ lẻ.
Vấn đề chính là các ngân hàng và định chế tài chính trong nước cần phải xem lại và phát triển nghiệp vụ này một cách chuyên nghiệp. Hầu hết các ngân hàng nước ngoài đều hoạt động trong lĩnh vực này… Chỉ chờ phía VN.
- Ngoài sử dụng giao dịch mua bán nợ, ở góc tư vấn tài chính và trong thực tế thị trường tài chính VN, theo ông, DN còn có những lựa chọn nào để tự cứu mình và lành mạnh hoá tài chính?
DN nên nhìn lại mình và cơ cấu hoạt động chỉ ở trong lĩnh vực mà mình am hiểu và quản lý tốt… Đó là điều có thể làm được ngay!
- Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia KT Trần Vinh Dự - Tổng giám đốc Cty TNK Capital:
Trong tình thế hiện nay, nếu lập một Quỹ MBN DN với nguồn vốn do Nhà nước tài trợ, vậy, có cách nào để hạn chế việc “lobby” DN thông qua khâu định giá, khiến DN đáng được mua nợ thì lại không được mua, và DN không đáng được mua thì lại được giải cứu? Một Quỹ do Nhà nước tài trợ sẽ tạo ra một tâm lý “ỷ lại” vào Nhà nước của DN.
Cơ chế MBN của VN chưa hoàn chỉnh. Ví dụ như quy định về thuế suất, sở hữu tài sản BĐS, tài sản thế chấp… vẫn đang gây nhiều khó khăn và nhiều rào cản cho các nhà đầu tư, các tổ chức nước ngoài. Hơn nữa, hàng hoá MBN của VN cũng vẫn chưa đa dạng và đủ lớn để hấp dẫn các tổ chức quốc tế, do quy mô các DN vẫn còn khá nhỏ, trong khi thị trường nước ngoài lại đang rất sôi động.
TS Võ Trí Thành - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương:
Hiện nay, MBN thực ra vẫn chỉ là một trong những phương cách gỡ khó cho DN. DN vẫn có thể tự mình tìm kiếm cơ hội bằng cách đàm phán với chủ nợ cũ, cơ cấu lại nợ, kết nối và xây dựng phương án thuyết phục các tổ chức tín dụng để khoanh, giãn, hoãn, đảo nợ... Nếu cùng đường và quá khó khăn, phá sản cũng là một phương cách để có thể làm mới từ đầu, có thể rút ra bài học và kinh nghiệm quản trị, thay đổi cách thức làm ăn… từ trong phá sản.
Về việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia, phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, chúng ta có đủ hàng hoá ở mức độ khiến người ta quan tâm hay không. Thứ hai, họ có nhìn thấy khả năng sinh lãi trong tương lai, nói cách khác đó là vấn đề chất lượng nợ. Thứ ba là về mặt pháp lý. |
Lê Mỹ thực hiện
Diễn đàn doanh nghiệp
|