Thứ Hai, 28/05/2012 14:04

“Đại phẫu” ngành thủy sản

5 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,3 tỷ USD tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Song ngành thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thị trường, nguồn vốn và rất khó để đưa ra một dự báo dài hơi.

Khó chồng khó

Theo kết quả điều tra của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I-2012 có khoảng 30% DN đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất. Khó khăn nhiều nhưng chủ yếu do 2 yếu tố thị trường và nguồn vốn.

Theo đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như châu Âu, Hoa Kỳ đang sụt giảm mạnh do khủng hoảng tài chính. DN phải tìm đến những thị trường mới ở châu Á.

Tuy nhiên, trong tháng 4 vừa qua 26 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo ở Nhật Bản, tăng 36,8% so với 19 lô của tháng trước. Cùng với đó là những khó khăn đến từ việc kiểm tra, chứng thực trước khi xuất khẩu do các ngành chức năng đưa ra, theo các DN là quá khắt khe và không đúng thời điểm.

Chi phí kiểm nghiệm lô hàng thành phẩm trước khi xuất khẩu đang trở thành gánh nặng đối với DN bởi mức phí phải trả tăng trung bình 1,5-2 lần so với trước đó.

Hơn nữa, việc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng cùng các biện pháp, thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến đa phần hàng thủy sản Việt Nam phải chờ 7-10 ngày trước khi xuất, là bất lợi lớn so với các nước xuất khẩu mặt hàng thủy sản tương tự nước ta, làm giảm hẳn năng lực và lợi thế cạnh tranh của DN Việt Nam.

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến các DN đang khốn đốn là nguồn vốn. Hiện nay có khoảng hơn 90% DN thủy sản có nhu cầu vay vốn khẩn cấp trong quý II-2012.

Trong đó, nhu cầu vay mức thấp nhất là 10 tỷ đồng và cao nhất đến 500 tỷ đồng để khôi phục sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Nếu có vốn DN có thể duy trì sản xuất, chờ cơ hội, đầu tư thêm vào hoạt động sản xuất nguyên liệu…

Tuy nhiên, nguồn vốn đang bị thắt chặt và xuất hiện thêm nhiều chi phí mới như thuế bảo vệ môi trường cho túi nylon. Bên cạnh đó, nhiều DN đang rất thận trọng khi xuất hàng, bởi tuy có đơn hàng mới nhưng do sợ bị “ngâm vốn” và khó thu hồi công nợ, khó bảo tồn nguồn vốn và xoay nhanh vốn lưu động để sản xuất.

Những khó khăn trên đang cản trở sự phát triển của ngành và dù kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2012 tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng theo dự báo trong tháng 5 này sản lượng xuất khẩu có thể giảm và nguyên liệu cho những tháng tiếp theo sẽ không còn phong phú.

Cần giải pháp tổng thể

Nghị quyết 13 của Chính phủ đã đưa một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Trong đó, có các giải pháp gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với một số DN, giảm tiền thuê đất; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhiều cho các DN thủy sản trong thời gian tới. Gói giải pháp 29.000 tỷ đồng và các cơ chế tín dụng cơ cấu, gia hạn nợ từ các ngân hàng sẽ tạo luồng gió mới để vực dậy ngành thủy sản và sẽ tạo động lực cho các

DN tăng cường xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc ban hành kịp thời Quyết định 857/QĐ-NHNN (ngày 2-5) của NHNN được xem như “cánh cửa mở rộng” cho các DN xuất khẩu thủy sản. Với cơ chế này, DN hoàn toàn được vay ngoại tệ (chủ yếu là USD) với lãi suất rẻ hơn VNĐ nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn trong nước.

Cùng với đó, để giải quyết khó khăn trong thời điểm hiện nay, việc quan trọng nhất là chính DN phải tự cứu mình, nỗ lực tái cơ cấu, giữ chữ tín trong sản xuất với đối tác, ngân hàng và người dân.

Tuy nhiên, ngành thủy sản cần có một chiến lược dài hơi với những biện pháp tổng thể để đạt kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm 2012; hướng đến mốc 8 tỷ USD năm 2015 và 10 tỷ USD năm 2020. Theo đó, cần mạnh tay “phẫu thuật”, tái cấu trúc toàn bộ ngành thủy sản, từ DN xuất khẩu đến quy hoạch nuôi trồng, quản lý; giảm số lượng và coi trọng chất lượng, nội lực của DN…

Cùng lúc, ngân hàng cần xem xét khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục hỗ trợ cho những DN làm tốt, có đầu tư chiều sâu, có thương hiệu để tăng cường sản xuất, tạo việc làm cho công nhân và giữ vững thị trường xuất khẩu.

Về lâu dài, VASEP chủ trương không xây thêm nhà máy chế biến thủy sản mà tập trung đầu tư công nghệ hiện đại để có nhiều sản phẩm đạt hàm lượng giá trị tăng cao. VASEP khuyến khích DN xây dựng vùng nguyên liệu, từng bước giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu thủy sản kéo dài trong những năm qua.

Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Quan chức và chuyện công khai tài sản (28/05/2012)

>   Nhập khẩu ôtô tháng 5: Đến đáy thật chưa? (28/05/2012)

>   Thuỷ điện nhỏ “tố” bị EVN ép giá (28/05/2012)

>   TS Lê Thẩm Dương: Đầu ra đang là "yếu huyệt" (28/05/2012)

>   Nhiều dự án ximăng chậm tiến độ (28/05/2012)

>   PVN gặp khó trong việc thoái vốn (28/05/2012)

>   Làm rõ 3 vấn đề liên quan đến Vinalines (27/05/2012)

>   Nhiều mặt hàng thiết yếu giảm giá (27/05/2012)

>   Sai phạm ở Vinalines sẽ được xử lý nghiêm (27/05/2012)

>   Tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa: Bắt đầu từ đâu? (27/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật