Điều hành CSTT: Kiên định về nguyên tắc, linh hoạt trong tổ chức thực hiện
TTCK – kênh dẫn vốn trung - dài hạn mới hồi sinh được một thời gian ngắn; nhiều doanh nghiệp chưa kịp chuyển đổi và thích ứng với định hướng tái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng. Sự sụt giảm quá mạnh, đột ngột cung tiền và dư nợ tín dụng cũng như “neo” mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao quá lâu sẽ không tránh khỏi gây sốc cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cần một liều lượng hợp lý
Trong hơn 20 năm đổi mới kể từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Việt Nam theo mô hình tăng trưởng chiều rộng, tăng trưởng GDP phụ thuộc chủ yếu vào tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội, hiệu quả sử dụng vốn thấp - chỉ số ICOR luôn đứng ở mức cao. Trong bối cảnh các kênh huy động và dẫn vốn phi ngân hàng (đặc biệt là trung – dài hạn) còn thiếu vắng và trầm lắng, tín dụng ngân hàng là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đa số NHTM hiện nay có quy mô nhỏ, năng lực quản trị yếu kém... khiến nhiệm vụ trên đã trở nên quá sức. Những bất cập trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, đặc biệt là vấn đề thanh khoản và nợ xấu, thường xuyên xảy ra gây rủi ro và đe dọa tới sự ổn định, an toàn của hệ thống.
Vì vậy, thúc đẩy và phát triển bền vững TTCK trở thành kênh huy động và dẫn vốn trung – dài hạn, trả lại thị trường tiền tệ vai trò và chức năng cơ bản cung cấp vốn lưu động (ngắn hạn) là một định hướng hoàn toàn đúng đắn và mang tính nguyên tắc trong tái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng những năm tới.
Tuy nhiên, tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình kinh tế nói chung, tái cấu trúc hệ thống tài chính-ngân hàng nói riêng là cả một tiến trình. Không phải cứ hô “biến” là nền kinh tế cùng những cấu phần của nó đã “lột xác” thành những thực thể hoàn toàn mới ngay được. Điều hành chính sách tiền tệ nói chung, cung tiền và dư nợ tín dụng nói riêng cần phải thích ứng theo từng giai đoạn.
Người viết cho rằng, trong một vài năm đầu của quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình kinh tế, tăng trưởng tín dụng 15-17%, tổng phương tiện thanh toán 14-16% (như mục tiêu năm 2012 của NHNN) là hợp lý. Việc điều hành để sụt giảm quá mạnh và đột ngột các chỉ tiêu này có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế và áp lực lên những vấn đề xã hội.
Năm 2011, trong bối cảnh phải thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11 của Chính phủ để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng tín dụng ở mức 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 10%, giảm mạnh so với các năm trước. Lạm phát 5 tháng cuối năm 2011 và các tháng đầu năm 2012 đã được kiểm soát, tốc độ tăng GDP vẫn giữ được 6% năm 2011 là những kết quả tích cực và được cho là thành công.
Sang những tháng đầu năm 2012, dư nợ tín dụng tiếp tục sụt giảm mạnh. Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối tháng 4/2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm 0,66% so với cuối năm 2011. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng hiện nay, sẽ khó đạt mục tiêu năm 2012, thậm chí khó đạt mức thực hiện năm 2011.
Một số chỉ báo vĩ mô: GDP quý I tăng 4%, dự báo quý II tăng 4.5%; mặc dù chỉ số CPI đã được kiểm soát nhưng tháng 3, tháng 4, và tháng 5 được cho là thấp bất thường ngay cả đợt tăng khoảng 10% giá xăng ngày 7/3 cũng không gây hiệu ứng như thường thấy; tồn kho của doanh nghiệp tăng mạnh, hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản vì không tiêu thụ được hàng hóa và chi phí tài chính tăng cao....
Từ những dấu hiệu trên, thiết nghĩ NHNN cần có sự điều chỉnh trong điều hành, tránh cắt giảm với liều lượng quá mạnh, đột ngột cung tiền và dư nợ tín dụng tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và cả các năm tiếp theo.
Kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Đầu năm 2012, NHNN cho biết lãi suất sẽ được điều chỉnh theo tín hiệu lạm phát. Theo đó, nếu cuối năm 2012 lạm phát về dưới 10% (mục tiêu của Chính phủ: lạm phát cả năm là 8-9%) thì lãi suất huy động sẽ giảm dần về 10% và lãi suất cho vay khoảng 12-13%.
CPI các tháng 1, tháng 2 không tăng đột biến và đã được kiểm soát ở mức khá thấp trong 3 tháng gần đây. Cứ như tình hình hiện nay và không có những điều chỉnh về chính sách, khả năng CPI cả năm không những về dưới 10% mà có thể chỉ khoảng 6-7%, thậm chí không loại trừ có tháng bị âm. Nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang “neo” ở mức cao và có dấu hiệu chậm được điều chỉnh tương ứng (theo dư luận, tỷ trọng vốn ngân hàng giải ngân với lãi suất cho vay thấp hơn 15% vẫn còn khiêm tốn. Lãi suất cho vay của các NHTM hiện nay phổ biến là 17-18%, thậm chí có những lĩnh vực vẫn trên 20%).
Diễn biến giao dịch và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, thị trường trái phiếu Chính phủ thời gian gần đây cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã ổn định trở lại. Khó khăn thanh khoản nếu có cũng chỉ xảy ra đối với một vài ngân hàng đã được khoanh vùng và cách ly (đối với những ngân hàng đó, cần phải khống chế tăng dư nợ tín dụng, thậm chí phải chấp nhận tăng trưởng âm dư nợ tín dụng. Những ngân hàng này không nên đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà phải tập trung vào hoạt động trọng tâm là tái cấu trúc). NHNN cần điều hành giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Mặt bằng lãi suất nếu tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay không những khó tăng trưởng dư nợ tín dụng ngân hàng cho khối doanh nghiệp mà còn khiến những kênh huy động và dẫn vốn khác trong nền kinh tế cũng bị ách tắc bởi chi phí vốn chậm được điều chỉnh khi lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp (chi phí vốn thực tế cao). Ngoài ra, chính phủ cũng chủ trương giảm tỷ trọng đầu tư công. Như vậy chi đầu tư toàn xã hội sẽ giảm mạnh, tác động tiêu cực tới năng lực sản xuất của nền kinh tế về trung và dài hạn. Mặt khác, lãi suất huy động cao sẽ khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, chi tiêu của cá nhân và hộ gia đình sụt giảm.
Hệ quả là tổng cầu và các hoạt động kinh tế tiếp tục sụt giảm. Hàng tồn kho doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao trong khi chi phí vốn lớn khiến số lượng doanh nghiệp rơi vào cảnh vỡ nợ, phá sản tăng lên, thất nghiệp tăng, người lao động mất nguồn thu nhập, chi tiêu cá nhân và hộ gia đình lại càng sụt giảm. Cứ như thế tạo thành một vòng xoáy, mà nếu không cẩn trọng, sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát, gây những áp lực lớn lên các vấn đề xã hội.
Khi số lượng doanh nghiệp phá sản tăng nhanh, nợ xấu ngân hàng cũng tăng lên. Trong số những doanh nghiệp bị rơi vào cảnh phá sản và giải thể, DNVVN có lẽ chiếm tỷ lệ cao nhất. Do khó tiếp cận nguồn tín dụng trực tiếp từ ngân hàng, kênh huy động vốn truyền thống của khối này (ngoài vốn tự có của chủ doanh nghiệp) là qua người thân, bạn bè và thậm chí cả tín dụng đen.
Trần lãi suất cho vay hiện nay chỉ áp dụng hạn chế trong một số lĩnh vực. Một số NHTM, dưới áp lực lợi nhuận (khi “tồn kho” lượng lớn vốn huy động lãi suất cao), với năng lực quản trị yếu kém, sẽ tích cực tìm kiếm những kênh cho vay lãi suất cao và kém nhiệt tình với những hồ sơ vay lãi suất thấp. Thậm chí không loại trừ khả năng một phần vốn từ ngân hàng được “điều chuyển” qua kênh tín dụng đen (hiện tại dường như chưa có những nghiên cứu, thống kê chính thức về tỷ trọng tín dụng đen trong nền kinh tế. Điều này có lẽ ít nhiều gây khó khăn, hạn chế hiệu lực và hiệu quả cho công tác điều hành chính sách tiền tệ). Những hoạt động lách luật, lừa đảo, vi phạm của nhiều cán bộ ngân hàng trong thời gian vừa qua chắc cũng đủ để cảnh báo nguy cơ này. Khi số lượng DNVVN vỡ nợ và phá sản tăng nhanh, mặc dù không có các món vay trực tiếp từ ngân hàng, nguy cơ vỡ nợ đối với các kênh tín dụng đen cũng tăng và gián tiếp làm tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Để kết thúc, người viết có một cảm nhận: dường như nhà điều hành có dụng ý dùng chính sách tiền tệ như một mũi “công phá” tạo sức ép thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình kinh tế?
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số trụ cột của tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình kinh tế (như tái cấu trúc DNNN; tái cấu trúc thị trường, đặc biệt thị trường các hàng hóa cơ bản, nhạy cảm: xăng dầu, điện, nước, than...) lại phụ thuộc rất lớn vào vấn đề cải cách thể chế cũng như chính sách tài chính. Vì vậy, sử dụng chính sách tiền tệ nói chung, cung tiền và dư nợ tín dụng nói riêng với một liều lượng như thế nào cần phải được cân nhắc hết sức cẩn trọng. Kiên định về nguyên tắc nhưng cũng phải linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, cần kiên trì và đẩy mạnh công tác truyền thông về những định hướng, chủ trương và giải pháp tái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng để tăng tính minh bạch, phản biện và đồng thuận tới các nhóm cộng đồng trong xã hội.
Phạm Tường Phán (Vietstock)
finfonet
|