Tập đoàn Mai Linh - Vạn dặm lên sàn
Khoảng 5 năm trước, nói đến CTCP Tập đoàn Mai Linh (MLG) giới đầu tư nghĩ ngay đến hình ảnh một doanh nghiệp có thương hiệu, vị thế lớn mạnh và CP cực “hot”. Nhưng giờ đây, MLG lại đang thua lỗ nặng nề và CP thuộc vào loại bèo nhất trên thị trường.
Thua lỗ, kém minh bạch
Theo BCTC hợp nhất 2011 tại thời điểm 31-12-2011, MLG hiện có vốn điều lệ 876 tỷ đồng, doanh thu năm 2011 đạt xấp xỉ 3.100 tỷ đồng, tăng khoảng 300 tỷ đồng so với năm trước, nhưng công ty lại bị lỗ hơn 203 tỷ đồng. Điều này đã đẩy khoản lỗ lũy kế của MLG gia tăng lên gần 440 tỷ đồng, tương đương với 50% vốn điều lệ.
Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trong giai đoạn khó khăn là chuyện bình thường, nhưng việc MLG thua lỗ có nhiều điểm đáng chú ý. Theo dõi báo cáo kiểm toán 3 năm 2009, 2010, 2011 của MLG có thể dễ dàng nhận thấy điểm chung là đơn vị kiểm toán đều chỉ ra một loạt vấn đề khiến cho chi phí tăng và lợi nhuận giảm, dù đó là năm MLG có lãi (2010 lãi hơn 68 tỷ đồng) hay năm bị lỗ (2009, 2011).
Ở đây, các công ty kiểm toán cho MLG trong 3 năm gần đây không thuộc nhóm Big 4 (4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) và thực tế các ý kiến đơn vị này đưa ra, đứng trên góc độ của NĐT cá nhân là khá mơ hồ. Chẳng hạn, trong báo cáo kiểm toán cho BCTC hợp nhất 2010 của MLG đưa ra vấn đề “các khoản chi phí trả trước ngắn hạn, dài hạn chưa được ghi nhận vào KQKD theo quy định của chuẩn mực/chế độ kế toán Việt Nam” như trình bày tại mục V.5 và mục V.14 của thuyết minh BCTC hợp nhất.
Vậy giá trị cụ thể các khoản này là bao nhiêu? Gồm các tiểu khoản nào? Hoặc như trong báo cáo kiểm toán cho BCTC hợp nhất năm 2011 của MLG, kiểm toán viên đưa ra vấn đề “chưa thu thập được bằng chứng kiểm toán phù hợp về việc lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn khác của thuyết minh BCTC riêng”. Tại sao đang nói trong BCTC hợp nhất lại đưa BCTC riêng? Tổng giá trị các khoản đầu tư dài hạn là bao nhiêu?
Nếu nhìn trên khoản mục “Các khoản đầu tư tài chính dài hạn” trên BCTC hợp nhất 2011 của MLG, sẽ thấy có phần “đầu tư dài hạn khác” vào thời điểm 31-12 có giá trị khoảng 194 tỷ đồng, nhưng phần dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn lại không có.
MLG đã trích dự phòng đầy đủ từ những năm trước nên không phải trích thêm nữa? Hay các khoản đầu tư của MLG năm qua không giảm giá? Hoặc công ty thiếu minh bạch? Trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi trên không hề đơn giản. Thua lỗ, lại không minh bạch, MLG đang khiến cho số ít những người còn quan tâm đến công ty trở nên ngán ngẩm. Việc không công bố rõ số liệu có thể tạo ra cảm giác công ty chưa thể tìm ra lối thoát.
CP “lạc hậu”
Hiện tại, CP của MLG được rao bán trên một website chuyên về CP OTC với giá thấp hơn 2.000 đồng/CP. Giá bèo nhưng giao dịch cũng cực kỳ ảm đạm. Điều này hợp lý khi đa phần NĐT đều nhận thấy rõ việc mua MLG lúc này gần như không có một lợi ích nào.
Mua để đợi lên sàn và bán? Khả năng này nếu có xảy ra sẽ còn rất lâu nữa. Với khoản lỗ lũy kế gần 440 tỷ đồng, MLG xem như không có cửa lên HOSE vì HOSE quy định muốn niêm yết phải không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết.
Trong trường hợp MLG xử lý được lỗ lũy kế của mình lại vướng tiếp quy định 2 năm liền trước thời điểm niêm yết phải có lãi. Như vậy, khả năng sáng sủa nhất để MLG có thể lên được HOSE phải đến 2 năm nữa. Nhưng thực tế, việc “lấp” được khoản lỗ lũy kế hiện nay là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho MLG. MLG hoạt động đa ngành nghề, nhưng được biết đến nhiều nhất qua mảng kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, hiện nay MLG đang vấp phải cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các đối thủ khác và xe khách cũng như taxi Mai Linh giờ đây không phải là sự lựa chọn tuyệt đối của hành khách. Trường hợp niêm yết tại HNX, các quy định có thể thấp hơn, nhưng cũng vướng quy định KQKD năm liền trước phải có lãi, như vậy nếu khả quan phải 1 năm nữa MLG mới lên được HNX.
Thua lỗ nhiều năm, chính vì vậy MLG cũng không thể trả cổ tức cho cổ đông. Họa hoằn có năm 2009, MLG thông báo chốt danh sách cổ đông để lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM, kèm theo đó là việc chia thưởng CP với tỷ lệ 2:1.
Nhưng việc chia thưởng một CP yếu kém xem ra không có nhiều ý nghĩa và việc niêm yết trên sàn UPCoM của MLG đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Chính vì điều này mà một cổ đông từng lướt sóng MLG trong giai đoạn 2006-2007 đã xếp MLG vào nhóm CP lạc hậu. Rất nhiều NĐT cá nhân và có cả quỹ đầu tư đã mua vào MLG cách đây 5-6 năm với giá 3.0-4.0 giờ đây bị “kẹp” hàng không thể “cựa quậy”.
“Đau” hơn nữa, khi nhìn qua CP của Vinasun (VNS) cách đây gần chục năm chỉ là “đàn em” so với thương hiệu taxi Mai Linh, nhưng giờ đây đã trở thành đối thủ ngang tầm và đã niêm yết CP trên sàn và có hoạt động kinh doanh rất ổn định.
ĐHCĐ của MLG sẽ diễn ra vào ngày 25-4. Những vấn đề của tập đoàn đã được nhận diện, từ khó khăn, kém minh bạch cho đến giá CP rớt thảm. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu lãnh đạo công ty đã chuẩn bị phương án gì để tái cấu trúc, đưa công ty thoát khỏi tình trạng yếu kém như vài năm qua hay chưa?
Chừng nào hoạt động kinh doanh của MLG sẽ khởi sắc mạnh mẽ như thương hiệu MLG cách đây hơn nửa thập niên? Thiết nghĩ, đến lúc này việc doanh nghiệp im lặng, nói tránh, nói giảm hoặc giấu diếm sự yếu kém là điều không nên làm nữa. Quan trọng nhất ở đây là phải bóc tách, chia sẻ một cách thành thực, minh bạch những tồn tại và kêu gọi sự thông cảm từ phía các cổ đông.
Không rõ trong thời gian qua, MLG đã thực hiện công việc tái cấu trúc của mình đến đâu? Đã làm hay chưa? Nếu đã làm rồi cũng phải công bố rộng rãi cho các cổ đông bên ngoài nhìn thấy yên tâm. CP đang gặp bất lợi về mặt kinh doanh vẫn có thể níu kéo được NĐT nhờ yếu tố minh bạch.
Nếu không minh bạch cho dù giá của MLG có tiếp tục giảm nữa NĐT cũng không thể nói là rẻ. Ngược lại, thương hiệu Mai Linh vẫn là một thương lớn và nếu công khai minh bạch hơn nữa những vấn đề của mình, có thể kêu gọi được nguồn lực hỗ trợ hoặc cũng sẽ nhận được nhiều sự thông cảm hơn từ các cổ đông.
Minh Ngọc - Thanh Sang
sài gòn đầu tư tài chính
|