Thứ Hai, 14/05/2012 21:47

Để kinh tế golf phát triển

Sân golf không phải “tội đồ”, thậm chí còn được coi là một yếu tố quan trọng đảm bảo Việt Nam có một môi trường đầu tư tốt. Tuy nhiên, để kinh tế golf phát triển, còn rất nhiều việc phải làm.

Sân golf - yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư

Dẫn câu chuyện rằng, một quan chức Malaysia khi chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã cho biết, vấn đề quan trọng trước tiên không phải là dự án đầu tư, mà là làm sao đảm bảo cho các nhà đầu tư từ Nhật Bản, châu Âu… có một môi trường sống tốt ở nước tiếp nhận đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, cần phải có cách nhìn chính xác hơn về sân golf. “Cùng với việc coi golf là một môn thể thao cần phát triển, phát triển sân golf có lợi ích lớn đối với phát triển du lịch, giải quyết việc làm, thì hãy đối xử với sân golf như là một trong những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo Việt Nam có một môi trường đầu tư tốt”, ông Mại nói.

Thực tế, theo thông tin của ông Nguyễn Văn Hảo, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam, một số nhà đầu tư Hàn Quốc khi tìm đến Nghệ An, Hà Tĩnh để tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực chế biến thủy sản cũng đã rất quan tâm việc địa phương có sân golf hay không. Ngay khi biết địa phương có sân golf, một doanh nghiệp đã quyết định đầu tư.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quê, Phó trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cho biết, đã từng có nhà đầu tư bỏ đi chỉ vì biết rằng, ở Thừa Thiên Huế chưa có sân golf nào. Hiện tại, ông Quê cho biết, Huế đang chờ sân golf đầu tiên của tỉnh (Sân golf Laguna) đi vào hoạt động trong tháng 9 tới, để góp phần thu hút đầu tư vào địa phương mình.

Thực tế, khi xây dựng các bản đề xuất về các dự án sân golf, trước khi nhắc tới chuyện thu hút du lịch golf, các địa phương đều nhấn mạnh một mục tiêu quan trọng, đó là đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Và cả 29 sân golf đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay cũng đều được xây dựng ở những địa phương thuộc diện “top” đầu trong thu hút FDI và du lịch của Việt Nam. Chẳng hạn, Hà Nội (6 sân golf), Bình Dương (2 sân), TP.HCM (2 sân), Hải Phòng (2 sân)… Các sân golf này đều đã và đang thu hút một lượng lớn người chơi golf ở Việt Nam, trong đó có một phần không nhỏ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Nhưng nếu đã xem sân golf như là một thành tố của môi trường đầu tư, thì nên xem lại chính sách đối với loại hình kinh doanh này”, ông Mại nói và cho rằng, do quan niệm chưa đúng về sân golf và phát triển golf tại Việt Nam hiện nay, nên đã có những chính sách thuế bị áp đặt không phù hợp với sân golf.

Chính sách cho sân golf cần cởi mở hơn

Không phải ngẫu nhiên mà tại Tọa đàm về quy hoạch golf và các vấn đề về kinh tế golf, do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, ngay khi GS-TSKH Nguyễn Mại nói về những bất hợp lý trong chính sách thuế đối với sân golf hiện nay, ông Nguyễn Văn Hảo, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam đã bày tỏ sự cảm ơn đối với GS-TSKH Nguyễn Mại, bởi ông đã nói thay lời của những thành viên của Hiệp hội Golf Việt Nam.

“Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sân golf ở mức 20% là không hợp lý. Không thể đánh đồng môn thể thao golf với các dịch vụ massage, hay rượu, thuốc lá… Cũng không thể đánh thuế nhập khẩu xe chạy điện trong sân golf bằng với xe ô tô chạy ngoài đường. Ngoài ra, các sân golf còn phải đóng 10% thuế VAT, 6% thuế môi trường. Đóng thuế cao như vậy, khiến phí chơi golf cũng bị đẩy lên cao”, ông Hảo nói và cho biết, tới đây, Hiệp hội Golf Việt Nam sẽ đề xuất việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho sân golf. Việc này, theo ông Hảo, sẽ giúp nhà đầu tư tăng khả năng hoàn vốn, giảm phí chơi golf, qua đó thu hút thêm người chơi, tăng doanh thu cho các dịch vụ du lịch của Việt Nam.

Chia sẻ về điều này, ông Hal Phillips, Giám đốc điều hành Mandarin Media, công ty có nhiều khách hàng đang hoạt động trong lĩnh vực golf, du lịch golf cho biết, các sân golf ở Việt Nam đang bị đánh thuế cao hơn so với tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí khác và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, theo ông Phillips, chơi golf ở Việt Nam đắt hơn nhiều so với ở Thái Lan. “Ngành du lịch golf Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn, nếu như phí chơi golf ở Việt Nam cạnh tranh hơn”, ông Phillips bày tỏ quan điểm.

Trên một khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Ngọc Chu, Phó chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam, bất động sản là một cấu thành không tách rời của sân golf. Vì vậy, không nên cấm việc gắn phát triển biệt thự, đô thị với sân golf, tất nhiên là phải ở một tỷ lệ hợp lý.

“Đối với quy hoạch sân golf ở Việt Nam hiện nay, mỗi sân golf không quá 100 ha, như vậy, nếu cho phép dùng 10 – 30 ha làm bất động sản, thì hiệu quả đầu tư sẽ tăng lên nhiều lần”, ông Chu nói và cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào thu phí, nhà đầu tư sẽ không có lãi và không còn muốn đầu tư vào sân golf.

