Cơ cấu nợ hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp cung cấp thông tin, ngân hàng tư vấn cơ cấu nợ. Doanh nghiệp không muốn vay mới.
Nhiều doanh nghiệp (DN) không vay được vốn mới do có nợ xấu. Nợ xấu phát sinh do thị trường ế ẩm, hàng tồn kho cao, lãi suất vay trước đây đến 20% quá cao khiến DN không trả được nợ. DN muốn đảo nợ hay hoán nợ nhưng ngân hàng (NH) không muốn vì rủi ro cao.
Thận trọng xét nợ
“Việc cơ cấu lại nợ cần làm thật kỹ lưỡng và thận trọng, nếu không sẽ gia tăng nợ mới thì còn tai hại hơn” - ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MBB), khẳng định. Hiện MBB chia ra sáu nhóm DN để cơ cấu nợ. Nhóm 1 là DN hoạt động tốt, kinh doanh hiệu quả, không có nợ quá hạn. Nhóm 2 là DN cần được giảm lãi suất. Nhóm 3 là DN cần phải cơ cấu lại nợ, DN có chiến lược nhưng thiếu vốn. Chỉ ba nhóm này thì NH mới có thể bơm vốn. Nhóm 4, 5, 6 là các DN chỉ có thể được điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, tệ hơn là xử lý tài sản đảm bảo hoặc phải kiện ra tòa.
Vậy làm sao giúp DN cơ cấu lại nợ? Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nên thành lập hai quỹ: Quỹ mua lại nợ xấu và Quỹ bảo lãnh tín dụng. Ông cho biết mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng ở Bắc Ninh đang hoạt động rất hiệu quả. DN nào lâu nay vẫn nộp thuế đầy đủ, trả nợ NH đúng hạn thì sẽ được bảo lãnh. Ngay cả DN đang còn nợ mà chưa trả được thì quỹ cũng xem xét để đánh giá trước khi bảo lãnh.
|
Nhiều NH có kế hoạch phân loại DN và cơ cấu lại nợ để tiếp tục cho vay. Trong ảnh: Giao dịch tại một ngân hàng. |
Có bảo lãnh, có khả năng vay
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, cho biết BIDV vừa làm việc với nhiều hiệp hội DN để đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng phù hợp. Ví dụ, với lĩnh vực bất động sản thì BIDV khuyến khích DN cùng ngành nghề tập hợp lại, NH cam kết tiếp tục cho vay nhưng phải tham gia kiểm soát dòng vốn. NH sẽ tiếp tục cho DN vay vốn mới để hoàn thiện công trình nhưng có điều kiện là chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công và NH cùng ngồi lại với nhau. Trong gói tổng thể bốn nhà này, các bên cam kết thực hiện đúng hợp đồng, NH đứng “cửa giữa”, vừa rót vốn vừa quản lý dòng tiền.
Một số NH khác cũng áp dụng hướng mới như BIDV, kèm theo điều kiện như DN phải bán được hàng, phải chứng minh đang mở rộng thị trường… Nhờ đó mà nhiều DN được vay vốn, kể cả DN kinh doanh bất động sản. Ông Bùi Quốc Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Minh Giao, cho biết: “DN nên xem kỹ điều kiện vay của NH để có thể vay vốn thuận lợi. Công ty chúng tôi chuyên nhập khẩu các loại thiết bị từ nước ngoài về, bán cho các dự án bất động sản. Chúng tôi từng vay vốn với lãi suất trên 20%. Mới đây, chúng tôi tìm hiểu kỹ điều kiện vay, ngoài những giấy tờ thông thường, phương án kinh doanh tốt thì công ty còn thuyết phục khách hàng bảo lãnh cho khoản vay. Nhờ vậy mà công ty vừa vay được vốn với lãi suất 15%”.
Sản xuất khó vay vì “tin xấu”
Ông Đặng Quốc Tiến cho biết trường hợp DN buôn bán thông thường nhưng khó kiểm soát được rủi ro thì NH vẫn từ chối cho vay. Mới đây, MB đã từ chối một công ty chuyên nhập khẩu gỗ từ Campuchia để bán sang Trung Quốc. Xét thấy đây không thuộc lĩnh vực khuyến khích, mà khâu quản lý lưu thông trên đường đi, quản lý loại nhóm gỗ cũng khó… nên MB từ chối cho vay.
Đại diện một NH cho biết: “Muốn cho vay, NH phải tra xét thông tin cả ngành chứ không chỉ thông tin của DN đi vay. Nhiều DN thủy sản xin vay. DN chứng minh có nhà máy, có thiết bị tốt, công suất cao, có thị trường xuất khẩu. Thế nhưng thông tin trong ngành cho thấy thủy sản Việt Nam bị mang tiếng, bị cảnh báo nhiễm hóa chất này, hóa chất kia. Nhiều NH quá thận trọng với thông tin bên lề, e ngại về khả năng suy giảm xuất khẩu của DN nên cứ hồ sơ DN thủy sản là từ chối cho vay. Tuy nhiên, nếu biết cách tính toán xem bơm vốn bao nhiêu, bơm trong bao lâu để DN đó không mất cân đối, DN sống được mà NH cũng không bị rủi ro thì nên bơm vốn cho DN”.
DN không muốn vay mới
Ở NH chúng tôi hầu như không có DN nộp hồ sơ vay mới. NH phải đi tìm DN để mời vay. Khi mời DN thân quen lâu năm thì họ đang ổn định, không muốn vay mới.
Ông TRẦN XUÂN DŨNG, Giám đốc Ngân hàng Đại Á - Chi nhánh TP.HCM
Không dám mở rộng sản xuất
DN đang hoạt động tốt chỉ muốn duy trì hoạt động chứ không dám vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh vì sợ thị trường suy giảm.
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông
|
YÊN TRANG - BÙI NHƠN
Pháp luật TPHCM
|