Cần giao khoán lợi nhuận cho doanh nghiệp nhà nước
Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chọn phương án chính là cổ phần hoá các doanh nghiệp này. Quá trình này đã được tiến hành từ lâu nhưng vẫn chưa như mong đợi cả về số lượng lẫn chất lượng (hiệu quả). Ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị những giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện phương án trên.
Dù đã xác định cổ phần hoá (CPH) là phương án chính trong cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng tiến trình này vẫn chậm, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Khai thác tài nguyên đất nước đem bán nhưng tập đoàn Than Khoáng sản đang làm chuyện ngược đời: xin Chính phủ giảm mức thuế xuất khẩu từ 20% xuống 0%.
Tôi cho rằng nguyên nhân chính của sự chậm trễ này xuất phát từ những người được giao quản lý vốn trực tiếp tại doanh nghiệp. Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra khi từ chối CPH là kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán ảm đạm, không ai mua cổ phần nhưng có nhiều cách chuyển đổi, vấn đề quan trọng là lãnh đạo doanh nghiệp có kiên quyết CPH hay không.
Nếu ở loại doanh nghiệp yếu kém, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ không thích CPH. Bởi làm lãnh đạo ở DNNN thì trách nhiệm ít hơn, khi làm sai, không hiệu quả, năng suất thấp cũng không làm sao, trừ trường hợp tày trời mới bị kỷ luật, thuyên chuyển công tác. Trong khi đó, quyền hạn cá nhân nhiều hơn doanh nghiệp tư nhân và quyền lợi cũng nhiều hơn. Nhất là lãnh đạo ở loại hình doanh nghiệp đang nắm nguồn vốn và tài sản của Nhà nước lớn hoặc đang được quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn.
Còn lãnh đạo giỏi ở doanh nghiệp tốt thì không thích cơ chế nhà nước vì nhiều ràng buộc, muốn cái gì cũng phải xin, qua nhiều cấp, nhiều cửa, nhiều khoá, họ muốn CPH nhanh để sớm được “tự do”, tức là họ có thể quyết được các vấn đề của doanh nghiệp trong tầm đại hội cổ đông.
Ban lãnh đạo phải là những người biết nhìn xa trông rộng, hy sinh vì đại cuộc chứ không phải lúc nào cũng chăm chăm vào lợi ích cá nhân.
Tiến trình CPH gần đây đã được Chính phủ quan tâm và hy vọng sẽ được đẩy nhanh hơn. Vậy theo ông, cần làm gì để sự thay đổi về chất tương đương với sự biến đổi về lượng?
Hiện ta mới chỉ tiến hành CPH các công ty thành viên hoặc những tổng công ty ở quy mô vừa. Nhiều doanh nghiệp công ích, tập đoàn lớn như Dầu khí, Điện lực… chưa có chủ trương CPH.
Trong khi đó, nhiều tập đoàn, công ty nhà nước vẫn như là đơn vị hành chính trung gian chứ chưa hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Trách nhiệm quản lý của các tập đoàn rất yếu, họ cứ để cho các doanh nghiệp thành viên thích làm gì thì làm mà không có động lực giao lợi nhuận cho từng đơn vị thu vốn về cho ngân sách nhà nước, dẫn đến đầu tư dàn trải.
Vì vậy, theo tôi, để nâng cao trách nhiệm của các DNNN, đồng thời tạo động lực mới cho quá trình tái cơ cấu DNNN thì cần phải giao khoán lợi nhuận. Bởi nhà nước đã cấp vốn, cấp đất đai, cấp tài nguyên thiên nhiên thì hàng năm doanh nghiệp phải nộp “tô”. Nộp “tô” ở đây không có nghĩa là các DNNN phải nộp hết phần lợi nhuận sau thuế về ngân sách nhà nước mà thông qua hình thức chuyển thành công ty cổ phần. Theo đó, Nhà nước sẽ quản lý các tập đoàn, tổng công ty bằng cách giao chỉ tiêu cụ thể. Mỗi năm các tập đoàn, tổng công ty phải nộp cho ngân sách nhà nước một lượng tiền cổ tức nhất định.
