Thứ Hai, 28/05/2012 06:20

Trần lãi suất 11%: Vay vốn, khó vẫn hoàn khó

Lãi suất đã giảm nhanh hơn lộ trình 1% mỗi quý. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì nếu hàng tá điều kiện ngặt nghèo mà các ngân hàng thương mại vẫn cố treo cao trên đầu doanh nghiệp. Tiền vẫn ứ đọng trong ngân hàng còn DN vẫn chưa thể thoát khỏi bĩ cực thiếu vốn.

Không muốn và không thể vay vốn

Dù trần lãi suất huy động được giảm thêm 1% nhưng các DN vẫn sẽ còn thất vọng khi lãi suất vẫn giảm một cách nhỏ giọt. Kịch bản giảm mạnh lãi suất huy động về 10%, vốn là một phương án được nhiều người đề xuất đã không diễn ra. Dường như để "an toàn" hơn, cơ quan điều hành tín dụng này đã chọn cách giảm lãi suất "từ từ và linh hoạt".

Bối cảnh hiện thời đang quá ưu ái cho hành động giảm mạnh lãi suất. Liên tục từ đầu năm 2012 đến nay, chỉ số CPI luôn giữ ở mức rất khiêm tốn, mà đặc trưng nhất là hai tháng 4 và 5 đã chỉ dao động dương chưa đầy 0,2%, cung cấp một điều kiện lý tưởng về hiện thực doanh nghiệp đang sắp chết đói và do đó cần phải được cung cấp thực phẩm cấp kỳ.

Ngay cả những chuyên gia thường quá lo lắng về bóng ma lạm phát đến giờ này chắc chắn sẽ giơ hai tay ủng hộ nếu Ngân hàng nhà nước tiến hành giảm mạnh, và hơn nữa là giảm thực chất các loại lãi suất huy động và cho vay. Hơn thế, động thái này cũng thỏa mãn được yêu cầu của Chính phủ trong Nghị quyết 13 vào đầu tháng 5/2012 là "nhanh chóng giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp".

Việc giảm lãi suất nhỏ giọt, trong khi lượng cung cho vay giậm chân tại chỗ từ cả mấy tháng qua, đã chẳng thể giải quyết được vấn đề gì nhằm giải tỏa hàng tồn kho và hồi phục sức sản xuất cho doanh nghiệp.

Thực thế, 4 lĩnh vực được khuyến khích là nông nghiệp - nông thôn, hàng xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, được xem là chiếm đến 90% thị phần tín dụng cho vay của khối ngân hàng, lại đã chỉ nhận được một tỷ lệ nhỏ nhoi giải ngân vốn do các ngân hàng đã tự đặt ra những điều kiện quá ngặt nghèo để có thể vay được. Tại nhiều ngân hàng và trong nhiều trường hợp khách hàng là doanh nghiệp, nhiều xác nhận thực tế đã cho thấy doanh nghiệp đã không làm cách nào tiếp cận được với mức lãi suất "ưu đãi" dù chỉ 16-18%.

Điều trớ trêu là cho đến giờ này, tình trạng hết sức khó nghĩ trên vẫn được cố tình trì kéo, cho dù hầu hết các ngân hàng lớn đã rơi vào thế dư thừa vốn và ngay cả Ngân hàng nhà nước cũng phải thừa nhận về thực tế này.

Với Quyết định 1081 về hạ trần lãi suất huy động về 11% và kéo theo trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khuyến khích cũng được giảm về 14%, mọi việc dường như vẫn chưa thể thay đổi ít ra trong ngắn hạn. Doanh nghiệp vẫn còn nguyên thế bĩ cực, với lãi suất này số có thể vay được thì không hẳn muốn vay, còn số thật sự muốn vay thì lại đã gần... chết.

Trần lãi suất bị bỏ rơi

Ngân hàng nhà nước sẽ còn những con bài nào tiếp tới để giải tỏa tình thế bất cập trên?. Câu hỏi này lại phụ thuộc không nhỏ vào các ngân hàng và lợi ích của các ông chủ.

Nếu vào năm 2011, dư luận mới chỉ đặt dấu hỏi về những lợi ích của ngân hàng quá lớn khi các DN gặp khó khăn. Thì đến nay, những lợi ích đó có vẻ như đã lộ rõ hơn khi đã có những thông tin về việc một số ngân hàng thương mại đang tiếp tục kế hoạch mua lại 70-80% cổ phần trong những doanh nghiệp mà họ thèm muốn. Cũng đã có những xác nhận về việc các ngân hàng cố tình gây khó khăn và không cho doanh nghiệp vay, với mục đích cuối cùng là doanh nghiệp không thể trả được nợ và lãi vay cho ngân hàng, khiến cho số doanh nghiệp này phải "bán thân" cho những tổ chức cá mập đầu cơ.

Đã từ khá lâu, trong nhận thức chung của dư luận doanh nghiệp và cả giới đầu tư, trần lãi suất huy động không còn mang ý nghĩa quan trọng, đặc biệt sau khi vấn đề này bị chính Ngân hàng nhà nước bỏ rơi từ tháng 10/2011 khi không còn xuất hiện động thái kiểm tra và xử lý rốt ráo nào đối với những trường hợp tổ chức tín dụng cố tình huy động vượt trần lãi suất quy định.

Cho đến giờ, mọi việc vẫn diễn ra như một lối mòn. Vẫn không có một hành động cụ thể nào từ phía Ngân hàng nhà nước nhằm hạn chế tình trạng đua huy động tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, đặc biệt là số ngân hàng nhỏ. Thay vì những mệnh lệnh hành chính như để trấn an sự bức xúc của dư luận và giới doanh nghiệp - người lao động.

Chỉ có một ngã rẽ khác biệt với lối mòn trên là vào lần này, tháng thứ ba liên tiếp, trần lãi suất huy động được kéo hạ - khác với "lộ trình" giảm lãi suất huy động 1% cho mỗi quý mà Ngân hàng Nhà nước vẫn thường tuyên bố trước đây.

Cho dù vào tháng 6/2012, trần lãi suất huy động có được hạ thêm một lần nữa về 10%, nhưng với hàng tá điều kiện ngặt nghèo mà các ngân hàng thương mại vẫn cố treo cao trên đầu doanh nghiệp, tình hình vẫn không có hướng được cải thiện, vốn vẫn nằm chết trong hệ thống ngân hàng mà không thể đưa vào lưu thông.

Việt Thắng

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Tranh thủ gửi tiền trước khi lãi giảm (28/05/2012)

>   Lãi suất sẽ giảm dưới mức trần (27/05/2012)

>   Hợp tác với ngân hàng ngoại: Cần người hay cần tiền? (27/05/2012)

>   Cơ cấu lại nợ: Ranh giới giữa “bình thường” và “không bình thường” (27/05/2012)

>   Thống đốc: "6 ngân hàng yếu kém đang được giám sát toàn diện" (26/05/2012)

>   ĐHĐCĐ Sacombank: Chuyển giao quyền lực (26/05/2012)

>   Chưa quyết định thu hồi tiền kim loại (26/05/2012)

>   Hợp tác với ngân hàng ngoại: Cần người hay cần tiền? (25/05/2012)

>   Hạ trần lãi suất huy động xuống 11%/năm từ 28/05 (25/05/2012)

>   Techcombank phủ nhận vượt trần lãi suất (25/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật