Chậm niêm yết vì sợ mất lợi thế
Lo ngại mất lợi thế, nhiều ngân hàng không mặn mà niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trả lời chất vấn cổ đông về chậm niêm yết cổ phiếu tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT thường trực HDBank cho biết, sở dĩ trong năm 2011, Ngân hàng HDBank chưa thực hiện việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức là do bối cảnh thị trường chưa cho phép. Giá cổ phiếu ngân hàng, kể cả một số ngân hàng đã niêm yết cũng về dưới mệnh giá, nên HDBank nhận thấy chưa phải là thời điểm tốt để niêm yết cổ phiếu. Mặt khác, HDBank muốn tìm đối tác chiến lược trước, sau đó mới niêm yết.
Theo bà Thảo, trong năm nay, HDBank sẽ thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng từ mức hơn 3.000 tỷ đồng hiện nay và khi điều kiện thị trường cho phép, Ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung như kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua. Đồng thời, HDBank sẽ chủ động tìm kiếm đối tác phù hợp để mua lại hoặc hợp nhất, nhằm tăng quy mô và nâng cao vị thế.
Mới đây, ĐHĐCĐ Ngân hàng SouthernBank đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE). Chủ tịch HĐQT SouthernBank, ông Mạc Thiệu Đức cho biết, thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ nêu trên, SouthernBank đã chọn Công ty Chứng khoán FPT là đơn vị tư vấn niêm yết chứng khoán. SouthernBank đang bổ sung, hoàn tất các hồ sơ, thủ tục cần thiết để chuẩn bị trình Ngân hàng Nhà nước cũng như Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Tuy nhiên, việc niêm yết cổ phiếu sẽ được HĐQT SouthernBank chọn thời điểm phù hợp. Theo lý giải của SouthernBank, trước bối cảnh thị trường khó khăn và đặc biệt là giá cổ phiếu ngân hàng chưa phục hồi, thì niêm yết sẽ không mấy thuận lợi.
Kế hoạch niêm yết của Ngân hàng DongABank cũng được ĐHĐCĐ thông qua từ các kỳ đại hội trước, nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện khiến không ít cổ đông băn khoăn. Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, các cổ đông đã đưa vấn đề này ra chất vấn HĐQT DongABank. Trả lời chất vấn của cổ đông về vấn đề này, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank cho rằng, thị trường chứng khoán thời gian qua sụt giảm, cổ phiếu ngân hàng cũng sụt giảm theo, thậm chí giảm về dưới mệnh giá (10.000 đồng). Vì vậy, HĐQT DongABank xét thấy, việc niêm yết là chưa cần thiết, đồng thời Ngân hàng muốn bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài trước khi niêm yết.
“Niêm yết sẽ minh bạch và phần nào cải thiện được tính thanh khoản của cổ phiếu DongABank. Song trong các năm qua, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, nếu niêm yết sẽ ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu DongA Bank”, ông Bình phân tích.
Thực tế, kế hoạch niêm yết của không ít ngân hàng trong năm qua phải hủy bỏ do thị trường chứng khoán giảm sâu, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng về dưới mệnh giá, tín dụng cầm cố thắt chặt khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với cổ phiếu. Năm 2012, dù dự báo thị trường còn khó khăn, song nhiều ngân hàng lại có ý định niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung.
Thế nhưng, làn sóng hợp nhất, sáp nhập và thâu tóm đang diễn ra khá sôi động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang cản chân không ít ngân hàng, buộc họ thận trọng hơn với kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức.
Lãnh đạo Ngân hàng Maritime Bank cho biết, việc niêm yết sẽ giúp Ngân hàng minh bạch hơn về tài chính, song khi niêm yết cổ phiếu, sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Trường hợp Sacombank là một điển hình rất nguy hiểm, nên thời điểm nào niêm yết cần phải cân nhắc kỹ.
Mặc khác, một trong những tiêu chí của việc niêm yết cổ phiếu là huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Trên thực tế, các tổ chức kinh tế khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là để tìm kênh huy động, tăng vốn. Thế nhưng, thời gian qua, thị trường chứng khoán sụt giảm và chưa thể sớm hồi phục, nên việc huy động vốn qua kênh này là rất khó. Vì thế, các ngân hàng chưa mặn mà với việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức.
Thùy Vình
Đầu tư
|