Chỉ khi Nhà nước giao chỉ tiêu như vậy mới gây áp lực, buộc các tập đoàn, tổng công ty phải thay đổi phương thức quản lý, kinh doanh. Đồng thời, có kế hoạch giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp thành viên để thu hồi vốn nộp cho ngân sách. Nếu không, doanh nghiệp cứ hoạt động theo kiểu “sống chết mặc bay”, không có mục tiêu cụ thể, lợi nhuận chỉ là trên giấy, thậm chí vẽ ra lợi nhuận chứ không có tiền hoặc thua lỗ.
Đặc biệt, những tập đoàn, tổng công ty lớn như Dầu khí, Viễn thông, Điện lực là những tập đoàn chiếm nguồn vốn và tài nguyên lớn, lợi nhuận hàng năm lên tới hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại chưa có kế hoạch thu vốn về cho ngân sách nhà nước. Cho nên, việc giao khoán lợi nhuận cho các doanh nghiệp này là cần thiết, giúp họ có trách nhiệm với đồng vốn của Nhà nước hơn.
Theo ông, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nhiều sẽ xử lý như thế nào?
Theo tôi, đối với các doanh nghiệp thua lỗ, thay vì để nguyên trạng như hiện nay, trước mắt có thể bán một phần, để thành công ty cổ phần. Sau đó, bán dần hoặc thu hút các nhà đầu tư chiến lược dần dần. Đặc biệt, những doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu, nợ nhiều, sau khi thẩm định các phương án nội bộ mà không có kết quả khả quan thì nên công bố giải thể, phá sản. Phá sản không có nghĩa là không còn gì, những máy móc thiết bị, nhà xưởng của doanh nghiệp có thể bán lại cho một chủ đầu tư mới. Với nguồn vốn mới, họ có thể sẽ tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp, đồng thời tăng thêm nguồn lao động, tạo động lực cho doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn.
Vinashin là một bài học điển hình, mặc dù chúng ta đã có những biện pháp cứu vãn tình thế nhưng theo tôi với các nguồn lực trong nước thì doanh nghiệp này không thể vực dậy được, càng để càng lỗ. Nếu như chúng ta sớm có phương án cho các chủ đầu tư nước ngoài cơ hội thì có lẽ số tiền bỏ ra để phục hồi Vinashin không trở nên vô vọng.
Hà Minh (thực hiện)
Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước: Nhiều phương án mới
Theo số liệu tổng hợp của bộ Tài chính, tính đến hết tháng 4.2012, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.856 doanh nghiệp nhà nước và bộ phận doanh nghiệp, trong đó: cổ phần hoá 3.951 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính cả năm 2011 và bốn tháng đầu năm 2012, mới thực hiện cổ phần hoá 6 doanh nghiệp.
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất thay đổi cách thức tiến hành CPH. Theo đó, sẽ hạn chế sử dụng phương pháp đấu giá mà thiên về dựng sổ bảo lãnh phát hành bởi các ngân hàng đầu tư, đặc biệt đối với các thương vụ lớn. Trong trường hợp đấu giá, sẽ áp dụng một giá thành công duy nhất cho tất cả các nhà đầu tư tham gia, tương đương mức giá đấu thành công thấp nhất. Đề xuất này nhằm khắc phục tình trạng luẩn quẩn vì đấu giá không thành công ở một số doanh nghiệp ở một số thời điểm như trước đây.
Để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, dự thảo đề án nêu rõ sẽ xây dựng cơ chế thưởng cổ phần cho các nhà quản trị, quản lý, kể cả các cán bộ quản lý nhà nước giỏi có thành tích tốt trong quản lý, quản trị điều hành, giám sát DNNN.
Bộ cũng sẽ tăng cường các chế tài cụ thể nhằm thực hiện nghiêm chính sách và tiến độ CPH. Cụ thể là có chế tài cụ thể đối với việc doanh nghiệp chậm hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu; chế tài đối với việc niêm yết các DNNN sau CPH nhằm tăng cường minh bạch và thanh khoản cho cổ phiếu.
HM |
sài gòn tiếp thị
|