Chủ Nhật, 22/04/2012 17:23

Niêm yết trên sàn ngoại, ước mơ xa vời

Bất chấp giấc mơ sàn ngoại của một loạt “đại gia” bất thành, trong mùa ĐHCĐ năm nay vẫn có nhiều DN đưa vấn đề này ra xin ý kiến cổ đông.

Bất chấp giấc mơ niêm yết cổ phiếu trên TTCK nước ngoài của một loạt “đại gia” như VNM, HAG, KDC... bất thành, trong mùa ĐHCĐ năm nay, PV Gas, PDR và nhiều DN lớn khác tiếp tục đưa vấn đề niêm yết trên sàn ngoại ra xin ý kiến cổ đông. Họ sẽ làm thế nào để thực hiện được kế hoạch này khi hành lang pháp lý vẫn chưa thông?

Sau khi nỗ lực của nhiều DN đi trước để niêm yết nơi… trời Tây không thành, do hành lang pháp lý chưa thông, thị trường đang đặt dấu hỏi liệu Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas), CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) và một số DN khác có ý định niêm yết ở nước ngoài là quyết tâm của DN hay chỉ là chiêu PR để thu hút sự chú ý của cổ đông, NĐT?

Kế hoạch phát hành, niêm yết trên TTCK nước ngoài của PDR sẽ được trình ĐHCĐ thường niên năm 2012 diễn ra vào ngày 21/4 tới xem xét, thông qua chính là phương án cũ đã được ĐHCĐ thường niên năm ngoái nêu lên. Theo giải thích của PDR, nguyên nhân khiến Công ty không thể triển khai phương án phát hành 18 triệu cổ phần và niêm yết trên một trong các thị trường London, Singapore hay Luxembour năm ngoái là bởi TTCK và thị trường BĐS trong năm qua đối mặt với nhiều khó khăn...

Trao đổi với ĐTCK, bà Trần Thị Hường, Phó tổng giám đốc PDR phủ nhận nghi vấn cho rằng, Công ty mượn việc công bố kế hoạch niêm yết tại TTCK nước ngoài để PR, đánh bóng. Kế hoạch này của PDR là nghiêm túc và việc chưa thể triển khai được là do yếu tố khách quan. Nếu được ĐHCĐ sắp tới thông qua, PDR dự kiến triển khai kế hoạch phát hành và niêm yết trên TTCK nước ngoài trong năm nay hoặc muộn nhất là trong 4 tháng đầu năm 2013. “Đến thời điểm này, tuy chưa tiếp xúc với các NĐT tiềm năng, nhưng đối tác phát hành mà PDR hướng đến là ngoài năng lực tài chính, thì tiêu chí đặc biệt quan trọng là hoạt động trong lĩnh vực BĐS, để hỗ trợ PDR tối ưu hóa hiệu quả lĩnh vực kinh doanh cốt lõi”, bà Hường chia sẻ.

Với PVGas, chủ trương niêm yết cổ phiếu trên TTCK Singapore vừa được ĐHCĐ diễn ra ngày 17/4 thông qua. Tính khả thi của phương án này còn phải đợi, nhưng có một thách thức PV Gas không dễ vượt qua xuất phát từ việc ngày 16/4/2012, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã có văn bản số 719/2012/SGDHCM-NY thông qua hồ sơ đăng ký niêm yết 1.895 triệu cổ phiếu của PV Gas. Điều này có nghĩa là PV Gas sắp niêm yết trên HOSE. Trong khi đó, quy định pháp lý hiện hành chưa hướng dẫn hình thức niêm yết chéo áp dụng cho một DN đã niêm yết cổ phiếu tại Việt Nam, nay muốn đồng thời niêm yết cổ phiếu tại TTCK nước ngoài. Vướng mắc pháp lý này tồn tại từ nhiều năm nay và là lý do khiến nhiều DN vỡ mộng niêm yết trên sàn ngoại.

Pháp lý chưa thông

Do quy định pháp lý chưa thông, mà cho đến thời điểm này, chưa một DN nào thành công theo đúng nghĩa phát hành và niêm yết cổ phiếu trên TTCK nước ngoài. Nhìn lại kế hoạch phát hành và niêm yết trên sàn ngoại thành công theo nghĩa thí điểm của HAG và một số doanh nghiệp khác cho thấy, không có chuyện các DN này phát hành một lượng cổ phiếu mới và đem nó ra niêm yết trên sàn ngoại, mà họ đi đường vòng bằng cách phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc chứng chỉ lưu ký toàn cầu…

Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nhìn nhận, theo thông lệ quốc tế, để thực hiện được hình thức niêm yết này, giữa Việt Nam và TTCK nơi DN dự định niêm yết chéo phải đạt được một loạt thỏa thuận. Trên cơ sở đó, thiết lập được hệ thống hạ tầng như: thanh toán bù trừ, giám sát, quản lý giao dịch, công bố thông tin… phục vụ cho việc niêm yết và giao dịch. Hai bên còn phải ký các thỏa thuận liên quan đến đầu tư ra nước ngoài, quản lý ngoại hối, xử lý vấn đề chuyển đổi đối với đồng tiền Việt Nam khi chưa có khả năng chuyển đổi và thanh toán quốc tế… Đặc biệt, một DN đang niêm yết tại Việt Nam, đồng thời, niêm yết chéo tại một TTCK nước ngoài, nếu DN này có hành vi “đánh lên” tại thị trường nội địa, nhằm tạo hiệu ứng theo ý muốn tác động lên giá cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài, thì cơ quan quản lý TTCK nước ngoài có được phép vào Việt Nam điều tra để làm rõ dấu hiệu nghi vấn?

Trong khi pháp lý hiện tại chưa đáp ứng được những đòi hỏi phức tạp trên, thì việc DN đang niêm yết tại Việt Nam nỗ lực niêm yết cổ phiếu trên sàn ngoại là điều không tưởng, ngoại trừ trường hợp họ tiếp tục đi đường vòng như một số DN đã làm. Quy định pháp lý cho phương thức đi đường vòng sắp được khơi thông, khi theo công bố của UBCK, sau thời gian thí điểm, cơ chế cho DN phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu sẽ được định hình tại Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi, theo kế hoạch sắp được ban hành.

Vị chuyên gia trên còn phân tích thêm, về nguyên tắc, các DN chưa niêm yết tại Việt Nam có thể niêm yết thẳng trên TTCK nước ngoài, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn niêm yết của sàn ngoại. Tuy nhiên, điều này không đơn giản, bởi thực tế, DN không dễ đáp ứng được các chuẩn niêm yết trên sàn ngoại, mặt khác vẫn phải chịu nhiều ràng buộc từ phía Việt Nam.

Hữu Đạo

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   CTG được niêm yết bổ sung gần 118 triệu cổ phiếu (17/04/2012)

>   HCM: Giao dịch 250,770 cổ phiếu phát hành thêm (12/04/2012)

>   TRI hủy niêm yết cổ phiếu từ ngày 10/04 (05/04/2012)

>   DRL: 11/04 chào sàn 9.5 triệu cp, giá 20,000 đồng (03/04/2012)

>   BAS bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp (03/04/2012)

>   Hủy niêm yết, TRI sẽ giao dịch trên UPCoM (03/04/2012)

>   MBB được niêm yết bổ sung 270 triệu cổ phiếu (03/04/2012)

>   Anghimex đăng ký niêm yết 18.2 triệu cổ phiếu (29/03/2012)

>   ACBGF được niêm yết hơn 24 triệu chứng chỉ quỹ (29/03/2012)

>   PVGas đăng ký niêm yết toàn bộ vốn, gần 2 tỷ cổ phiếu (28/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật