“Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục hỗ trợ sáp nhập ngân hàng”
Việc sắp xếp, sáp nhập một số ngân hàng mặc dù được xác định phải xong trong quý 1/2012 nhưng đến nay, thực tế, công việc này vẫn chưa hoàn tất và dự kiến, vẫn còn có một số ngân hàng phải tiếp tục sắp xếp trong thời gian tới. Chúng tôi phỏng vấn ông Cao Sĩ Kiêm, cựu thống đốc ngân hàng Nhà nước về việc này.
|
Ông Cao Sĩ Kiêm trả lời phỏng vấn bên lề diễn đàn kinh doanh năm 2012 |
Ông đánh giá thế nào về kết quả sáp nhập một số ngân hàng trong thời gian vừa rồi?
Sáp nhập một số ngân hàng trong thời gian vừa rồi nó mang tính tình thế nhiều hơn. Bây giờ cái quan trọng là giải quyết tiếp như thế nào. Ví dụ như vừa rồi có sáp nhập 3 ngân hàng trong Sài Gòn (các ngân hàng: ngân hàng Đệ Nhất -Ficombank, ngân hàng Tín Nghĩa -TinNghiaBank và ngân hàng Sài Gòn – SCB ), đó là 3 ngân hàng yếu. Nếu không tiếp tục xử lý cho nó là nó sẽ tụt đấy. Bây giờ phải đặt vấn đề ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cái gì, ngân hàng Đầu tư và phát triển giúp cái gì hiện nay chưa rõ. Phải có can thiệp, có bàn tay của nhà nước, nếu không cũng phải có một ngân hàng mạnh như ngân hàng Đầu tư và phát triển giúp: kể cả đưa người vào, kể cả giúp giải quyết những tồn tại cũ… Chứ bảo làm thế được rồi, bỏ mặc nó theo tôi sẽ không ổn.
Cơ bản là việc sáp nhập đã diễn ra trong trật tự, theo ý muốn của Ngân hàng Nhà nước?
Như cái đầu tiên thì mình cũng không để cho 3 ngân hàng đó đổ vỡ. Dân có rút tiền nhưng ít, không gây xáo trộn lớn. Bây giờ đang sáp nhập Habubank với ngân hàng SHB cũng rất tốt vì 2 ngân hàng này tự nguyện sáp nhập với nhau. Bây giờ ở ngân hàng mới sáp nhập này quan trọng phải làm sao yên ổn được cổ đông của cả hai bên.
Tôi cũng nghĩ là quá trình sáp nhập các ngân hàng vừa rồi cơ bản yên ổn, không gây đổ vỡ nhưng còn cần phải tiếp tục chú ý, gia công hơn nữa.
Theo ông, xu hướng sáp nhập các ngân hàng trong thời gian tới thế nào? Cần rút những kinh nghiệm gì trong việc tổ chức, sáp nhập các ngân hàng trong thời gian vừa rồi?
Phải xác định được những tồn tại, yếu kém của các ngân hàng đang làm một cách rõ ràng và quy trách nhiệm nó rõ ra, không để xảy ra tình trạng lộn xộn. Thứ hai phải dùng các ngân hàng mạnh đủ khả năng cứu, đủ lực để cứu, đưa được nhân sự, quản trị, vốn vào chứ để cho anh yếu vào cứu trợ là không được. Thứ ba là phải giải quyết bằng nhiều cách nữa chứ không phải chỉ một cách được. Có thể không chỉ ở sáp nhập mà bằng cách mua cổ phần, mở cửa cho ngân hàng, đối tác nước ngoài vào mua lại cổ phần…
Sẽ còn 9 ngân hàng còn lại là phải làm tiếp trong năm nay. Nếu không giải quyết được, nợ xấu nó tiếp tục tăng lên. Có giải quyết, sắp xếp, sáp nhập được các ngân hàng này thì hệ thống ngân hàng sẽ trở lên lành mạnh ngay. Nếu cứ để thể, các ngân hàng này không huy động được ở thị trường I, độ tín nhiệm thấp nên người ta không gửi tiền thì nó cứ chạy ra thị trường tìm mọi cách luồn lách để vay, thu hút vốn, đẩy lãi suất lên, đáng lẽ 13-14%, nó cứ đẩy lên 15%...
MẠNH QUÂN
Sài gòn tiếp thị
|