Cơ chế tài chính “bó chân” xúc tiến thương mại
Nhiệm vụ phình to, vốn ít, cơ chế rót vốn bất cập, công tác xúc tiến thương mại (XTTM) đang “bơi” giữa biển lớn.
Kinh phí giảm, đầu việc tăng
Xuất khẩu những năm gần đây liên tục tăng trưởng ở mức trên dưới 30%/năm, nhưng kinh phí cho hoạt động XTTM lại liên tục giảm: từ 170 tỷ đồng năm 2009, còn 120 tỷ đồng năm 2010 và 55 tỷ đồng năm 2011.
Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục XTTM cho biết: “Ngân sách dành cho Chương trình XTTM quốc gia năm 2012 là 43,93 tỷ đồng, chỉ bằng 0,0022% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 1/50 mức trung bình của thế giới và đáp ứng 1/7 đề xuất của doanh nghiệp”.
Theo ông Hải, điều vô lý là, trong lúc kinh phí ngày càng ít đi, thì từ năm 2011, Chương trình XTTM phải “ôm” thêm hai nhiệm vụ. Ngoài XTTM xuất khẩu, chương trình này phải XTTM cả thị trường trong nước và miền núi, biên giới, hải đảo, mà thị trường nào cũng yêu cầu đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao.
Có ý kiến cho rằng, dù kinh phí XTTM giảm, nhưng kết quả xuất khẩu vẫn tăng cao những năm qua, nên không nhất thiết phải tăng kinh phí XTTM. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Tiêu Việt Nam cho rằng, XTTM như “đốt đuốc tìm ếch”, không phải đi năm nay là ký ngay được hợp đồng năm nay, mà có khi năm sau, thậm chí vài năm sau mới ký được hợp đồng.
Thực tế, năm 2011, dù khủng hoảng, nhưng xuất khẩu vẫn tăng 33% là nhờ kết quả XTTM những năm trước. Tuy nhiên, năm 2012, xuất khẩu đã bị tác động tiêu cực ngay một phần vì việc cắt giảm mạnh kinh phí XTTM trong năm 2011.
Phải nhắm vào xuất khẩu
Tại Phiên họp thường kỳ vừa qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có việc tăng ngân sách cho hoạt động XTTM, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn.
Đây là chỉ đạo đúng đắn, song các doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần đưa ra thông điệp cụ thể hơn, theo đó, cần tập trung kinh phí XTTM để nhắm vào thị trường xuất khẩu.
“Không thể tiêu thụ được trong nước với điều kiện thắt chặt tín dụng, thắt chặt đầu tư như hiện nay. Lối thoát duy nhất của ngành thép hiện nay là xuất khẩu, song Bộ Tài chính lại ‘dọa’ đánh thuế xuất khẩu thép 4%”, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép lo lắng.
Chia sẻ quan điểm này, tổng giám đốc một công ty may mặc thẳng thắn nói: “Chúng tôi rất muốn gia tăng thị phần trong nước, song thị trường chính của ngành dệt may Việt Nam vẫn là xuất khẩu. Vì vậy, để giảm khó khăn hiện nay, phải nhắm vào xuất khẩu”.
Trên thực tế, hầu hết cơ quan XTTM của các quốc gia đều thực hiện nhiệm vụ chính là xúc tiến thị trường xuất khẩu. Còn ở Việt Nam, kinh phí ít, song hoạt động XTTM lại khá dàn trải.
Cần có kế hoạch dài hơi
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, XTTM chỉ có thể mang lại hiệu quả cao, nếu có những chương trình, dự án dài hơi. Song với cơ chế rót vốn hiện nay, doanh nghiệp chỉ dám đề xuất các chương trình, dự án ngắn hạn.
“Ngày 1/7 hàng năm, chúng tôi nộp kế hoạch Chương trình XTTM của năm tới cho Bộ Tài chính để cơ quan này xem xét, trình Quốc hội. Thông thường, cuối tháng 11, Quốc hội họp và duyệt kinh phí. Nhưng thường đến tháng 3 năm sau, Bộ Tài chính mới thông báo và có khi tới tháng 9 mới rót tiền, nên công tác XTTM khó có thể thực hiện hiệu quả. Tôi có thể bơi qua biển, nhưng cơ chế tài chính bó tay, bó chân như hiện nay, thì bơi qua ao cũng khó”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Các doanh nghiệp cho hay, Thông tư số 88/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính Chương trình XTTM quốc gia có nhiều quy định rất vô lý. Đơn cử, trong khi Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, doanh nghiệp tham dự hội chợ triển lãm ở nước ngoài được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền gian hàng, thì Bộ Tài chính lại đưa ra hạn mức hỗ trợ tối đa là 40 triệu đồng.
Được biết, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi thông tư này.
Hà Tâm
đầu tư
|