Chủ Nhật, 27/05/2012 23:12

Lãi suất sẽ giảm dưới mức trần

Theo các chuyên gia tài chính, cùng với việc hạ nhanh lãi suất cần có thêm các chính sách kích thích tiêu dùng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngày 28-5, các ngân hàng sẽ áp dụng trần lãi suất mới

Ngày 28-5, các ngân hàng (NH) thương mại chính thức áp dụng trần lãi suất mới. Theo đó, lãi suất huy động vốn kỳ hạn dưới 1 tháng là 3%, kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 11%/năm. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ không quá 14%/năm.

Sẽ giảm dưới mức trần

Như vậy, từ đầu tháng 3-2012 đến nay, trần lãi suất đầu vào kỳ hạn 1 tháng trở lên đã giảm 3% (từ 14%/năm xuống còn 11%). Trần lãi suất cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên trong vòng 1 tháng qua cũng đã giảm từ 15%/năm xuống còn 14%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm lãi suất như trên là khá ấn tượng. Tuy nhiên, dù lãi suất đã giảm mạnh và nhanh  song vẫn chưa đủ kích thích kinh tế tăng trưởng như kỳ vọng.

Ngay sau khi NH Nhà nước ban hành trần lãi suất mới, nhiều NH đã công bố việc điều chỉnh lãi suất của mình. NH Á Châu (ACB) thông tin lãi suất tiền gửi các kỳ hạn tuần là 3%/năm, lãi suất thả nổi kỳ hạn 1-3 tháng 11%/năm, kỳ hạn 6 tháng 10,5%, kỳ hạn 9 và 12 tháng 10%/năm. Tương tự, NH Quốc tế (VIBank) áp dụng lãi suất tiết kiệm từ 1 đến 12 tháng đều ở mức 11%/năm, kỳ hạn 15 -36 tháng 10%/năm...

Cuối tuần trước, NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) cũng đã giảm lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dài từ 24 đến 60 tháng xuống 10%-10,5%/năm; NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng về mức 11%/năm. Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết lãnh đạo Vietcombank sẽ nhóm họp trong ngày 28-5 để bàn biện pháp có thể tiếp tục điều chỉnh lãi suất giảm thêm trong vài ngày tới.

Nhiều NH cũng đang nghe ngóng tín hiệu thị trường để xem xét có thể giảm lãi suất huy động vốn xuống dưới mức trần hoặc giảm thêm các mức lãi suất cho vay không phải đối tượng ưu tiên. Lãnh đạo một NH có trụ sở tại Hà Nội cho rằng ngoài việc áp dụng quy định mới về trần lãi suất, nhiều khả năng các NH sẽ đồng loạt đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng trở lên về mức 10%/năm vì lạm phát kỳ vọng của năm 2012 chỉ ở mức 8%, người gửi tiền sẽ có lãi suất thực dương. Còn lãi suất cho vay sẽ giảm thêm 1% so với mức lãi suất cũ  bởi hiện tại nhu cầu vay vốn rất thấp.

Thực tế cho thấy dư nợ cho vay tháng 5-2012 của các NH trên địa bàn TPHCM chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, ước đạt 762.000 tỉ đồng.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, dù lãi suất đang giảm nhanh nhưng nếu chỉ giảm lãi suất sẽ tác động không nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, so với lạm phát kỳ vọng, lãi suất hiện vẫn còn cao nên dư nợ cho vay của các NH chưa thể tăng mạnh.

Một số chuyên gia tài chính cũng cho rằng lúc này lãi suất không còn là yếu tố quan trọng nhất mà vấn đề cốt lõi là phải có giải pháp kích cầu, tạo thêm việc làm để người lao động tăng thu nhập, kích thích tiêu dùng để DN bán được hàng, trả số nợ đã vay NH rồi tiếp tục vay mới. Khi đó, tăng trưởng tín dụng mới đi lên, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật  (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng: Lãi suất huy động vốn cần giảm sâu hơn nữa, có thể xuống dưới 10%/năm để người dân không còn tập trung kiếm lời vào tiền gửi tiết kiệm, chuyển vốn sang kênh đầu tư khác tạo thêm việc làm. Ngoài ra, NH Nhà nước cần đẩy mạnh thanh tra trần lãi suất để vốn giá rẻ đến đúng địa chỉ. Nhà nước cần sớm miễn giảm thuế thu nhập DN sẽ làm cho nhiều thành phần kinh tế giảm được giá thành sản phẩm, tác động tích cực đến lạm phát, góp phần cho lãi suất đi xuống.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Mở TPHCM, đề xuất Chính phủ giảm 50% thuế GTGT để DN tăng năng lực tài chính, đồng thời Nhà nước cũng nên miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân để người dân tăng sức mua, khơi thông đầu ra cho DN, NH mới dám cho vay.

Cần giảm mạnh chi tiêu thường xuyên, kiên quyết không xây dựng trụ sở các bộ ngành, cơ quan chính quyền địa phương, dùng số tiền đó tăng hỗ trợ hộ nghèo. Đồng thời, Chính phủ cũng nên ngưng thu phí giao thông đường bộ nhằm giảm bớt các khoản chi cho người dân. Từ đó, giá thành sản phẩm sẽ giảm thêm, người dân mới tăng sức mua, kích thích kinh tế phát triển.

PGS - TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Thy Thơ

Người lao động

Các tin tức khác

>   Hợp tác với ngân hàng ngoại: Cần người hay cần tiền? (27/05/2012)

>   Cơ cấu lại nợ: Ranh giới giữa “bình thường” và “không bình thường” (27/05/2012)

>   Thống đốc: "6 ngân hàng yếu kém đang được giám sát toàn diện" (26/05/2012)

>   ĐHĐCĐ Sacombank: Chuyển giao quyền lực (26/05/2012)

>   Chưa quyết định thu hồi tiền kim loại (26/05/2012)

>   Hợp tác với ngân hàng ngoại: Cần người hay cần tiền? (25/05/2012)

>   Hạ trần lãi suất huy động xuống 11%/năm từ 28/05 (25/05/2012)

>   Techcombank phủ nhận vượt trần lãi suất (25/05/2012)

>   Ngân hàng lớn phát tín hiệu giảm lãi suất? (25/05/2012)

>   Tháng 6, 7 là thời điểm tốt để vay tiền (25/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật