Chủ Nhật, 06/05/2012 11:30

Khi Beeline bỏ “cuộc chơi”...

Tập đoàn Vimpelcom rút khỏi Việt Nam, trước đó là sự thất bại của EVN Telecom, rồi sự trì trệ nhiều năm của S-Fone… Hàng loạt sự kiện dường như hé mở “bước lùi” của ngành viễn thông Việt Nam sau hơn 10 năm phát triển nhanh về lượng mà thiếu về chất.

Beeline “thoát hiểm”?

Gtel Mobile (Beeline), là liên doanh giữa Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (thuộc Bộ Công an) và công ty viễn thông Nga Vimpelcom, sở hữu giấy phép kinh doanh các dịch vụ viễn thông và Internet, có cơ chế kinh doanh đặc biệt, cùng nhiều ưu đãi khác mà không phải nhà đầu tư nào cũng dễ có được. Tổng đầu tư của Vimpelcom vào Beeline dự tính lên tới 1 tỉ đô la Mỹ.Hai bên đối tác cũng đạt thỏa thuận cổ phần của Vimpelcom có thể lên đến 65% trong liên doanh (trong khi theo quy định thì viễn thông là ngành mà phía Việt Nam phải nắm cổ phần chi phối).

Theo ông Jo Lunder, Tổng giám đốc tập đoàn, Vimpelcom rút lui là do định hướng chiến lược của tập đoàn “hướng tới việc gia tăng giá trị trong tương lai”. Dù trước đó không lâu lãnh đạo cao cấp chính phủ Nga trong chuyến làm việc tại Việt Nam đã nói rằng “Vimpelcom có nguyện vọng tiếp tục đầu tư lâu dài nếu có được thêm tài nguyên và quyền sử dụng băng tần để cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng tiên tiến hơn”.

Nhưng dù có “nguyện vọng tiếp tục đầu tư” cũng như cơ chế đặc biệt và nhiều ưu đãi, Vimpelcom cũng không tiếp tục “cuộc chơi”. Theo số liệu công bố chính thức, tổng đầu tư của Vimpelcom đến nay là 463 triệu đô la Mỹ, gồm đầu tư ban đầu 267 triệu và khoản đầu tư tiếp theo là 196 triệu, nhưng khi chuyển nhượng lại toàn bộ 49% cổ phần ở Beeline thì Vimpelcom chỉ thu về được 45 triệu đô la Mỹ. Beeline đã chấp nhận lỗ nặng, bán rẻ cổ phần để thoát hiểm?

Nguyên nhân sự tháo chạy đó còn là hệ quả của cuộc chơi trên một thị trường đang rất bất lợi cho các mạng nhỏ như Beeline phải vất vả chống đỡ với cuộc chiến gọi miễn phí nội mạng của các mạng lớn đang nắm đến 95% thị phần. Những chương trình khuyến mãi đột phá như “tỉ phú Beeline” đã sớm bị tuýt còi để dừng cuộc chơi. Dù tạo dựng được hình ảnh mạng di động trẻ trung, năng động và tiện ích nhưng Beeline đã không thành công. Mức doanh thu trên thuê bao tháng (ARPU) quá thấp, vào quí 4-2011 là 0,9 đô la Mỹ/người/tháng, mức thấp nhất trong 19 thị trường mà Vimpelcom đầu tư, trong đó chỉ riêng ở Campuchia đã đạt 2-3 đô la Mỹ/thuê bao/tháng và tại Lào là 4 đô la Mỹ/thuê bao/tháng.

Việc triển khai kết nối và phát triển dịch vụ mới chậm, nhà mạng này lại chưa có giấy phép 3G nên khả năng hợp tác thấp. Cho đến nay, Beeline là mạng duy nhất không được cấp băng tần phù hợp để có thể cung cấp dịch vụ 3G. Để đạt được vùng phủ sóng tốt nhất cho dịch vụ thoại, vì chạy trên dải băng tần 1800 MHz, lại không có 3G, Beeline phải cần ít nhất 20.000 trạm phát sóng tức phải cần đến nguồn tài chính khổng lồ để đầu tư và vận hành. Trong khi những nhà mạng khác với băng tần 800-900 MHz thì chỉ cần một nửa số trạm phát sóng nói trên mà suất đầu tư trên mỗi trạm lại ít hơn nhưng hiệu quả phủ sóng lại cao hơn.

Lo ngại “bước lùi” của ngành viễn thông

Nhìn ở khía cạnh nào thì việc Vimpelcom rút lui cũng cho thấy thị trường viễn thông trong nước đã không đủ hấp dẫn như nhiều người nghĩ đồng thời cũng đặt câu hỏi về sự tồn tại của những mạng nhỏ. Và như một chuyên gia nhận định “điều này cho thấy sự lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về sự cân bằng trong đầu tư vào ngành viễn thông Việt Nam”.

Việc Vimpelcom rút lui cũng cho thấy thị trường viễn thông trong nước đã không đủ hấp dẫn như nhiều người nghĩ.

Các mạng di động của Nhà nước hiện đang nắm 95% thị phần, và việc đầu tư có yếu tố nhà nước đã dẫn đến những chiêu thức cạnh tranh “không theo tiêu chí lợi nhuận” diễn ra trong nhiều năm, làm suy giảm liên tục mức ARPU, dẫn đến thị trường bão hòa với dịch vụ thoại trong khi không có thêm nhiều dịch vụ khác kích thích lớp tiêu dùng mới. Theo đánh giá của hãng nghiên cứu BMI, nếu mức ARPU của thị trường Việt Nam vào năm 2007 và 2008 là 6,5 và 6 đô la Mỹ thì qua năm 2009 chỉ còn 5,52 đô la; năm 2010 là 5 đô la Mỹ/thuê bao/tháng và dự báo giảm xuống 3,51 đô la Mỹ vào năm 2015. Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp trong ngành cho biết mức ARPU hiện đã ở mức dưới 4 đô la Mỹ. Và nếu hạch toán đầy đủ, minh bạch, chỉ số này có thể thấp hơn mức 3 đô la Mỹ/thuê bao/tháng.

Theo chuyên gia quản lý viễn thông Hoàng Ngọc Diệp, chỉ khi nào có một mạng di động mạnh thật sự, từ tần số tới hạ tầng mạng và từ hệ thống quản lý tới các mô hình kinh doanh, thì khi đó ngành viễn thông mới có thể triển khai các loại dịch vụ cao cấp. Thời gian qua, cả ba mạng lớn chủ yếu kinh doanh giá rẻ, tập trung vào các dịch vụ cơ bản và phân khúc trả trước, chưa có những dịch vụ nâng cao cho doanh nghiệp, tổ chức nhà nước, là những nền tảng cạnh tranh dựa vào chất lượng. “Những cách cạnh tranh đó đã không đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của ngành viễn thông và công nghệ thông tin mà còn làm cho chính các mạng từ từ kiệt sức”, theo ông Diệp.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Nợ của EVN, trả bằng cách nào? (06/05/2012)

>   Nỗi lo nguồn thu: Khi các "đầu tàu" đều tụt dốc (06/05/2012)

>   Giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp: Cần nhưng chưa đủ (06/05/2012)

>   Xử lý nợ Vinashin: Vẫn đang “tiếp tục đàm phán” (05/05/2012)

>   Vinalines “tậu” nhiều tàu cũ (05/05/2012)

>   Nhập siêu thấp kỷ lục, doanh nghiệp khó khăn (04/05/2012)

>   Chính phủ công bố gói 29.000 tỷ ‘cứu’ doanh nghiệp (04/05/2012)

>   Doanh nghiệp đã và đang phá sản thế nào? (04/05/2012)

>   Doanh nghiệp vẫn chết dù lãi suất đã hạ (04/05/2012)

>   Chỉ số niềm tin tiêu dùng thấp nhất hơn một năm qua (04/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật