Giảm trần lãi suất: Gầy con tép, béo con tôm
Dù đã có chủ trương giảm trần lãi suất huy động hai lần, nhưng việc kiểm tra, xử lý vấn đề lách trần lãi suất đến nay dường như chưa được thực hiện triệt để, khiến thị trường phát sinh tình trạng huy động lãi suất thấp, cho vay lãi suất cao. Vì thế, trong khi doanh nghiệp (DN) lao đao vì thiếu vốn thì các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn lãi to.
Cơ sở trần lãi suất tiền gửi 12%/năm và trần cho vay 15%/năm với 4 lĩnh vực ưu tiên đến nay chưa thực sự có tiêu chí rõ ràng. Đó là chưa kể các đối tượng vay theo lãi suất thỏa thuận cũng không kiểm soát được mức thỏa thuận bao nhiêu là hợp lý, khiến việc vay và cho vay của ngân hàng (NH) đang tạo ra sự chênh lệch đến mức vô lý.
Từ đó mới có chuyện DN kinh doanh sản xuất thì đang “chết dần, chết mòn” vì lãi vay, trong khi các NHTM không chỉ “ăn nên làm ra” so với năm trước mà còn đưa ra những kỳ vọng lợi nhuận ở mức cao, cho dù bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, mới đây, DongA Bank cho biết, kết thúc 4 tháng đầu năm, NH đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với chỉ tiêu cả năm là 1.500 tỷ đồng. Eximbank dự kiến 4 tháng đầu năm 2012 đạt 1.400 tỷ đồng. Đây cũng là con số gần với kết quả lợi nhuận trước thuế của Sacombank là mức 1.064 tỷ đồng.
Trước đó, Vietcombank cũng đã công bố kết quả lợi nhuận trước thuế quý I đạt 1.663 tỷ đồng, VietinBank thì ở mức 1.859 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý I của ACB đạt 837 tỷ đồng.
Báo cáo hợp nhất của 3 NH sáp nhập cũng cho thấy lợi nhuận 3 tháng đầu năm 2012 đạt 225 tỷ, gần gấp 1,5 lần cùng kỳ. Techcombank bước đầu công bố con số lãi 771 tỷ đồng.
Trong ĐHCĐ ngày 12/5, NH OCB cũng không ngần ngại đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2012 đạt 530 tỷ đồng tăng 32,17% so với 2011. Theo đó, tổng tài sản tăng lên 30.500 tỷ đồng tăng 19,97% so với 2011...
Sẽ có nhiều ý kiến trái chiều để trả lời câu hỏi NH kiếm lợi nhuận từ đâu trong thời gian qua. Thậm chí, dư luận còn đặt nghi ngờ về lợi nhuận của các NH. Nhưng trước mắt, có thể thấy lợi nhuận đó thu được một phần cũng nhờ thời gian qua các NHTM vẫn hưởng lợi do chi phí đầu vào giảm mạnh khi NHNN hạ trần lãi suất huy động, nhưng đầu ra vẫn cao.
Nguồn thu từ lãi vay tăng rất mạnh qua các năm và cao hơn nhiều so với lợi nhuận sau thuế (tỷ lệ này hầu hết đều trên 150%). Trong khi lãi suất huy động được khống chế ở mức trần thì lãi suất cho vay vẫn không có dấu hiệu được giảm, hoặc nếu có giảm thì mức giảm cũng rất hạn chế.
Chính nguyên nhân này dẫn đến một tác động ngược của chính sách trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Một cán bộ NHTM cổ phần tại TP.HCM thừa nhận, dù tăng trưởng tín dụng chậm nhưng với những khoản dư nợ tín dụng cũ, các NHTM vẫn không điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, trong khi lãi suất đầu vào đã giảm dần, thậm chí có NHTM còn tăng lãi suất cho vay ở những kỳ thu nợ tiếp theo.
Hành động này sẽ giúp các NH kiếm được khoản lợi nhuận không nhỏ. Hay hiện nay có hàng loạt NHTM lớn đang tận thu bằng nhiều loại phí khác nhau trên các khoản giao dịch. Như VCB thu phí chuyển khoản nội bộ và phí quản lý tài khoản, Techcombank đẩy mạnh thu các loại phí tài khoản bắt đầu từ tháng 5.
Như vậy, cứ 1 tài khoản thẻ cá nhân có thể chịu 5-10 loại phí, trong khi số lượng thẻ phát hành trên toàn quốc lên đến 40 triệu. Đó là chưa tính tính đến các loại phí mà DN phải trả để có được những khoản vay lãi thấp.
Ngoài ra, theo báo cáo của NHNN ngày 17/5 cho thấy, lãi suất liên NH lại đang có xu hướng dâng cao, lên 20,06% kỳ hạn 6 tháng - cao nhất từ đầu tháng 5. So với lãi huy động từ thị trường dân cư cao nhất là 12% một năm, lãi suất NH “vay nóng” của nhau đang cao hơn trên 8%.
Việc cho vay trên thị trường liên NH với kỳ hạn ngắn nhưng lãi suất cao đã góp không nhỏ vào bảng lợi nhuận của các NH. Theo suy luận của một số chuyên gia thì việc vay nóng trên thị trường liên NH chứng tỏ một số NH đang mất thanh khoản rất nghiêm trọng, điều này giúp các NH thu lãi của nhau nhưng nó cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn vay của DN sản xuất kinh doanh.
Khoảng 18.700 DN tạm nghỉ kinh doanh vì lãi suất cao
Theo số liệu đăng trong tờ trình gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nêu cụ thể tình hình DN thành lập mới và giải thể, phá sản ở quý I/2012 là 18.700 DN tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn, 10.350 DN giải thể phá sản và ngừng hoạt động, tăng 14,82%.
Trong đó, một số ngành có lượng DN ngừng hoạt động tăng cao so với quý I/2011 như ở lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 18,6%, xây dựng tăng 12,6%, thương mại dịch vụ 17,3%, ăn uống khách sạn 31,6%. Bức tranh kinh tế càng ảm đạm hơn với con số 15/21 ngành kinh tế giảm doanh thu, thu nội địa quý I/2012 lần đầu tiên giảm so với cùng kỳ trong các năm gần đây. Chỉ hai tháng đầu năm số thuế nợ đã tăng 28,5% so với 31/12/2011. |
Quỳnh Vũ
Doanh nhân Sài Gòn
|