Đồng quan điểm, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Jeff Puchalski, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn quản lý sân golf Fore Golf Asia cho rằng, thiết kế và xây dựng một sân golf không hề rẻ, rồi vận hành và bảo dưỡng cũng rất đắt, nên các sân golf cần sự hỗ trợ từ nguồn thu của các khách sạn, khu nhà ở và các dịch vụ khác để duy trì hoạt động. “Hiện ở Việt Nam còn ít người chơi golf, các hạng mục bất động sản sẽ giúp nhà đầu tư sân golf giảm thiểu rủi ro và giúp việc huy động vốn đầu tư sân golf dễ dàng hơn”, ông Puchalski nói và cho rằng, khó có thể tưởng tượng các sân golf nằm xa thành phố lớn có thể tồn tại nếu không có các hạng mục khách sạn, nhà ở đi kèm.

Tương tự, bà Anna Lomas, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, đánh giá và tư vấn của Colliers International cũng cho rằng, nếu chỉ dựa vào việc bán thẻ hội viên và các dịch vụ trong sân golf, thì rất khó thu hồi vốn đầu tư. “Sân golf đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và thời gian dài mới thu hồi được vốn. Vì vậy, việc xây dựng bất động sản đi kèm sân golf là cần thiết cho chủ đầu tư để duy trì hoạt động và thu hồi vốn”, bà Lomas nhấn mạnh.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

“Chơi golf ở Việt Nam hiện nay rất đắt”

Ông Andrew Jon Bowles, Giám đốc điều hành Sân golf Vietnam Golf & Country Club

Chơi golf ở Việt Nam hiện nay rất đắt so với các nước như Australia, Indonesia. Theo tôi, để Việt Nam có thể phát triển golf hơn nữa và có nhiều người chơi được golf, thì giá phải rẻ hơn.

Golf có những đóng góp to lớn vào nền kinh tế, tăng ngân sách, giải quyết việc làm, nhưng không hiểu vì sao, người ta lại có cái nhìn kỳ thị về sân golf ở Việt Nam như vậy.

“Nếu có chính sách thông thoáng, sẽ có thêm nhiều nguồn thu từ golf”

Ông Ben Styles, Giám đốc điều hành Sân golf Danang Golf Club

Golf ở Việt Nam đang phát triển chậm hơn so với các nước khác. Tôi nghĩ, để phát triển golf hơn nữa, cần có sự ủng hộ của Chính phủ. Nếu Chính phủ có chính sách thông thoáng, ưu đãi hơn cho golf, thì sẽ có nhiều người chơi golf và từ đó sẽ có thêm nhiều nguồn thu đến từ golf.

Tôi không lo ngại chuyện cạnh tranh golf ở Việt Nam, bởi chúng tôi đang hợp tác rất tốt với nhau và nếu như có thêm những đối thủ mới trên thị trường, thêm nhiều sân golf nữa, thì sẽ càng thu hút thêm người chơi từ bên ngoài vào Việt Nam.

“Phát triển bất động sản ở sân golf là chuyện bình thường”        

Ông Vũ Duy Thành, Tổng giám đốc Sân golf Đầm Vạc

Việc xây dựng nhà ở sân golf, ở bờ biển, hay trong đô thị là chuyện bình thường. Phát triển bất động sản ở sân golf không sai về mô hình kinh tế, không sai về đạo đức xã hội và cũng không sai về lý thuyết phát triển bất động sản. Vấn đề là, liệu nó đã hợp thời chưa, lộ trình để nó đi vào thị trường bất động sản Việt Nam như thế nào?

Khi mọi chuyện còn chưa rõ ràng, thì tôi rất chia sẻ rằng, để tránh những hậu quả không tốt cho xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc không gắn sân golf với với bất động sản. Đấy cũng có thể là một cách minh bạch cho golf. Nhưng về lâu dài, việc bất động sản xuất hiện ở sân golf là hoàn toàn bình thường.

“Sử dụng đất lúa làm sân golf tùy vào từng trường hợp cụ thể”

Ông Nguyễn Quê, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Việc Chính phủ muốn đảm bảo an ninh lương thực, nên cấm sử dụng đất lúa để xây sân golf là chính xác. Tuy nhiên, cũng còn phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

Ở Chân Mây - Lăng Cô, nếu phát triển nông nghiệp thì hiệu quả rất thấp, trong khi nếu cho xây dựng sân golf thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều. Trong kinh tế thị trường, một trong những yếu tố rất quan trọng cần xem xét là hiệu quả kinh tế - xã hội như thế nào.

Hiện nay, ngoài Sân golf Laguna sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9 tới, chúng tôi đang đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung hai sân golf của Tập đoàn Phong Phú và Công ty Phát triển Lập An vào Quy hoạch Phát triển sân golf đến năm 2020.

Nguyên Đức

Đầu tư

Các tin tức khác

>   "Trụ sở Bộ Giao thông khó bán nếu chỉ được xây 9 tầng" (14/05/2012)

>   4 tháng cả nước tiêu thụ 14,7 triệu tấn xi măng (14/05/2012)

>   Thất thu thuế “khủng” vì thị trường ôtô giảm mạnh? (14/05/2012)

>   Nhiều doanh nghiệp được chỉ định thầu nghìn tỉ (14/05/2012)

>   Vật lộn với cước vận tải biển (14/05/2012)

>   Doanh nghiệp vật liệu xây dựng được cứu? (14/05/2012)

>   Hàng loạt DN thủy sản sắp phá sản: Sụp đổ dây chuyền (14/05/2012)

>   Thế chấp hàng tồn kho để khôi phục sản xuất (14/05/2012)

>   Không thể dồn tiền cho Vinalines (14/05/2012)

>   Các hội đang ở đâu? (14/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật